Sáng 8-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp.
Sáng 8-12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Lệnh công bố Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp.
Cùng dự và chứng kiến lễ ký có các Ủy viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang; Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.
Hiến pháp sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6 và được Chủ tịch nước ký Lệnh công bố, là văn kiện chính trị pháp lý đặc biệt quan trọng, là luật cơ bản, luật gốc của Nhà nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế.
Hiến pháp đã thể chế hóa cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, khẳng định mạnh mẽ ý chí chủ quyền của nhân dân và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc; khẳng định nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước độc lập, có chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Hiến pháp khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Hiến pháp cũng đề cao quyền con người; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; quy định rõ ràng và đầy đủ về chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và môi trường; về bảo vệ Tổ quốc; về bộ máy Nhà nước, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước; về hiệu lực và sửa đổi Hiến pháp.
K.T (Theo TTXVN)