12:01, 06/01/2014

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 30-12-2013 - 3-1-2014

Những giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2014; chủ động, quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014; kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; tăng cường quyết toán vốn các dự án hoàn thành;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 30-12-2013 - 3-1-2014.

Những giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2014; chủ động, quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014; kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản; tăng cường quyết toán vốn các dự án hoàn thành;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 30-12-2013 - 3-1-2014.


Những giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH năm 2014


Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.


Nghị quyết nêu rõ: Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua là: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; cải thiện môi trường kinh doanh. Bảo đảm quốc phòng và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.


Các chỉ tiêu chủ yếu của năm 2014 như phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 5,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước 5,3% GDP. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,7%-2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động;...


Trong đó, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả; chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm; tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; thực hiện có hiệu quả ba đột phá chiến lược; tái cơ cấu toàn diện các tổ chức tín dụng; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành;...


Nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014


Khẩn trương khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành; phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2014; bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ;... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2013.


Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém; tranh thủ những yếu tố thuận lợi, khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, chủ động, quyết liệt, phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2014, tạo đà hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 ngay từ ngày đầu, tháng đầu.


Kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản


Để tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh trong năm 2014, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan tích cực chuẩn bị các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh theo đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng; tập trung soạn thảo, trình và ban hành các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực thi hành và các luật, pháp lệnh đã được Quốc hội ban hành; kiên quyết khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật.


Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng công tác soạn thảo, góp ý, thẩm định, thẩm tra văn bản; tăng cường hoạt động tham vấn các chuyên gia; lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản; đề cao trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật; củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác pháp chế.


Tăng cường quyết toán vốn các dự án hoàn thành


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải yêu cầu cơ quan thẩm tra quyết toán các cấp rà soát, báo cáo tình hình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn Nhà nước đã hoàn thành từ năm 2005 đến nay chưa hoàn thành công tác thẩm tra, phê duyệt quyết toán thuộc phạm vi quản lý và có biện pháp xử lý quyết toán dứt điểm trước ngày 30-6-2014.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2014 trở đi, không giao dự án đầu tư mới cho chủ đầu tư, Ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên theo quy định về thời gian lập báo cáo quyết toán tại Thông tư số 19/2011/TT-BTC ngày 14-2-2011 của Bộ Tài chính quy định về quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn Nhà nước; không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán số vốn còn thiếu cho các dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 12 tháng trở lên; không cho phép nhà thầu đang có hợp đồng vi phạm quy định về thời gian lập hồ sơ quyết toán hợp đồng được tham gia đấu thầu dự án mới.


Một số giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt


Chính phủ ban hành Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt; trong đó nêu rõ một số trường hợp giao dịch không được thanh toán bằng tiền mặt.


Cụ thể, các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Bộ Tài chính.


Các tổ chức sử dụng vốn nhà nước không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch, trừ một số trường hợp được phép thanh toán bằng tiền mặt theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.


Nghị định cũng quy định tổ chức, cá nhân không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch chứng khoán trên Sở giao dịch chứng khoán cũng như trong các giao dịch chứng khoán đã đăng ký, lưu ký tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của Sở giao dịch chứng khoán.


Các doanh nghiệp không thanh toán bằng tiền mặt trong các giao dịch góp vốn và mua bán, chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp. Các doanh nghiệp không phải tổ chức tín dụng không sử dụng tiền mặt khi vay và cho vay lẫn nhau.


Quản lý vay, trả nợ nước ngoài của DN không được Chính phủ bảo lãnh


Theo Nghị định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh., Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện theo dõi tổng mức ký vay mới, mức rút vốn và trả nợ của các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả trung, dài hạn; xây dựng các giải pháp phù hợp quản lý vay nước ngoài tự vay, tự trả nhằm đảm bảo tổng số tiền vay ròng trong năm của các khoản vay nước ngoài tự vay, tự trả trung, dài hạn nằm trong hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả do Thủ tướng Chính phủ quy định.


Trường hợp nhu cầu của nền kinh tế cần tăng khối lượng huy động vốn làm vượt hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả trong năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính chủ chì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.


Bên đi vay có trách nhiệm sử dụng vốn vay nước ngoài đúng mục đích, phù hợp với phạm vi hoạt động của Bên đi vay và tuân thủ quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về năng lực pháp lý, năng lực tài chính, khả năng thực hiện khoản vay của Bên cho vay nước ngoài.


Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm trong việc ký và thực hiện thỏa thuận vay nước ngoài và các thỏa thuận khác có liên quan. Không được ký các thỏa thuận có nội dung trái quy định của pháp luật Việt Nam.


Đồng thời, tự chịu trách nhiệm trả nợ nước ngoài tự vay, tự trả và chịu mọi rủi ro khi thực hiện vay nước ngoài tự vay, tự trả;...


Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp


Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp, mức bồi dưỡng giám định tư pháp một ngày công đối với một người thực hiện giám định quy định trên theo ba mức: 500.000 đồng; 300.000 đồng và 150.000 đồng.


