11:12, 10/12/2013

Đầu tư phát triển, an sinh xã hội - Những vấn đề được quan tâm

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V sẽ nghiên cứu và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Để thông tin tới độc giả, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn các ông: Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính; Mai Hữu Thu - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh.

Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V sẽ nghiên cứu và quyết định nhiều vấn đề quan trọng. Để thông tin tới độc giả, Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn các ông: Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính; Mai Hữu Thu - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh.

 

* Ông Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nâng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo

 

 

 

 

- Xin ông cho biết, chế độ hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh lâu nay đã được thực hiện như thế nào?

 

- Nghị quyết số 5, ngày 7-4-2011 của HĐND tỉnh đã quy định cụ thể mức hỗ trợ như sau: Khu vực miền núi, hải đảo được hỗ trợ 100% mức đóng BHYT; khu vực thành thị, nông thôn đồng bằng được hỗ trợ 85% mức đóng BHYT.


Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 705, ngày 8-5-2013 về việc nâng mức hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo. Để quy định về chế độ hỗ trợ đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo phù hợp với các quy định hiện hành, UBND tỉnh có tờ trình đề nghị HĐND tỉnh xem xét thông qua nghị quyết điều chỉnh chế độ hỗ trợ tiền đóng BHYT cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo trên địa bàn tỉnh.


- Vậy, cụ thể của việc điều chỉnh đó có những nội dung gì mới, thưa ông?


- Nét mới của việc điều chỉnh lần này đó là sửa đổi Khoản 2, Điều 2 Nghị quyết số 5, ngày 7-4-2011 của HĐND tỉnh, nâng mức hỗ trợ đóng BHYT khu vực thành thị, nông thôn đồng bằng từ 85% lên 100% cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo mới thoát nghèo. Trường hợp người thuộc hộ cận nghèo đã thoát nghèo trước ngày 1-1-2013, nhưng thời gian thoát nghèo chưa đủ 5 năm thì thời gian còn lại vẫn được ngân sách hỗ trợ 100% mức đóng BHYT, trong thời hạn thấp nhất là 1 năm. Đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo ở khu vực thành thị và nông thôn đồng bằng hỗ trợ 85% mức đóng BHYT như quy định trước đây.


- Việc hỗ trợ này nhằm mục đích gì, thưa ông? Điều đó có ảnh hưởng gì đến nguồn chi ngân sách tỉnh?


- Mục tiêu của chính sách này là hỗ trợ những người thuộc hộ gia đình nghèo được thoát nghèo một cách bền vững; đồng thời giảm bớt khó khăn về khám, chữa bệnh cho người dân thuộc diện hộ nghèo mới thoát nghèo. Hiện nay, toàn tỉnh có 16.620 hộ cận nghèo mới thoát nghèo. Để thực hiện chính sách hỗ trợ trên, mỗi năm, ngân sách tỉnh sẽ phải chi thêm khoảng 6 tỷ đồng. Riêng năm 2013, đã chi 3,5 tỷ đồng cho các đối tượng này. Tuy điều kiện kinh tế tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn nhất định, nhưng, với quyết tâm đảm bảo công tác an sinh xã hội, không ngừng chăm lo cho người nghèo, từ đó nâng dần mức sống của họ để có cơ hội thoát nghèo bền vững nên tỉnh vẫn bố trí đủ ngân sách để thực hiện chính sách.


Nhân Tâm (Thực hiện)

 

---------------------------------------------------------------------

 

* Ông Võ Tấn Thái - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đề ra các giải pháp thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển sử dụng vốn Nhà nước


 

 

- Ông có thể cho biết dự kiến nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư phát triển năm 2014 của tỉnh?

 

- Năm 2014, việc bố trí vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước sẽ khó khăn hơn. Do thiếu hụt nguồn thu từ cấp quyền sử dụng đất và nguồn thu từ xổ số kiến thiết dự kiến giảm nên nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư phát triển năm 2014 của tỉnh dự kiến 1.988,82 tỷ đồng, giảm khoảng 10% so với năm 2013. Trong đó, nguồn vốn từ cân đối ngân sách địa phương 1.703,82 tỷ đồng, nguồn vốn từ nguồn thu xổ số kiến thiết khoảng 190 tỷ đồng, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ 95 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Trung ương hỗ trợ đầu tư, ODA sẽ được thực hiện khi có thông báo chính thức của Trung ương. Trong tổng số nguồn vốn dự kiến chi đầu tư phát triển trong năm tới, cấp tỉnh sẽ quản lý 1.407,82 tỷ đồng và cấp huyện quản lý 581 tỷ đồng.


