Năm 2013, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở Khánh Hòa tiếp tục phát triển vững chắc. Trao đổi về một số kết quả của công tác xây dựng phong trào trong năm qua, Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết:
Năm 2013, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) ở Khánh Hòa tiếp tục phát triển vững chắc. Trao đổi về một số kết quả của công tác xây dựng phong trào trong năm qua, Đại tá Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cho biết:
- Những năm qua, phong trào TDBVANTQ được Đảng, Nhà nước và Bộ Công an tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn. Ở Khánh Hòa, Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện phong trào từ tỉnh đến cơ sở đã được kiện toàn. Hiện nay, toàn tỉnh có 146 BCĐ các cấp với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể Hội Cựu chiến binh, Phụ nữ, Thanh niên, Nông dân… đã có nhiều đóng góp cho phong trào. Phong trào đã phát triển rất sâu rộng. Ở các huyện miền núi, phong trào cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ những già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc. Ở các khu dân cư, phong trào gắn với cuộc vận động “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nông thôn mới, đem lại hiệu quả thiết thực. Trong các trường học, phong trào sinh viên tự quản; phòng, chống tội phạm, ma túy học đường đang là điểm sáng tích cực.
Điều đạt được lớn nhất trong phong trào là ý thức, trách nhiệm của người dân với nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) được đề cao. Trong các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đã hình thành nhiều tổ chức tự quản về ANTT. Hơn nữa, phong trào đã nâng cao tinh thần cảnh giác phòng, chống tội phạm; xây dựng tính “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ” của nhân dân; tập hợp được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia; các đoàn thể, các hội quần chúng đều xây dựng được những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả, thu hút được nhiều hội viên. Qua tổng kết, sơ kết thực hiện các nghị quyết liên tịch giữa Công an với các tổ chức đoàn thể, đã nêu gương nhiều tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào. Nhân dân đã cung cấp cho công an hàng trăm nguồn tin có giá trị, góp phần tích cực cho công tác phòng, chống tội phạm.
- Ông có thể cho biết những định hướng trong năm 2014 để phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển vững chắc?
- Năm 2014, dự báo hoạt động của các loại tội phạm có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp hơn. Vì thế, cần phát huy hơn nữa sức mạnh của phong trào TDBVANTQ nhằm xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Cụ thể, cần giải quyết tốt các vấn đề sau:
Một là, kiện toàn “BCĐ thực hiện Ngày hội TDBVANTQ” từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn theo chỉ đạo của Bộ Công an, sáp nhập về một “BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ”.
Hai là, nâng cao trách nhiệm và hoạt động chỉ đạo, điều hành của các tổ chức đảng, chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên. Triển khai Chương trình 09 về phối hợp giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên với Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới”.
Ba là, chú trọng công tác phòng ngừa xã hội về ANTT, trọng tâm là đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch 747 của Giám đốc Công an tỉnh về “Phát động toàn dân chủ động phòng, chống các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp”. Bên cạnh đó, tuyên truyền vận động nhân dân làm tốt công tác phòng ngừa xã hội về ANTT, nâng cao ý thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ; tích cực phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội; đảm bảo trật tự an toàn giao thông; phòng cháy chữa cháy.
Bốn là, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt ở cơ sở như: Công an xã, bảo vệ dân phố, bảo vệ cơ quan doanh nghiệp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng. Đồng thời, củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT ở từng thôn xóm, tổ dân cư, các đơn vị. Tích cực xây dựng mô hình mới giữ gìn ANTT ở cơ sở, nhân rộng các mô hình đang phát huy tác dụng. Khen thưởng, động viên kịp thời những tập thể và cá nhân tiêu biểu, lập thành tích xuất sắc trong phong trào.
Năm là, các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện, thành phố, thị xã cần tổ chức đấu tranh có hiệu quả với tội phạm để hỗ trợ cho phong trào quần chúng. Thông qua công tác điều tra phát hiện phương thức, thủ đoạn của tội phạm phục vụ công tác phòng ngừa.
- Những biện pháp gì để thực hiện có hiệu quả các nội dung công tác phong trào, thưa ông?
- Để thực hiện tốt các nội dung công tác phong trào, theo tôi, cần chú trọng những biện pháp sau:
Các cấp ủy đảng, chính quyền cần thực sự quan tâm hơn nữa đến công tác phong trào, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 09 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới”. BCĐ thực hiện phong trào cần hoạt động có hiệu quả, tránh hình thức; phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể trong công tác vận động quần chúng nhân dân.
Cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng phong trào có tâm huyết, có kỹ năng vận động quần chúng, tham mưu cho lãnh đạo trong thực hiện các kế hoạch dân vận. Muốn vậy, phải có chế độ, chính sách thỏa đáng để động viên, thu hút cán bộ giỏi cho công tác này.
Đẩy mạnh phong trào học tập 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân; thực hiện 2 cuộc vận động của ngành: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ” và “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”.
- Xin cảm ơn ông!
Hoàng Lập - Minh Cường
(Thực hiện)