04:03, 13/03/2014

Tổng kết vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới thực hiện đường lối đối ngoại

Ngày 13-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) hội nhập quốc tế; đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trên địa bàn tỉnh.

Ngày 13-3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa tổ chức hội nghị tổng kết vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016) hội nhập quốc tế; đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trên địa bàn tỉnh. Các ông: Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

 

Ông Lê Thanh Quang phát biểu tại hội nghị.


Báo cáo gồm 4 nội dung chính: Một là, quá trình phát triển nhận thức của Đảng ta về đường lối và chính sách đối ngoại; về hội nhập quốc tế; về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế qua 30 năm đổi mới. Hai là, thực tiễn triển khai đường lối chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế qua 30 năm đối mới, trọng tâm là 10 năm gần đây. Ba là, những vấn đề đặt ra. Bốn là, kiến nghị hướng bổ sung, phát triển đường lối, chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, tập trung vào đánh giá, phân tích thực tiễn triển khai đường lối chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế qua 30 năm đổi mới, trọng tâm là 10 năm gần đây. Báo cáo đã nêu bật những thành tựu trong triển khai thực hiện đường lối đối ngoại; thành tựu trong triển khai định hướng hội nhập quốc tế, tham gia tổ chức thương mại WTO; thành tựu trong xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế.


Thực hiện tốt đường lối đối ngoại


Về triển khai thực hiện đường lối đối ngoại, tỉnh Khánh Hòa luôn tiếp thu, vận dụng, tham gia thực hiện tốt đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước trong suốt 30 năm đổi mới. Trong từng giai đoạn của thời kỳ đổi mới và hội nhập, tỉnh luôn bám sát các định hướng mục tiêu, bảo đảm các nguyên tắc, tuân thủ theo các phương châm, hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên các lĩnh vực của công tác đối ngoại. Từ năm 1986 đến nay, Khánh Hòa đã tổ chức và phối hợp đón tiếp trọng thị các đoàn ngoại giao cấp cao, khách quốc tế đến thăm và làm việc; riêng trong 10 năm gần đây (2003-2013), tỉnh đã tiếp đón 430 đoàn; nội dung làm việc ngày càng đa dạng, chuyên sâu và mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Công tác thông tin đối ngoại của tỉnh thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực, chất lượng cung cấp thông tin ngày càng được nâng cao.


30 năm qua, công tác đối ngoại nhân dân có bước chuyển biến mạnh mẽ về chất. Từ quan điểm chỉ chú trọng chủ yếu đến công tác ngoại giao trên tinh thần quốc tế vô sản, chuyển sang mở rộng đối ngoại trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội có nhân dân tham gia. Công tác người Việt Nam ở nước ngoài được quan tâm. Công tác biên giới, hải đảo luôn được quan tâm, ngày càng có sự đầu tư về mọi mặt nhằm đảm bảo ngăn chặn kịp thời các hành vi người nước ngoài vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển của Việt Nam, đặc biệt là tại khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa thuộc vùng biển nước ta. Thường xuyên, kịp thời tuyên truyền, phổ biến, cung cấp thông tin cần thiết cho ngư dân về thời sự biển Đông và chủ trương, quan điểm giải quyết của Đảng và Nhà nước; giúp ngư dân có hiểu biết, kỹ năng ứng xử phù hợp góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam.


Đối với thu hút đầu tư và viện trợ nước ngoài, Khánh Hòa đã tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế, khu vực về các chương trình xúc tiến thương mại, dịch vụ, du lịch; nhiều sự kiện kết nối doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động hợp tác đầu tư… Lũy kế đến cuối năm 2013, Khánh Hòa có 84 dự án FDI được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 1.208 triệu USD, gấp hơn 3,6 lần so với lũy kế năm 2002. Trong 20 năm (1994-2013), tỉnh đã tiếp nhận viện trợ nước ngoài hơn 1.004 tỷ đồng…