- Nguyên tắc bố trí vốn và thứ tự ưu tiên đầu tư được xác định như thế nào thưa ông?


- Nguyên tắc bố trí vốn đầu tư sẽ ưu tiên vốn để trả nợ cho những công trình đã có khối lượng, được nghiệm thu đưa vào sử dụng thuộc các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, dạy nghề, khoa học công nghệ, môi trường, hạ tầng nông thôn và các công trình phúc lợi xã hội; tập trung bố trí vốn cho các dự án theo 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, trong đó sẽ tập trung vốn cho các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, còn ưu tiên cho phần vốn đối ứng cho các công trình mục tiêu quốc gia, ODA, các công trình sẽ hoàn thành trong năm 2014 và các dự án đầu tư đã có quyết định phê duyệt trước ngày 31-10-2013.


- Xin ông cho biết một số giải pháp để triển khai có hiệu quả kế hoạch đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước trong trong năm tới?


- Để thúc đẩy kế hoạch thực hiện vốn đầu tư phát triển từ ngân sách trong năm 2014, UBND tỉnh đã đề ra 9 nhóm giải pháp cần tập trung thực hiện. Cụ thể, sẽ tiếp tục tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư; khi lập dự án đầu tư phải yêu cầu đơn vị tư vấn tính đủ các hạng mục cần thiết và các chi phí để không phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, giúp việc bố trí vốn không bị biến động; chỉ đạo việc lập dự toán các phương án đền bù giải phóng mặt bằng trong các dự án phải tương đối chính xác, nếu vượt tổng mức đầu tư thì chủ đầu tư phải trình phê duyệt lại trước khi thực hiện để đảm bảo cân đối được nguồn vốn; thực hiện công tác giám sát đầu tư định kỳ ở các cấp để đánh giá hiệu quả đầu tư. Ngay từ đầu năm, tỉnh sẽ chủ động tạo thêm quỹ đất để tăng nguồn thu từ thu từ cấp quyền sử dụng đất nhằm tăng thêm nguồn lực cho các dự án đầu tư; lập kế hoạch vay ngoài Kho Bạc Nhà nước hoặc phát hành trái phiếu địa phương để bổ sung vốn đầu tư; tiến hành kiểm tra hàng tháng về tình hình thực hiện, tiến độ giải ngân các dự án nhằm xử lý kịp thời các vướng mắc, điều chuyển vốn kịp thời cho các công trình có khối lượng, đủ điều kiện giải ngân nhằm hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2014… Trong đó, những giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước là: Tập trung quản lý theo kế hoạch đã được phê duyệt; thực hiện theo tinh thần của Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ, không khởi công mới các công trình kém hiệu quả, chưa có nguồn vốn bố trí; tập trung tháo gỡ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; giám sát tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư và đơn vị thi công để họ thực hiện đúng tiến độ đã đề ra.

 

BÍCH LA (Thực hiện)

 

---------------------------------------------------------------------

 

* Ông Nguyễn Xuân Long - Giám đốc Sở Tài chính: Phát triển sản xuất công nghiệp để tạo nguồn thu


 

 

- Xin ông cho biết tình hình thu ngân sách Nhà nước của tỉnh trong năm 2013?

 

- Năm 2013 là một năm kinh tế cực kỳ khó khăn trong toàn quốc, Khánh Hòa cũng không nằm ngoài điều đó. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước thực hiện 11.335 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2012. Dự toán thu nội địa của tỉnh đến giờ mới đạt 97%, hụt thu khoảng 231 tỷ đồng. Đây có thể nói là một sự cố gắng rất lớn của các cấp ngành, các doanh nghiệp (DN) và nhân dân. Trong đó, những đơn vị dẫn đầu vẫn là các DN như: Tổng Công ty Khánh Việt, Công ty Yến sào Khánh Hòa… đã đóng góp tích cực vào việc thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, trong năm qua, việc thu thuế công thương nghiệp tư nhân rất khó khăn. Chủ trương của Trung ương đang miễn, giảm, giãn thu thuế đối với các DN nhà nước, DN tư nhân nên việc thu ngân sách càng khó khăn gấp bội. Còn về tổng thu chung trên địa bàn Khánh Hòa có những lĩnh vực thực sự khó như: Thu xuất nhập khẩu, thu các DN Trung ương đứng chân trên địa bàn, thu DN FDI, thu thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường....


