10:04, 17/04/2014

Báo chí cần tuyên truyền để người dân tiếp cận và hiểu Hiến pháp

Tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền việc triển khai thực hiện Hiến pháp cho phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí và đại diện các sở Thông tin và Truyền thông khu vực phía Nam tổ chức ở Nha Trang vừa qua, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Bắc Son

Tại Hội nghị tập huấn tuyên truyền việc triển khai thực hiện Hiến pháp cho phóng viên, biên tập viên cơ quan báo chí và đại diện các sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) khu vực phía Nam tổ chức ở Nha Trang vừa qua, phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Nguyễn Bắc Son - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT-TT và Giáo sư - Tiến sĩ (GS-TS) Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Quốc hội, Thường trực Ban sửa đổi Hiến pháp.


- Thưa Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, xin ông cho biết vai trò của báo chí trong tuyên truyền triển khai thi hành Hiến pháp?


- Việc tuyên truyền Hiến pháp được thực hiện qua rất nhiều kênh, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các cuộc thi, diễn đàn, hội thảo... Trong các kênh thông tin, báo chí, gồm báo giấy, báo nói, báo hình, báo điện tử, có thế mạnh đặc biệt. Người dân có thể mở tivi xem khi thích hợp, có thể đọc báo in, báo mạng, hay mang radio lên nương rẫy vừa nghe vừa lao động... Do đó, với khả năng thông tin rộng rãi, thuận tiện, báo chí có vai trò quan trọng trong tuyên truyền Hiến pháp.


- Theo Bộ trưởng, báo chí cần tuyên truyền thế nào để Hiến pháp tới được với người dân?

 

- Theo tôi, Hiến pháp khác các đạo luật khác, do đó, không thể tuyên truyền bằng cách nêu từng điều luật cụ thể một cách khô cứng. Báo chí cần tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, tinh thần, nội dung của bản Hiến pháp. Hiểu rồi, người dân mới có lòng tin, có tình cảm với bản Hiến pháp, từ đó biết sử dụng Hiến pháp để bảo vệ mình. Việc xây dựng được tình cảm với Hiến pháp trong nhân dân là quan trọng nhất. Đây chính là trách nhiệm của các cơ quan truyền thông. Việc tuyên truyền này cần thực hiện đồng thời với quá trình thể chế hóa các vấn đề cơ bản của Hiến pháp thành các luật và văn bản dưới luật.

 

1
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

 


Cơ quan báo chí cần bám sát hoạt động lập pháp của Quốc hội để tuyên truyền, phản ánh những tư tưởng mới của Hiến pháp được thể hiện trong các văn bản pháp luật đó, nhất là các văn bản pháp luật đề cao vai trò của nhân dân. Trong quá trình đưa Hiến pháp vào cuộc sống, báo chí sẽ góp phần rất quan trọng nhằm bồi dưỡng vai trò, lòng tin của nhân dân với Hiến pháp và pháp luật. Do vậy, các cơ quan báo chí phải vào cuộc một cách tích cực nhất, mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, ra ấn phẩm đặc biệt để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân những nội dung cơ bản của Hiến pháp. Cần tổ chức tuyên truyền Hiến pháp gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; với việc tuyên truyền về triển khai học tập, quán triệt các nghị quyết của Trung ương. Hy vọng với sự vào cuộc tích cực của báo chí, công tác tuyên truyền triển khai thực hiện Hiến pháp sẽ đi vào chiều sâu, xuống từng địa bàn cơ sở và đến từng người dân.


- Thưa GS-TS Trần Ngọc Đường, ông đánh giá thế nào về Hiến pháp năm 2013?

 

Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Đường.
Giáo sư - Tiến sĩ Trần Ngọc Đường.


- Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới, cách thể hiện cũng mới, nhất là nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, đề cao vai trò của nhân dân. Điều này thể hiện xuyên suốt trong Hiến pháp, từ việc thống nhất viết hoa từ “Nhân dân” trong toàn bộ bản Hiến pháp. Ngay Lời nói đầu đã khẳng định: “Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp”. Trong Chương I - Chế độ chính trị, việc đề cao chủ quyền của Nhân dân thể hiện ở nội dung bổ sung tại Điều 2: “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam do Nhân dân làm chủ”. Lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến có quy định “Nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp”. Hay Điều 4 bổ sung trách nhiệm của Đảng “phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”. Chương II - Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xây dựng, bổ sung và bố cục lại từ Chương V Hiến pháp 1992; được đặt trang trọng sau Chương I không đơn thuần là sự dịch chuyển cơ học, mà thể hiện một tư duy mới, logic mới: Nhân dân là chủ thể thì phải được đưa lên đầu. Đây cũng là xu thế chung của đa số Hiến pháp khác trên thế giới. Việc đề cao vai trò nhân dân cũng thể hiện trong quy định chỉ hạn chế một số ít quyền con người, quyền công dân, hay như quy định đề cao trách nhiệm của Nhà nước trước nhân dân. Quy định về bộ máy Nhà nước cũng điều chỉnh để làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, bảo đảm sự phân công, phối hợp và kiểm soát trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp có hiệu lực và hiệu quả...


N.V (Thực hiện)