05:12, 21/12/2013

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần 16 - 20-12

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả; ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh sử dụng hệ thống thư, văn bản điện tử… là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16 – 20-12-2013.

Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết; tăng cường chống buôn lậu, hàng giả; ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ; khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh sử dụng hệ thống thư, văn bản điện tử… là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 16 – 20-12-2013.


Tăng cường chống buôn lậu, hàng giả


Ngày 19-12, Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 Trung ương, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.


Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Trưởng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại (Ban Chỉ đạo 127) Trung ương, Bộ trưởng các bộ, ngành liên quan và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là các địa bàn trọng điểm để ngăn chặn và phát hiện, xử lý kịp thời hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển, kinh doanh hàng cấm.


Trong đó chú ý các mặt hàng: Pháo nổ, xăng dầu, thuốc lá, rượu, bia, bánh kẹo, nước giải khát, thực phẩm, động vật quý hiếm; bố trí hợp lý các lực lượng bảo đảm kiểm tra, kiểm soát tốt hoạt động tại các khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, cánh gà cửa khẩu, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, khu vực chợ đầu mối, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường biển, không để lợi dụng buôn lậu và gian lận thương mại.


Đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết (cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành) đối với cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách.


Đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết


Trong tuần qua, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có công điện chỉ đạo triển khai các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Ngọ và các lễ hội xuân.


Công điện nêu rõ: Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác, tuần tra, kiểm tra theo các chuyên đề, nhóm đối tượng. Bố trí lực lượng ứng trực thường xuyên trên các tuyến giao thông trọng điểm, các khu vực giao thông phức tạp có nguy cơ ùn tắc cao, trọng tâm là các đô thị lớn và các tuyến Quốc lộ chính bao gồm: 1,3,5,14,18,51.


Đồng thời, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm như chạy quá tốc độ quy định, chở quá tải, quá số người quy định, vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, vi phạm quy định về thời gian lái xe, trả đón khách không đúng nơi quy định, sử dụng phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật.


Đối với Bộ Giao thông vận tải, Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường kiểm tra giám sát tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật của phương tiện vận chuyển hành khách, ngăn ngừa tình trạng tăng giá vé trái quy định và các tiêu cực trong bán vé tàu, xe, nhất là trong các ngày cao điểm Tết; chỉ đạo lực lượng thanh tra giao thông phối hợp chặt chẽ với cảnh sát giao thông trong việc kiểm tra tăng cường xử lý, kiểm tra lòng đường, lề đường hành lang an toàn giao thông.


Ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ


Theo Nghị định 208/2013/NĐ-CP, để ngăn chặn hành vi chống người thi hành công vụ, có thể áp dụng những biện pháp cụ thể như: Giải thích cho người có hành vi vi phạm biết rõ là họ đã vi phạm pháp luật và yêu cầu chấm dứt ngay hành vi vi phạm đó; Cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ.


Ngoài ra, có thể áp dụng biện pháp bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ; khám người, phương tiện vi phạm; tước bỏ, vô hiệu hóa hung khí, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.


Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ. Việc nổ súng trong khi thi hành nhiệm vụ được thực hiện theo quy định tại Điều 22 Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.


Nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn


Theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp sẽ được hưởng nhiều ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư…


Cụ thể, nhà đầu tư có dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư nếu được Nhà nước giao đất thì được miễn tiền sử dụng đất đối với dự án đầu tư đó; trường hợp dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư thì được giảm 70% tiền sử dụng đất; còn đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư thì được giảm 50% tiền sử dụng đất.


Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở chăn nuôi gia súc có quy mô nuôi tập trung được ngân sách nhà nước hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án, riêng đối với chăn nuôi bò sữa cao sản mức hỗ trợ là 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng, đồng cỏ và mua thiết bị.