- Mục tiêu thu ngân sách năm 2014 trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn khó khăn được đề ra như thế nào, thưa ông?


- Mục tiêu năm tới, Khánh Hòa cũng chỉ nỗ lực để đạt mục tiêu do Bộ Tài chính giao chứ không dám đặt chỉ tiêu thêm. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt khoảng 12.368 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 7.534 tỷ đồng (tăng 10% so với ước thực hiện năm 2013). Để đạt được kết quả đó, cái khó nhất của tỉnh đó là vấn đề tập trung cho sản xuất công nghiệp, bởi ngân sách thu nhiều hay ít phụ thuộc lớn vào công nghiệp, chứ không phải ở các lĩnh vực khác. Chủ trương năm 2014, tỉnh cố gắng đẩy mạnh sản xuất, tìm cách tháo gỡ các vướng mắc để cho công nghiệp phát triển; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư vào hoạt động trên địa bàn tỉnh. Quan điểm của tỉnh là thu ngân sách để tạo nguồn thu, để các nhà đầu tư có đủ điều kiện hoạt động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Cùng với đó, tỉnh vẫn giữ vững mức chi như mọi năm, nhưng vẫn đảm bảo công tác an sinh xã hội.


N.Tâm (Thực hiện)


---------------------------------------------------------------------

 

* Ông Mai Hữu Thu - Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh: Tập trung giám sát những vấn đề bức xúc, được cử tri quan tâm

 

Mai-huu-thu.jpg
 



- Xin ông cho biết kết quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh trong năm 2013?

 


- Năm 2013, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh đã tập trung vào những vấn đề bức xúc, được đông đảo cử tri quan tâm. Các nội dung giám sát đều lựa chọn trên cơ sở tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và điều kiện thực tế của địa phương. Đối với hoạt động giám sát tại kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh đã xem xét, thảo luận các nội dung báo cáo của UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, báo cáo kết quả việc giải quyết kiến nghị của cử tri và một số nội dung khác liên quan đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh trật tự, phòng, chống tham nhũng… Ngoài ra, HĐND tỉnh còn giám sát tại kỳ họp các chuyên đề: Công tác quản lý môi trường tại các khu dân cư, một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp; chất lượng, hiệu quả và phương thức quản lý các công trình nước sạch nông thôn; chính sách và hiệu quả đào tạo, sử dụng cán bộ nguồn người dân tộc thiểu số. Các ý kiến, kiến nghị của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh nghiêm túc giải trình, tiếp thu.



Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc tổ chức và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh” và “Việc thực hiện, giải quyết một số ý kiến, kiến nghị mang tính bức xúc của cử tri chưa được giải quyết thỏa đáng”. Trên cơ sở đó, sẽ phân tích những mặt được, hạn chế và kiến nghị một số vấn đề cụ thể để UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết trong thời gian tới.



- Năm 2014, chương trình giám sát của HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh sẽ tập trung những vấn đề gì, thưa ông?



- Trong năm 2014, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung vào các vấn đề được cử tri quan tâm. Sau khi xem xét, đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 và phương hướng phát triển năm 2014; trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri, Thường trực HĐND tỉnh sẽ thực hiện giám sát 2 chuyên đề. Tổ chức giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP. Nha Trang” nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến các dự án được đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách tại TP. Nha Trang như: Tiến độ triển khai thực hiện, sự tác động của các dự án đối với đời sống người dân, hiệu quả của các cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư… Trên cơ sở đó, có sự điều chỉnh chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế. Ngoài ra, HĐND tỉnh còn tiến hành giám sát theo chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh về phân cấp ngân sách, nhiệm vụ chi đầu tư các cấp và mối quan hệ tài khóa giữa các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh”. Việc giám sát chuyên đề này sẽ làm rõ những mặt được, hạn chế, khó khăn, đề ra các giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn việc phân bổ và điều hành ngân sách trong những giai đoạn tiếp theo…



Ngoài ra, các ban của HĐND tỉnh cũng sẽ chủ động giám sát một số nội dung mang tính bức xúc của cử tri.



BÍCH LA (Thực hiện)