11:03, 15/03/2014

Bộ luật Hình sự sửa đổi xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy về tội phạm

Ngày 15-3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999. Dự hội nghị ở điểm cầu Khánh Hòa có ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 15-3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết thi hành Bộ luật Hình sự năm 1999. Dự hội nghị ở điểm cầu Khánh Hòa có ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

 

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa.


 

Cần tiếp tục thể chế hóa Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp


Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, BLHS năm 1999 được Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ VI thông qua ngày 21-12-1999 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2000), quy định tương đối có hệ thống, toàn diện các nguyên tắc, chế định chung của chính sách hình sự, hình sự hóa được khá nhiều hành vi nguy hiểm cao cho xã hội và xác định hệ thống hình phạt khá toàn diện, khoa học. Tuy nhiên, thực tiễn công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự trong hơn 12 năm qua cho thấy có 3 loại bất cập, hạn chế chủ yếu nổi lên trong quá trình thi hành BLHS. Đó là, hạn chế từ công tác tổ chức thực hiện BLHS; trong chính các quy định của BLHS và hạn chế xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm và yêu cầu hội nhập quốc tế. Điều đó đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, đề xuất sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định của BLHS đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, có tính khả thi cao, bảo vệ có hiệu quả các quyền con người, quyền cơ bản công dân, đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội. BLHS sửa đổi cũng phải tạo ra hành lang pháp lý để bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường; bảo vệ quyền cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Đồng thời, BLHS phải tiếp tục thể chế hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là giảm bớt khung hình phạt tối đa quá cao trong một số loại tội phạm; khắc phục tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự và bỏ lọt tội phạm; hình sự hóa đối với những hành vi nguy hiểm cho xã hội mới xuất hiện.


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cấp, ngành cần tập trung nghiên cứu để khắc phục những tồn tại, hạn chế. BLHS sửa đổi phải được xây dựng trên tinh thần đổi mới tư duy về tội phạm, phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Đồng thời tạo hành lang pháp lý, xây dựng các quy định hài hòa nhằm thúc đẩy nền kinh tế. Ban soạn thảo cũng cần chọn lọc từ thực tiễn những kết quả đã đạt được để có những định hướng trong công tác sửa đổi, bổ sung BLHS.


Nhiều quy định cần sửa đổi


Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình hình tội phạm diễn biến hết sức phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm có xu hướng gia tăng, nghiêm trọng hơn cả về quy mô và tính chất, nhất là các tội xâm phạm trật tự, an toàn xã hội có tính chất bạo lực gia tăng; xuất hiện tình trạng trẻ hóa tội phạm, hoạt động tội phạm theo các băng nhóm tội phạm có tổ chức.


Tình trạng vỡ “bong bóng bất động sản” và những hệ lụy của nó cũng làm gia tăng các loại tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý dự án, đất đai, bất động sản; tội phạm về ma túy diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, số lượng rất lớn, có trang bị vũ khí…


Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công an, hiện quy định về án treo còn nhẹ, tùy nghi; quy định về giam giữ chưa chặt nên đề nghị cần sửa đổi BLHS theo hướng thu hẹp khoảng cách từ mức tối thiểu đến mức tối đa; “nhóm” một số tội phạm đang được quy định rải rác trong Bộ luật như môi trường, thực phẩm; yêu cầu nội luật hóa các quy định theo tình hình thực tế của đất nước. Nên thường xuyên tổ chức họp bàn về vấn đề thực hiện cũng như nhanh chóng ban hành văn bản hướng dẫn.

 

Theo số liệu thống kê, từ năm 2000 đến năm 2012, toàn ngành Tòa án đã xét xử 673.559 vụ/1.090.676 bị cáo.
Tổng số vụ điều tra, truy tố trên phạm vi toàn quốc tăng, giảm không đều qua các năm nhưng nhìn chung có xu hướng tăng (năm 2000 số vụ án điều tra là 57.872 vụ, số vụ án truy tố 41.481 vụ thì đến năm 2006, số vụ án điều tra là 79.186 vụ, số vụ án truy tố 56.553 vụ; năm 2012, số vụ án điều tra là 93.621 vụ, số vụ án truy tố  66.842 vụ.


Riêng khối các cơ quan thuộc lực lượng CAND từ năm 2008 đến năm 2012, đã khởi tố 340.130 vụ án hình sự với 532.548 bị can, chiếm gần 99% số lượng vụ án hình sự và trên 99% số bị can bị khởi tố trong toàn quốc..

Còn Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Trần Công Phàn cho rằng, chúng ta chưa làm được việc giải thích luật nhằm giảm những vướng mắc trong thi hành. Hiện chỉ có 26 điều luật mô tả về yếu tố lỗi, ảnh hưởng đáng kể đến việc quyết định hình phạt. BLHS sửa đổi cần nghiên cứu mở rộng thêm việc miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với người chưa thành niên, người già; xóa bỏ một số hình phạt như cảnh cáo, buộc công khai xin lỗi… vì tác dụng của các hình phạt này không lớn.


Trên cơ sở kết quả tổng kết thực tiễn hơn 12 năm thi hành BLHS, kết quả khảo sát thực tiễn thi hành BLHS tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, gồm: Hà Nội, Nam Định, Sơn La, Thừa Thiên - Huế, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang và Đồng Nai, các đại biểu dự hội nghị thống nhất nhận định, BLHS năm 1999, mặc dù là kết quả của việc sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS năm 1985, nhưng nhìn chung vẫn là sản phẩm mang đậm dấu ấn của thời kỳ đầu của quá trình chuyển từ nền kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; một số quy định không còn phù hợp với điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường; nhiều tội phạm mới phát sinh trong quá trình vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường chưa được kịp thời bổ sung hoặc tuy đã được bổ sung nhưng chưa đầy đủ, toàn diện như: các tội phạm phát sinh trong lĩnh vực bảo hiểm, thuế, tài chính, chứng khoán, tài nguyên, khoáng sản, vệ sinh an toàn thực phẩm…


Nhiều ý kiến kiến nghị BLHS (sửa đổi) cần được xây dựng dựa trên 6 định hướng cơ bản. Đó là: Thể chế hóa về mặt hình sự chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; hoàn thiện chính sách hình sự theo hướng đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013; đổi mới tư duy về tội phạm và hình phạt, cơ sở của trách nhiệm hình sự; nghiên cứu nội luật hóa những qui định có liên quan của điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên; sửa đổi các quy định của BLHS liên quan đến các tội phạm tham nhũng; hoàn thiện kỹ thuật lập pháp hình sự theo hướng nâng cao tính minh bạch, khả thi và tính dự báo, bảo đảm thống nhất về kỹ thuật giữa Phần chung và Phần các tội phạm cụ thể của BLHS và giữa BLHS với các luật khác.


Trong kiến nghị, đề xuất của mình, tỉnh Khánh Hòa đề nghị cần làm rõ các khái niệm và thuật ngữ, sửa đổi về kỹ thuật lập pháp và vấn đề phi hình sự hóa. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị đối với một số điều luật cụ thể, như quy định về cảnh cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, quyết định hình phạt nhẹ hơn quy định của Bộ luật, án treo, tội mua bán người, tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em, tội làm nhục người khác, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có...

 
N.V