11:03, 13/03/2014

Trường Sa - khúc bi tráng 14-3

Trong trận chiến ngày 14-3-1988 tại các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tuy có 64 người hy sinh, nhưng những người lính Việt Nam đã không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội. Quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao và bãi Cô Lin.

Trong trận chiến ngày 14-3-1988 tại các bãi san hô Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tuy có 64 người hy sinh, nhưng những người lính Việt Nam đã không bỏ chạy, không bỏ đảo, không bỏ đồng đội. Quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao và bãi Cô Lin.


Hiên ngang ra trận

 

Trở lại chiến dịch CQ88 (Chủ quyền 88), với sự kiện xảy ra ngày 14-3-1988 tại các đảo Gạc Ma, Len Đao, Cô Lin thuộc huyện đảo Trường Sa của tỉnh Khánh Hòa, Báo Khánh Hòa đã giới thiệu với bạn đọc câu chuyện về liệt sĩ Võ Đình Tuấn, quê ở thôn Phú Hữu, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa. Câu chuyện tình yêu của anh được kể trong bài “Muốn ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi” trên báo Khánh Hòa số ra ngày 26-5-2011 và bài “Gửi lòng ra nơi sóng đã cuốn Tuấn đi” số ra ngày 16-3-2012. Đọc các bài viết, ta thật sự khâm phục sự hy sinh cao cả của anh. Trước khi cùng đồng đội lên tàu HQ-604 ra đóng giữ bãi Gạc Ma, Võ Đình Tuấn gặp người yêu ở Nha Trang. Trong câu chuyện kể ấy có chi tiết, có người khuyên Tuấn ở lại, nhưng anh nói, là người chiến sĩ, phải làm tròn nhiệm vụ.

 

Di ảnh Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, người đã từ quê nhà Minh Hòa (Hưng Hà, Thái Bình) trở về đơn vị khi còn hai tuần nghỉ phép, để chỉ huy đơn vị ra đóng giữ đảo Gạc Ma và hy sinh ngày 14-3-1988.
Di ảnh Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, người đã từ quê nhà Minh Hòa (Hưng Hà, Thái Bình) trở về đơn vị khi còn hai tuần nghỉ phép, để chỉ huy đơn vị ra đóng giữ đảo Gạc Ma và hy sinh ngày 14-3-1988.


 


Sách Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam (1955 - 2005) nêu rõ, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, Trung Quốc đưa nhiều tàu chiến đến khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam, chiếm đóng bãi đá Chữ Thập, bãi đá Châu Viên, có ý đồ chiếm đóng một số bãi đá san hô khác. Để bảo vệ chủ quyền vùng biển và quần đảo Trường Sa, Quân chủng Hải quân mở Chiến dịch CQ88. Từ ngày 2-12-1987 đến ngày 28-2-1988, hải quân ta liên tiếp đóng giữ các bãi đá san hô (đảo chìm): Đá Tây, Tiên Nữ, Đá Lát, Đá Đông, Đá Lớn, Tốc Tan, Núi Le. Tại các bãi: Chữ Thập, Châu Viên, Đá Lớn, Đá Đông… đã có những sự đụng độ quyết liệt, căng thẳng giữa tàu Việt Nam và tàu Trung Quốc. “Mình lên Đá Đông rồi, tàu nó cứ quần bên ngoài, chĩa pháo vào mình. Tàu HQ-614 của chúng tôi ở Đá Đông trọng tải chỉ 200 tấn, trang bị vũ khí chỉ có AK, B40, một khẩu 12 ly 7. Lúc đó, trên tàu có cái ống thùng dầu phụ của máy bay để đựng nước, chúng tôi làm giả như quả tên lửa. Chắc bên kia nó tưởng mình có tên lửa thật, nên không dám gây sự”. Đại tá Nguyễn Văn Dân, nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân kể.


