11:12, 22/12/2013

Văn hóa đảng và đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên hiện nay

Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ "Đảng ta là đạo đức là văn minh". Tuy Người chưa đề cập khái niệm văn hóa đảng nhưng trong luận điểm này thể hiện rõ nội dung, thuộc tính của khái niệm văn hóa đảng.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ “Đảng ta là đạo đức là văn minh”. Tuy Người chưa đề cập khái niệm văn hóa đảng nhưng trong luận điểm này thể hiện rõ nội dung, thuộc tính của khái niệm văn hóa đảng. Văn hóa đảng thẩm thấu, định hướng sự phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, kinh tế, văn hóa,... Đặc biệt văn hóa đảng tác động tích cực đến việc xây dựng, chỉnh đốn đảng; giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhất là nâng cao nhận thức tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, gương mẫu nói đi đôi với làm của những người cộng sản. Xuất phát từ vai trò của văn hóa đảng, Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã nhấn mạnh từ Ban Chấp hành Trung ương đến tận các chi bộ phải coi trọng xây dựng văn hóa đảng. Nội hàm khái niệm văn hóa đảng thể hiện ở mấy điểm sau:


- Thể hiện phương diện mục tiêu, lý tưởng của Đảng là giải phóng dân tộc, độc lập dân tộc và CNXH, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành. Mục tiêu, lý tưởng của Đảng ta hướng đến những giá trị tốt đẹp của CNXH, mang lại cho con người hệ giá trị chân thiện mỹ.


- Văn hóa đảng còn thể hiện Đảng phải tiên phong về lý luận, nâng tầm trí tuệ để hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách đúng. Đây là yêu cầu, đòi hỏi rất cao đối với sứ mệnh của đảng cầm quyền. Xác định đúng phương hướng, mục tiêu chính trị là nhân tố để đưa cách mạng giành thắng lợi trong thực tiễn. Sai lầm về chính trị là sai lầm nguy hiểm nhất, đi chệch định hướng của Đảng, nguy cơ dẫn tới những tổn thất khôn lường.


- Văn hóa đảng còn thể hiện ở phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, cần kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của cán bộ, đảng viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò to lớn của đạo đức cách mạng “Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”.


Trong bối cảnh toàn cầu hóa về kinh tế, mở cửa hội nhập quốc tế, những mặt trái của quá trình này tác động không nhỏ đến bản sắc văn hóa, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Để vượt qua những thách thức nguy cơ trong bối cảnh mới, việc trở về với những giá trị văn hóa, với nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội sẽ có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Xây dựng nền tảng tinh thần đó đòi hỏi phải tập trung giải quyết tốt vấn đề tư tưởng đạo đức, lối sống. Bởi đạo đức định hướng cho tài năng phát triển đúng hướng; giá trị đạo đức, văn hóa của cán bộ, đảng viên đủ sức miễn dịch lọc bỏ những biểu hiện phản văn hóa như lối sống thực dụng, chạy theo lối sống phương tây, kinh doanh bất cứ giá nào, bạo lực, lừa đảo, gây tội ác... Để khắc phục tình trạng này, cần tập trung  thực hiện các giải pháp chủ yếu như: Tạo chuyển biến về nhận thức ở các cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên về xây dựng chỉnh đốn đảng, giáo dục rèn luyện cán bộ, đảng viên; tích cực đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là một thứ rất gian giảo, thứ giặc trong lòng dễ dàng đưa người ta xuống dốc, xa rời chuẩn mực đạo đức cách mạng. Tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất, liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức. Vấn đề đặt ra là các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị phải lượng hóa, xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của đơn vị mình để cán bộ, đảng viên, công chức có căn cứ phấn đấu rèn luyện, học tập làm theo tấm gương đạo đức của Người có hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo lập thiết chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ đồng bộ nhằm ngăn chặn tình trạng lạm quyền, dẫn tới tha hóa quyền lực. Đồng thời duy trì thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát gắn với xử lý kỷ luật nghiêm minh, công bằng, khách quan. Xây dựng cơ chế để nhân dân giám sát cán bộ, đảng viên, công chức. Sức mạnh của công luận, vai trò giám sát của nhân dân có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục, rèn luyện đối với người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Những góp ý, phê bình của quần chúng sẽ giúp cán bộ, đảng viên điều chỉnh hành vi của mình. Khi cán bộ có chức, có quyền không có kỹ năng lắng nghe nhân dân, kiêu ngạo, vi phạm quyền dân chủ, sớm muộn sẽ dẫn tới lệch chuẩn, thoái hóa biến chất.  


Tiến sĩ NGUYỄN THẾ TƯ