01:12, 11/12/2013

Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2013

Giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng; xây dựng phương án, kế hoạch nhân rộng mô hình nhà ở trong vùng lũ; không để người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán; siết chặt cấp giấy phép hoạt động của các phòng khám tư nhân... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được Chính phủ ban hành.

Giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng; xây dựng phương án, kế hoạch nhân rộng mô hình nhà ở trong vùng lũ; không để người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán; siết chặt cấp giấy phép hoạt động của các phòng khám tư nhân... là những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa được Chính phủ ban hành.


Giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng


Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô, phối hợp với chính sách tài khóa hợp lý để giúp doanh nghiệp tiếp tục vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tăng cường dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về ngoại tệ cho sản xuất, kinh doanh trong dịp cuối năm.


Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh lộ trình xử lý nợ xấu. Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng thương mại giải ngân kịp thời gói tín dụng 30.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và người dân vay để phát triển nhà ở xã hội và cải thiện nhà ở.


Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý thu ngân sách nhà nước. Thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu; xử lý nợ đọng thuế; xử lý nghiêm và công khai mọi hành vi trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt thuế. Phấn đấu đạt và vượt số đánh giá thu ngân sách nhà nước năm 2013 Chính phủ đã báo cáo Quốc hội.


Xây dựng phương án, kế hoạch nhân rộng mô hình nhà ở trong vùng lũ


Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến trình đàm phán các Hiệp định thương mại; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán; quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá trong các tháng cuối năm.


Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến trong dịp Tết.


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi; khoanh, giãn nợ, tạo điều kiện cho các hộ dân bị thiệt hại do bão, lũ tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.


Bộ Xây dựng nghiên cứu, xây dựng phương án, kế hoạch nhân rộng mô hình nhà ở trong vùng lũ để góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống tại những địa bàn tiềm ẩn nguy cơ hoặc thường xuyên xảy ra lũ, lụt. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức kinh tế xây dựng, bảo đảm phù hợp với thực tiễn, khắc phục thất thoát, lãng  phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.


Không để người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán


Cũng tại Nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, hỗ trợ kịp thời, không để xảy ra tình trạng người dân thiếu đói trong dịp Tết Nguyên đán, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, vùng bị thiên tai.


Bên cạnh đó, hướng dẫn cụ thể về thời điểm, thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ đối với các cơ quan nhà nước theo hướng: Tổng thời gian nghỉ là 9 ngày, từ 28 tháng Chạp Quý Tỵ đến hết Mùng 6 tháng Giêng Giáp Ngọ, gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán theo luật; 2 ngày nghỉ cuối tuần trước và sau Tết; làm bù 1 ngày Thứ Bảy trước Tết và 1 ngày thứ Bảy sau Tết.


Các cơ quan bố trí trực hợp lý để xử lý công việc trong đợt nghỉ Tết, nhất là các lĩnh vực thường xuyên đòi hỏi giải quyết thủ tục hành chính, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhân dân.


Siết chặt cấp giấy phép hoạt động của các phòng khám tư nhân


Bộ Y tế chủ trì, thực hiện mọi giải pháp nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên; siết chặt việc cấp giấy phép, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các phòng khám tư nhân; thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là trước và trong dịp Tết Nguyên đán.


Bộ Công an tăng cường công tác phòng, chống tội phạm, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nhất là trong dịp Tết; phòng, chống cháy nổ; triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.


Xây dựng phương án chi tiết về tuổi nghỉ hưu của nữ cán bộ quản lý


Nghị quyết nêu rõ, chuyển Học viện Hành chính từ Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh về Bộ Nội vụ theo Kết luận số 64-KL/TW ngày 28/5/2013 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; văn bản số 176-CV/TW ngày 23/10/2013 của Ban Bí thư và gọi tên là Học viện Hành chính quốc gia.


Về dự thảo Nghị định quy định chi tiết Khoản 2 và Khoản 3 Điều 187 Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, xây dựng phương án chi tiết về tuổi nghỉ hưu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi trình Bộ Chính trị theo hướng:


-  Người có chuyên môn, kỹ thuật cao trên cơ sở kế thừa các quy định của Nghị định 71/2000/NĐ-CP có mở rộng thêm đối với một số đối tượng cụ thể của ngành y tế.


- Nữ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý từ cấp Vụ trưởng và tương đương trở lên (quy định cụ thể từng đối tượng) ở cơ quan Trung ương; Giám đốc sở và tương đương trở lên (quy định cụ thể từng đối tượng) ở địa phương. Đối với các chức danh quản lý theo nhiệm kỳ, thực hiện kéo dài sau 55 tuổi, dưới 60 tuổi theo nhiệm kỳ.


Theo chinhphu.vn