Quân chủng Hải quân không nghỉ Tết. Bộ Tư lệnh Hải quân lập Sở Chỉ huy tiền phương tại Vùng 4, Tư lệnh Quân chủng Giáp Văn Cương kiêm luôn Tư lệnh Vùng 4. Đại tá Nguyễn Văn Dân nói, ra Trường Sa lúc đó để xây dựng những bãi đá thuộc chủ quyền Việt Nam, chính là ra trận, có thể có đổ máu, hy sinh.


Trận chiến bi hùng

 

Ngày 14-3-1988, súng nổ, máu đổ không chỉ riêng ở bãi Gạc Ma, mà cả ở bãi Cô Lin, bãi Len Đao. Nhắc tới ngày 14-3-1988 mà bỏ qua những gì diễn ra ở Cô Lin và Len Đao là phiến diện, có lỗi với những người đã hy sinh xương máu để giữ được đảo Cô Lin, đảo Len Đao. Theo tài liệu chính thức của Phòng Chính trị, Lữ đoàn 146, trong số 64 liệt sĩ hy sinh ngày 14-3-1988 có 58 liệt sĩ hy sinh trên bãi Gạc Ma và tàu HQ-604, 6 liệt sĩ hy sinh cùng tàu HQ-605 ở cạnh bãi Len Đao.

 

Di ảnh Anh hùng liệt sĩ, Trung tá Trần Đức Thông, người đã từ quê nhà Minh Hòa (Hưng Hà, Thái Bình) trở về đơn vị khi còn hai tuần nghỉ phép, để chỉ huy đơn vị ra đóng giữ đảo Gạc Ma và hy sinh ngày 14-3-1988.
 Các bãi Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao trong cụm đảo Sinh Tồn.

 

Các tàu HQ-604, HQ-505, HQ-614… cũng nhận được mật lệnh hành quân tới đóng giữ bãi Gạc Ma và bãi Cô Lin. Chiều ngày 14-3-1988, các tàu HQ-604, HQ-505, HQ-605 lần lượt tới khu vực các bãi Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao. Hai tàu chiến Trung Quốc từ bãi Huy Gơ chạy về phía Gạc Ma, áp sát tàu HQ-604 và dùng loa gọi sang, đòi tàu ta rời khỏi Gạc Ma. Bộ Tư lệnh Hải quân ra lệnh, tổ chức đóng giữ bãi Gạc Ma ngay trong đêm 13-3-1988.


Theo Lịch sử Hải quân nhân dân Việt Nam (1955 - 2005), khoảng 3 giờ sáng ngày 14-3-1988, lực lượng của Trung đoàn 83 Công binh và Lữ đoàn 146 bắt đầu chuyển vật liệu từ tàu HQ-604 lên bãi Gạc Ma, tổ chức cắm cờ và dựng nhà. Khoảng 6 giờ ngày 14-3-1988, Trung Quốc điều tới thêm 2 tàu, đưa lính lên bãi Gạc Ma giật quốc kỳ Việt Nam, bắn chết Thiếu úy Trần Văn Phương, đâm trọng thương hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh. Quân ta đánh trả, kiên quyết bảo vệ quốc kỳ, bảo vệ đảo. Quân Trung Quốc rút ra xa, xả đạn pháo và các loại súng vào tàu HQ-604 và quân ta trên bãi Gạc Ma. Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 và Đại úy Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng tàu HQ-604 chỉ huy bộ đội sử dụng các loại súng AK, RPĐ, B40, B41 bắn trả quyết liệt. Tuy nhiên, súng ta không thể bằng pháo lớn của địch. Bị trúng nhiều đạn pháo, tàu HQ-604 chìm xuống biển… Trung tá Trần Đức Thông, Đại úy Vũ Phi Trừ, Thiếu úy Trần Văn Phương và nhiều đồng đội hy sinh, 9 người bị Trung Quốc bắt. Những người còn sống đi tìm vớt đồng đội hy sinh và bị thương, đưa lên một xuồng của công binh rồi bơi về phía tàu HQ-505 ở bãi Cô Lin. 