Bên cạnh quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo ngày công, Quyết định cũng quy định chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc.


Chính sách đặc thù cho vận động viên xuất sắc


Theo Quyết định về một số chính sách đặc thù đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc, huấn luyện viên, vận động viên thể thao xuất sắc tập huấn trong nước được hưởng chế độ ăn với mức tiền 400.000 đồng/người/ngày.


Về chế độ tiền công, huấn luyện viên xuất sắc không hưởng lương từ ngân sách Nhà nước được hưởng chế độ tiền công: 500.000 đồng/người/ngày; còn đối với vận động viên xuất sắc là 400.000 đồng/người/ngày.


Chiến lược sử dụng công nghệ sạch


Đến năm 2020, 100% dự án đầu tư mới thuộc các ngành sử dụng nhiều năng lượng, có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về công nghệ sạch.

Đây là một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược sử dụng công nghệ sạch giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Chiến lược) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là sử dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp trong sản xuất công nghiệp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao đời sống cộng đồng.


Quy định giải quyết tố cáo trong Quân đội


Chính phủ ban hành Nghị định quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân. Nghị định này quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cáo; quản lý công tác giải quyết tố cáo trong Quân đội nhân dân.


Đổi mới công tác cai nghiện ma túy


Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.


Đề án nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dự phòng và điều trị nghiện nhằm giảm tác hại của nghiện ma túy, kiềm chế sự gia tăng số người nghiện mới, góp phần bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và nâng cao sức khỏe nhân dân; hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng.


Thành lập một số đơn vị hành chính tại 7 tỉnh


Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về việc thành lập một số đơn vị hành chính tại 7 tỉnh. Cụ thể, Chính phủ quyết nghị thành lập thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang và 6 phường thuộc thị xã Cai Lậy: Phường 1, phường 2, phường 3, phường 4, phường 5 và phường Nhị Vỹ; thành lập thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh và 2 phường: Ninh Sơn, Ninh Thạnh.


Chính phủ cũng quyết nghị thành lập thành lập 3 phường Khắc Niệm, Khúc Xuyên và Phong Khê thuộc thành phố Bắc Ninh; thành lập 3 phường Xương Giang, Dĩnh Kế, Đa Mai thuộc thành phố Bắc Giang; phường Ái Quốc và phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương; thành lập thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng và 3 phường thuộc thị xã Ngã Năm: phường 1, phường 2, phường 3.


Thành lập thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương và 5 phường thuộc thị xã Bến Cát: Mỹ Phước, Thới Hòa, Tân Định, Hòa Lợi, Chánh Phú Hòa. Thành lập thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương và 6 phường thuộc thị xã Tân Uyên gồm: Uyên Hưng; Tân Phước Khánh; Thái Hòa; Thạnh Phước; Tân Hiệp; Khánh Bình.


Phê duyệt Đề án: Phát triển các đô thị VN ứng phó với biến đổi khí hậu


Trong tuần, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2013-2020”. Đề án đề xuất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm.       


Thứ nhất, điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến phát triển hệ thống đô thị hiện có và đô thị dự kiến hình thành mới trong giai đoạn 2013 - 2020; khoanh vùng khu vực có nguy cơ chịu tác động cao của biến đổi khí hậu; tính toán khả năng và mức độ tự thích nghi, đề xuất giải pháp ứng phó; hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống Bản đồ cảnh báo rủi ro biến đổi khí hậu tại đô thị (gọi tắt là Atlas Đô thị và Khí hậu). Thứ hai, tích hợp nội dung ứng phó biến đổi khí hậu vào quy hoạch và chương trình, kế hoạch phát triển đô thị; cảnh báo các rủi ro tại các khu vực phát triển đô thị có khả năng chịu tác động từ biến đổi khí hậu. Thứ ba, chỉnh sửa, bổ sung hệ thống văn bản pháp luật, khung chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định liên quan đến phân loại đô thị, quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển đô thị, nhà ở, hạ tầng kỹ thuật… Thứ tư, hình thành hệ thống kiểm soát, hạn chế lũ, lụt, ngập úng trong đô thị. Hình thành hồ chứa điều tiết ngập lụt, khai thông, nạo vét, cải tạo, gia cố, nắn dòng cho các đường thoát nước đô thị. Xây dựng đê, kè, tường chắn lũ, phân dòng lũ, công trình chứa nước ngầm hiện đại quy mô lớn. Khoanh vùng bảo vệ và có giải pháp tái định cư và di dời dân trong vùng cảnh báo rủi ro. Phát triển nhà ở vượt lũ, nhà ở có khả năng chống chịu cao với gió bão.Thứ năm, nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên môn các cấp về quản lý, phát triển đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu. Thông tin truyền thông về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tới người dân, tăng cường phối hợp cộng đồng và các bên liên quan trong triển khai thực hiện. Thứ sáu, thực hiện các chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học - công nghệ, thực hiện các dự án thí điểm phát triển đô thị xanh, kiến trúc xanh; xây dựng công trình tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; phát triển vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, tái sử dụng, tái chế.


Theo chinhphu.vn