Hội nhập để phát triển


Triển khai định hướng hội nhập quốc tế, tham gia tổ chức thương mại WTO, tỉnh đã thường xuyên xây dựng và phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường, đồng thời, đổi mới và nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước cấp tỉnh; phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, của doanh nghiệp và các sản phẩm của tỉnh trên địa bàn; từng bước thực hiện hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đẩy mạnh công tác thực hiện chính sách an sinh xã hội; bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thời kỳ hội nhập; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhìn lại 10 năm hội nhập kinh tế quốc tế (2003-2013), Khánh Hòa đạt được những thành tựu nổi bật: Đã hình thành và từng bước phát triển có quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm là Khu kinh tế Vân Phong, TP. Nha Trang và vịnh Cam Ranh gắn kết chặt chẽ với các chương trình phát triển kinh tế biển, trên cơ sở kết hợp vững chắc giữa phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng-an ninh. Tổng thu nhập quốc nội GDP sau 10 năm tăng 5,5 lần, kim ngach xuất khẩu tăng 4,1 lần, kim ngạch nhập khẩu tăng 3,6 lần. Ngành du lịch phát triển nhanh về nhiều mặt. 10 năm qua, lượng khách quốc tế đến Khánh Hòa đạt trên 4 triệu lượt người. Doanh thu từ du lịch tăng gấp 10,8 lần. Thu ngân sách tăng nhanh và ổn định… Năm 2013, Khánh Hòa có quan hệ thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa với hơn 103 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 47 nước so với 10 năm trước. Chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế cấp địa phương của tỉnh xếp thứ 18/63 tỉnh, thành cả nước; xếp thứ 4/14 trong các tỉnh duyên hải miền Trung – Tây nguyên.


Từ khi hội nhập quốc tế, nền kinh tế của tỉnh có xu hướng phát triển tương đối nhanh, bền vững; các hoạt động kinh tế đối ngoại có sự phát triển ổn định, chắc chắn.

 

Quang cảnh hội nghị.

 


Giữ vững an ninh quốc phòng


Trên địa bàn tỉnh, các lực lượng quân sự, công an và biên phòng được xây dựng vững mạnh, toàn diện, nắm vững nguyên tắc xử lý các tình huống về quốc phòng và an ninh; dự báo chính xác những tình huống, thủ đoạn của các tổ chức phản động, ứng phó kịp thời. Toàn tỉnh tổ chức tốt các đợt diễn tập chống khủng bố, diễn tập khu vực phòng thủ các cấp. 30 năm qua, các ngành chức năng của tỉnh đã bảo vệ an toàn tuyệt đối các đoàn khách quốc tế, các vị lãnh đạo cấp cao của các nước đến thăm và làm việc trên địa bàn tỉnh; các hội nghị quốc tế tổ chức tại Khánh Hòa; các hoạt động kỷ niệm những ngày lễ lớn…. Toàn tỉnh đã xử lý hơn 480 vụ với gần 1.090 người nước ngoài vi phạm hành chính. Đặc biệt, Công an tỉnh đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý 5 vụ, bắt 36 đối tượng tội phạm là người nước ngoài sử dụng công nghệ cao…


Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền biển đảo được tổ chức thường xuyên, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung đã nâng cao rõ rệt hiểu biết về biển đảo và ý thức bảo vệ chủ quyền biển đảo trong mọi tầng lớp nhân dân. Công tác quốc phòng, quân sự địa phương được triển khai nghiêm túc theo quy định. Công dân nhập ngũ hàng năm đều đạt chỉ tiêu, chất lượng không ngừng nâng cao. Công tác phối hợp đảm bảo chặt chẽ và đồng bộ giữa các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang với các cơ quan, đơn vị, địa phương, đoàn thể và nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp sẵn sàng chiến đấu, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội, trong đó, có tuyến biên giới biển. phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được tăng cường và củng cố…


Gắn với thực hiện tốt Kết luận số 53 của Bộ Chính trị


Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Thanh Quang khẳng định, hội nhập quốc tế là xu thế tất yếu của nước ta, trong đó có Khánh Hòa. Xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng đem lại nhiều cơ hội để phát triển, vươn lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ông Lê Thanh Quang nhấn mạnh, thời gian đến, các hoạt động hội nhập quốc tế và tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại trên địa bàn tỉnh phải được kết hợp với việc thực hiện tốt Kết luận số 53-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn 2030: Phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, trong đó thành phố Nha Trang là hạt nhân, là trung tâm kinh tế - du lịch, khoa học và công nghệ, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên và của cả nước; có quốc phòng, an ninh vững mạnh, chính trị - xã hội ổn định, vững chắc; có hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, ngang tầm nhiệm vụ, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Ông Lê Thanh Quang yêu cầu các cấp, các ngành chú trọng thực hiện tốt các nhiệm vụ: tiếp tục triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả quá trình hội nhập quốc tế và tham gia công tác đối ngoại theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục sâu, rộng, có hệ thống về các nội dung liên quan đến hội nhập, mở rộng bang giao quốc tế; chủ động xúc tiến, mở rộng, nâng tầm các mối quan hệ có ý nghĩa thiết thực, ổn định, bền vững giữa Khánh Hòa với địa phương các nước, các đối tác lớn...


KHÁNH NINH