12:03, 16/03/2014

Thông cáo phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Từ  10 - 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 26 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng

Từ  10 - 14-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 26 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng


Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số cơ quan, tổ chức hữu quan.


1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định khai mạc kỳ họp Quốc hội vào ngày 20-5-2014, dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết, cho ý kiến về 18 dự án luật; tiến hành giám sát tối cao; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và một số vấn đề quan trọng khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục hoàn chỉnh dự kiến nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7 gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội; đồng thời tiếp tục theo dõi, đôn đốc các cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp chuẩn bị các nội dung và điều kiện về mọi mặt của kỳ họp.


2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của 3 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 6, gồm: Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Hải quan (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi) và 5 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, gồm: Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Căn cước công dân:


- Về dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh của Luật; thẩm quyền đơn phương miễn thị thực; giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch; tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu và khu vực biên giới; …


- Về dự án Luật Hải quan (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: việc áp dụng điều ước quốc tế, tập quán và thông lệ quốc tế; hoạt động hợp tác quốc tế về hải quan; địa bàn hoạt động hải quan; công chức hải quan; quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan; quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan; hồ sơ hải quan; khai hải quan; thông quan hàng hoá; điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên; xử lý hàng hoá tồn đọng; kiểm tra sau thông quan; phạm vi trách nhiệm phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới; thẩm quyền của cơ quan hải quan, công chức hải quan trong việc xử lý hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; cơ quan quản lý nhà nước về hải quan; ...


- Về dự án Luật Công chứng (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi công chứng; việc miễn đào tạo nghề công chứng; độ tuổi hành nghề của công chứng viên; việc chuyển đổi các Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng; hình thức tổ chức Văn phòng công chứng; việc chuyển nhượng, thừa kế Văn phòng công chứng; tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công chứng viên; ...


- Về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân; thẩm quyền thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án quân sự; các chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân; đổi mới tổ chức, hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa chuyên trách của Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực; thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh; các chức danh Thẩm phán; kinh phí hoạt động của Tòa án nhân dân; ...


- Về dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: sự cần thiết sửa đổi Luật; phạm vi điều chỉnh; vai trò của Ủy ban kiểm sát; chế định Kiểm sát viên; quyền hạn điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân; tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân; trách nhiệm thực hiện công tác thống kê hình sự, thống kê tội phạm của Viện Kiểm sát nhân dân; thẩm quyền quyết định biên chế, số lượng, cơ cấu Kiểm sát viên, điều tra viên, viên chức của Viện Kiểm sát nhân dân; kinh phí hoạt động của Viện Kiểm sát nhân dân; …


- Về dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc kinh doanh bất động sản; điều kiện đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, kinh doanh dịch vụ bất động sản; thời điểm chuyển quyền sở hữu bất động sản; việc thanh toán theo hình thức ứng trước đối với nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; sàn giao dịch bất động sản; chứng chỉ môi giới bất động sản; việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai; …


- Về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc áp dụng pháp luật; thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở; quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam; đối tượng được sở hữu nhà ở; chính sách phát triển nhà ở; chính sách phát triển nhà ở công vụ; mua bán nhà ở hình thành trong tương lai; Quỹ phát triển nhà ở xã hội; thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai; …


- Về dự án Luật Căn cước công dân: Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về: sự cần thiết ban hành Luật; tên gọi của Luật; phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; cơ sở dữ liệu căn cước công dân; chứng minh nhân dân; điều kiện làm việc, bảo đảm kinh phí về quản lý căn cước công dân và lệ phí; điều kiện trình dự án Luật; …


2. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến bước đầu về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21-11-2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn và dự án Pháp lệnh Xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân. Đồng thời, thông qua Nghị quyết về phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung giai đoạn 2014-2016 cho các dự án dự kiến hoàn thành năm 2014, 2015 nhưng chưa bố trí đủ vốn.


Theo VOV