 

Thả hoa tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh ở vùng biển Cô Lin.
Thả hoa tưởng nhớ các chiến sĩ hy sinh ở vùng biển Cô Lin.

 
Tại bãi Cô Lin, từ 6 giờ sáng ngày 14-3-1988, lực lượng trên tàu HQ-505 đã cắm hai cờ Việt Nam trên bãi. Cùng lúc bắn vào tàu HQ-604, các tàu Trung Quốc cũng bắn nhiều đạn pháo vào tàu HQ-505, khiến tàu bị hỏng máy. Thiếu tá Thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, ủi bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Thấy vậy, hai tàu Trung Quốc tập trung bắn dữ dội vào tàu HQ-505. Hơn 8 giờ sáng ngày 14-3-1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa dập lửa, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía bãi Gạc Ma.


Tại bãi Len Đao, rạng sáng ngày 14-3-1988 một tổ hải quân từ tàu HQ-605 đã lên bãi cạn, cắm cờ Việt Nam. Khoảng 8 giờ sáng ngày 14-3-1988, các tàu Trung Quốc nã đạn vào tàu HQ-605, đến sáng ngày 15-3-1988 tàu chìm hẳn. Trung úy Phạm Hữu Doan, Thuyền phó tàu HQ-605 và 5 người khác hy sinh. Nhưng quân ta vẫn bám trụ, quốc kỳ Việt Nam vẫn tung bay trên bãi Len Đao. Chiều ngày 14-3-1988, khi tàu HQ-614 tới, lực lượng trên tàu HQ-605 dùng xuồng đưa thương binh, tử sĩ về đảo Sinh Tồn.


Chiều ngày 14-3-1988, các tàu HQ-931, HQ-671, HQ-614 lần lượt tới tiếp ứng, bảo vệ bãi Len Đao và bãi Cô Lin. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma và đảo Cô Lin, năm 1989 các liệt sĩ Trần Đức Thông, Vũ Phi Trừ, Trần Văn Phương được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tập thể tàu HQ-505, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ và Hạ sĩ Nguyễn Văn Lanh được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.


Nguyễn Đình Quân

 


Trung sĩ Nguyễn Văn Thành quê ở Hương Điền, Hương Khê, Hà Tĩnh, sinh năm 1967, người cao, ít nói, chỉ cười tủm tỉm, dáng chậm chạp, hiền lắm. Lúc đầu, danh sách đi làm nhiệm vụ ở Trường Sa không có tên Thành, Thành buồn lắm. Thế rồi do hôm 10-3-1988 tàu gặp bão nên hoãn lại ngày hôm sau, hôm đó có sự cố nên một đồng chí không thể đi được mà phải thay, thế là Thành xung phong…

Hắn trốn tau đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự, chỉ khám có một phòng là trúng luôn, khi đó mới 16 tuổi. Đó là lời của mẹ Nuôi (liệt sĩ Hồ Văn Nuôi, quê ở Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An - NĐQ ghi chú), mẹ nói tiếp, tau không đồng ý, tau khóc, hắn kéo tau ra tận ngoài bãi cát, nơi có rặng phi lao, hắn ôm tau rồi nói, mẹ cho con đi, con chỉ đi 3 hay 4 năm là con về... Rứa là tau bằng lòng cho hắn đi, hắn đi và đi mãi đến bây giờ không về, nói rồi mẹ lại khóc… Ngày nhận nhiệm vụ, tăng cường cho Lữ đoàn 146 và nhận nhiệm vụ đi chiến đấu, Nuôi vui lắm.    

     
(Trích từ bài viết trên facebook của ông Lê Hữu Thảo, cựu chiến binh từng giữ đảo Gạc Ma, về những đồng đội đã hy sinh ở bãi Gạc Ma)