Cũng theo Nghị định, nhà đầu tư có dự án đầu tư nuôi trồng hải sản tập trung trên biển hoặc ven hải đảo được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng cho 100 m3 lồng nuôi đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển xa cách bờ trên 6 hải lý hoặc ven hải đảo; hỗ trợ 40 triệu đồng cho 100 m3 lồng đối với nuôi trồng hải sản ở vùng biển gần bờ…


Đẩy mạnh sử dụng hệ thống thư, văn bản điện tử


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử, văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước.


Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 34/2008/CT-TTg ngày 3-12-2008 về việc tăng cường sử dụng hệ thống thư điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước và 1 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dựng văn bản điện tử trong hoạt động của cơ quan nhà nước, tình hình ứng dụng công nghệ thông tin trong cả nước đã đạt được nhiều kết quả đáng chú ý.


Khẩn trương hoàn thành một số dự án giao thông quan trọng


Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành cơ bản Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đoạn Hà Nội - Cần Thơ và Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên (Quốc lộ 14 cũ) vào cuối năm 2013.


Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh và các cấp cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm để tập trung chỉ đạo triển khai; cần thành lập ngay, hoặc củng cố, tăng cường Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng đã thành lập.


Đồng thời, các tỉnh cần phải chủ động vận dụng các chính sách, quy định của pháp luật để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; kịp thời xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường đối với các vướng mắc về đất đai.


Thực hiện bồi thường, hỗ trợ cho người dân theo đúng chế độ, chính sách của nhà nước, trên tinh thần hỗ trợ tối đa, đảm bảo chế độ chính sách, không để người dân thiệt thòi; đồng thời, đi liền với việc giải quyết cụ thể là làm tốt công tác tuyên tuyền, vận động và đối thoại thường xuyên để người dân chấp hành bàn giao mặt bằng.


Đồng thời, cần lập phương án chặt chẽ, cương quyết cưỡng chế theo đúng quy định của pháp luật đối với một số trường hợp chây ỳ, cố tình chống đối, sau khi đã đối thoại, vận động và vận dụng đầy đủ các chính sách….


Kiểm tra việc khai thác cát, sỏi lòng sông, tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan kiểm tra, giám sát việc tận thu cát nhiễm mặn để xuất khẩu ở các dự án nạo vét, khơi thông luồng tại cửa sông, bảo đảm tuân thủ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động khảo sát, thăm dò, khai tác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi lòng sông phù hợp với tình hình hiện nay, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng Chỉ thị thay thế Chỉ thị 29/2008/CT-TTg yêu cầu UBND cấp tỉnh phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung rà soát, kiểm tra, kiên quyết đình chỉ các hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát, sỏi trái phép và không đảm bảo các điều kiện theo quy định; thu hồi ngay các giấy phép đã cấp không đúng quy định...


Quy định mới về xử lý nợ phải thu tồn đọng của DNNN


Trong tuần, Chính phủ đã ban hành Nghị định về quản lý nợ của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, trong đó quy định việc xử lý các khoản nợ phải thu tồn đọng của doanh nghiệp.


Cụ thể, về xử lý các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, đối với các doanh nghiệp đang hoạt động, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi được xử lý theo thứ tự: Doanh nghiệp xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu tập thể, cá nhân bồi thường theo quy định của pháp luật; dùng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi để bù đắp; hạch toán vào chi phí hoặc thu nhập doanh nghiệp, tuỳ theo trường hợp cụ thể.


Trong trường hợp thực hiện bán nợ theo quy định của pháp luật, sau khi xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân và yêu cầu đương sự bồi thường theo quy định của pháp luật, chênh lệch giảm giữa giá trị khoản nợ với giá bán được bù đắp bằng nguồn dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi, nếu thiếu hạch toán vào chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.


Đối với doanh nghiệp đang thực hiện chuyển đổi, các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi, sau khi xử lý một lần mà doanh nghiệp bị lỗ thì tiếp tục xử lý theo các quy định của Nhà nước khi thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp.


Theo chinhphu.vn