Sáng 14-3, nhiều đoàn khách đã đến Tượng đài Tưởng niệm quân nhân Liên Xô, Nga và Việt Nam hi sinh vì hòa bình, ổn định khu vực ở TP Cam Ranh để thắp nén nhang tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh tại đảo Gạc Ma vào thời điểm này cách đây 26 năm (14-3-1988 – 14-3-2014).
Sáng 14-3, nhiều đoàn khách đã đến Tượng đài Tưởng niệm quân nhân Liên Xô, Nga và Việt Nam hi sinh vì hòa bình, ổn định khu vực ở TP Cam Ranh để thắp nén nhang tưởng niệm 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh tại đảo Gạc Ma vào thời điểm này cách đây 26 năm (14-3-1988 – 14-3-2014).
Đại tá Nguyễn Văn Dân thắp nén nhang cho các đồng đội. |
Như mọi năm vào đúng ngày 14-3, đại tá Nguyễn Văn Dân (nguyên phó tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân, chỉ huy trưởng cụm 2 Sinh Tồn) lại bắt xe vượt gần 40km từ Nha Trang đến Tượng đài để thắp nén nhang cho những đồng đội đã ngã xuống.
Đại tá Nguyễn Văn Dân thắp nhang cho liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. |
Ông Dân kể, ngày 13-3-1988, ông đi tàu HQ614 từ đảo Đá Đông chạy thẳng hướng Gạc Ma. Đáng lẽ tàu đến sớm hơn nhưng do bị hai tàu Trung Quốc kèm phá sóng, cản đường nên đến chiều 14-3-1988 mới đến nơi. Khi đến nơi thì tàu của Hải quân nhân dân Việt Nam HQ604 và HQ605 đã bị kẻ địch bắn chìm (khoảng từ 7 giờ đến 8 giờ sáng). Trong khi đó tàu HQ505 của ta lao đến đảo Cô Lin và bốc cháy ngùn ngụt.
“Ngay trong đêm 14-3, chúng tôi đưa anh em bị thương về đảo Sinh Tồn cứu chữa và báo cáo tình hình về đất liền. Sáng 15-3, theo vết dầu loang chúng tôi xác định được tàu HQ605 cạnh đảo Len Đao. Khi chúng tôi qua Gạc Ma tìm tàu HQ604 thì thấy Trung Quốc dựng một cái chòi nhỏ ở đó. Đến gần 12 giờ trưa 15-3 thì có hai tàu Trung Quốc đến ngăn chúng tôi vào khu vực đảo Gạc Ma nên không thể xác định được khu vực tàu HQ604 bị chìm. Chúng tôi đoán tàu HQ604 thả neo ở phía Tây Nam Gạc Ma, khi bị bắn thì chìm rất sâu nên không thấy vết dầu loang”, ông Dân kể lại.
Các sinh viên Trường Đại học Nha Trang đến tượng đài thắp nhang. |
Trong số những đoàn khách đến thắp nhang cho các liệt sĩ ở Tượng đài sáng 14-3 còn có chị Đỗ Thị Hà, vợ của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh. Chị Hà cho biết từ khi có Tượng đài, năm nào chị cũng đến đây thắp nhang cho chồng và các đồng đội của anh.
Trung tá Nguyễn Đức Đệ, nguyên Đảo phó đảo Sơn Ca, hiện đang làm bảo vệ chăm sóc cây ở Tượng đài, cho biết hai hôm nay có rất nhiều đoàn và khách lẻ đến viếng thăm các liệt sĩ. Ông Đệ cho biết, do điều kiện nên những thân nhân ở miền Bắc đến viếng rải rác quanh năm chứ không tập trung vào ngày kỷ niệm. Ngoài ra còn đoàn khách Nga cũng thường xuyên đến đây, trung bình ngày một đoàn, có ngày đến 4 đoàn. “Năm 2009, khi nghe tin xây dựng tượng đài tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở Gạc Ma, tôi vội đến đây xin làm bảo vệ để hàng ngày được gần gũi, nhang khói cho những đồng đội đã hi sinh bảo vệ lãnh hải tổ quốc”, ông Đệ xúc động cho biết.
Nhật Thanh