12:03, 13/03/2014

Thẻ căn cước công dân thay hộ khẩu, giấy khai sinh?

Chủ tịch Quốc hội: "Sao nhiều loại thẻ, loại giấy, loại sổ thế? Phải làm sao bỏ bớt để người đân đỡ bị phiền phức".

Chủ tịch Quốc hội: “Sao nhiều loại thẻ, loại giấy, loại sổ thế? Phải làm sao bỏ bớt để người đân đỡ bị phiền phức”.


Tiếp tục phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành cả buổi sáng 12-3 để cho ý kiến về dự án Luật Căn cước công dân (gồm 5 chương, 34 điều). Nhìn chung các ý kiến cơ bản tán thành với nội dung Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng- An ninh (QPAN); cho rằng việc ban hành Luật là cần thiết.


Bỏ bớt giấy tờ để tạo thuận lợi cho người dân


Nhiều ý kiến cho rằng tên gọi Chứng minh nhân dân không còn phù hợp và nên đổi tên thành Thẻ căn cước công dân để phù hợp với thực tế cũng như tên gọi của Luật. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về việc thay đổi tên gọi sẽ dẫn đến phải thay đổi hàng loạt giấy tờ liên quan cũng như số chứng minh nhân dân đã cấp sẽ phải có hướng xử lý.


Theo tờ trình của Chính phủ, trên Chứng minh nhân dân có thông tin về nơi thường trú của công dân và do đó về lâu dài, có thể nghiên cứu tiến tới dùng Chứng minh nhân dân thay cho sổ hộ khẩu. Đánh giá cao hướng tiếp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng khi cấp số định danh với việc tích hợp các dữ liệu đầy đủ thì việc bỏ hộ khẩu là hợp lý để giảm bớt giấy tờ cho người dân.
 

Mẫu CMND trong dự thảo Luật Căn cước công dân (trái) và mẫu CMND mới 12 số đang được cấp ở Hà Nội (Ảnh: NLĐ)
Mẫu CMND trong dự thảo Luật Căn cước công dân (trái) và mẫu CMND mới 12 số đang được cấp ở Hà Nội (Ảnh: NLĐ)


“Quan điểm xây dựng luật là lấy yêu cầu, mong muốn của nhân dân là lên trên hết và đáp ứng yêu cầu quản lý công dân. Thủ tục cấp, đổi phải đơn giản. Tiếp cận tiến tới thẻ căn cước công dân thay hộ khẩu là sự tiến bộ vì khi có số định danh thì tra dữ liệu đều có đầy đủ. Như thế sẽ tạo thuận lợi cho người dân”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.


Liên quan nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: “Tất cả các luật liên quan đến công dân này phải thống nhất, tinh thần đổi mới là làm đồng bộ. Sao lắm loại thẻ, loại giấy, loại sổ thế? Phải làm thế nào bỏ bớt để dân ít bị phiền phức và Nhà nước quản lý tốt. Còn về sự thay đổi, khi có cái mới thì thay cái cũ, chưa làm cái mới thì cái cũ còn giá trị, tất cả phải giải thích với dân”.


Ủng hộ về tên gọi Thẻ căn cước công dân thay Chứng minh nhân dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: “Tinh thần là mỗi công dân sinh ra đều có số định danh, thẻ căn cước, đi liền với nó là các dữ liệu thống nhất. Trong khoảng một thời gian nhất định thì chỉ cần tiếp tục cập nhật các yếu tố mới về thông tin và nhận dạng. Khi đó, có thể bỏ các giấy tờ không còn cần thiết như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu”.


Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Mai thì cho rằng nếu định hướng tiến tới bỏ hộ khẩu thì phải có lộ trình chứ không thể nói chung chung: “Phải có thời hạn, ví dụ đến 2016 hay 2018 để làm quyết liệt. Người dân rất vui nếu ta làm được điều này”


Phải hợp hiến và thống nhất hệ thống luật


Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban QPAN cho rằng về cơ bản nội dung dự thảo Luật đã bảo đảm tính hợp Hiến, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát những quy định của dự thảo Luật về trách nhiệm thu thập và cung cấp thông tin cá nhân, những giấy tờ và thủ tục cần thiết khi làm căn cước công dân… để bảo đảm đúng các quy định của Hiến pháp về quyền và nghĩa vụ của công dân, trách nhiệm của Nhà nước, nhất là thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo hộ theo quy định của Hiến pháp.


Liên quan đến những thông tin cơ bản về công dân hiện nay được hai dự án luật là Luật hộ tịch (dự kiến trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 7) và Luật căn cước công dân điều chỉnh và có mối liên hệ chặt chẽ với Đề án 896 (trọng tâm của Đề án này là việc hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp số định danh cá nhân) để bảo đảm thống nhất về quản lý dân cư. Theo đó, thông tin cơ bản về công dân phải được quản lý tập trung, thống nhất từ khi công dân sinh ra (đăng ký khai sinh) đến khi chết (đăng ký khai tử) trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.


Thường trực Ủy ban QPAN đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ cần xác định thời điểm xem xét hai dự án Luật này bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật (Luật hộ tịch, Luật nuôi con nuôi, Luật cư trú và Đề án 896…).


Một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần làm rõ mối quan hệ giữa việc cấp chứng minh nhân dân với việc thực hiện cấp số định danh cá nhân và phát triển ứng dụng thẻ công dân điện tử để giảm giấy tờ công dân trong lĩnh vực quản lý hộ tịch, quản lý cư trú, quản lý trật tự xã hội và các lĩnh vực khác có liên quan để bảo đảm thống nhất, hiệu quả, khả thi trong các điều luật.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, xây dựng luật phải hợp hiến và thống nhất hệ thống luật: “Làm luật nào cũng phải đảm bảo thực hiện quyền con người, quyền công dân. Do đó, các quy định phải rõ trên cơ sở nghiên cứu, rà soát chặt chẽ. Làm luật là để phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền của nhân dân và đảm bảo quản lý Nhà nước, chứ không phải làm luật để quản lý nhân dân”.


Vì quản lý công dân liên quan đến nhiều luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị ban soạn thảo cần rà soát để đảm bảo thống nhất và nguyên tắc phải giảm được thủ tục hành chính, chứ không để một người nhưng có quá nhiều thủ tục quản lý công dân trên lãnh thổ Việt Nam.


Theo VOV