07:09, 03/09/2013

Đổi thay từ Nghị quyết “Tam nông”

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là Nghị quyết “Tam nông”) đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác động toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết (NQ) Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi tắt là NQ “Tam nông”) đã thực sự đi vào cuộc sống, có tác động toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Nghị quyết đi vào cuộc sống

Vừa qua, tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện NQ “Tam nông” do Tỉnh ủy tổ chức, đồng chí Nguyễn Chiến Thắng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành cần quan tâm, huy động mọi nguồn lực để phát triển nông nghiệp, nông thôn; trong xây dựng nông thôn mới không nên quá máy móc mà phải dựa vào tình hình thực tế tại địa phương; tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; thu hẹp sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn; quan tâm đến vấn đề hạ tầng và đời sống của nông dân…

Trên cơ sở tiếp thu tinh thần NQ Trung ương  7 (khóa X), Tỉnh ủy đã tổ chức quán triệt NQ và ban hành chương trình hành động của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến các cấp ủy. Người dân cũng tiếp thu NQ và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới qua kênh thông tin đại chúng, tập huấn khuyến nông, công tác phổ biến pháp luật, khẩu hiệu, pa-nô tuyên truyền...


Để NQ thực sự đi vào cuộc sống, ngành Nông nghiệp đã tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn. Trên địa bàn tỉnh đã từng bước hình thành và ổn định vùng sản xuất lúa tập trung 2 vụ chính (vụ Đông Xuân và Hè Thu), mỗi vụ hơn 19.000ha. Kết hợp với đầu tư thâm canh, nhiều giống lúa mới cũng đã được đưa vào sản xuất. Nhờ vậy, năng suất lúa bình quân năm 2012 tăng hơn 10 tạ/ha so với năm 2008, sản lượng cây lương thực có hạt tăng 4%/năm. Cây công nghiệp hàng năm, chủ yếu là cây mía cũng đã hình thành vùng sản xuất tập trung ở thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm, TP. Cam Ranh... Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 18.000ha mía, năng suất bình quân đạt 50 tấn/ha (tăng 3 tấn/ha so với năm 2008). Ngoài các loại cây trồng truyền thống, những năm gần đây, nhiều giống cây trồng mới đã thích nghi và mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân ở các địa phương như: Mía tím, sầu riêng (huyện Khánh Sơn), tỏi Lý Sơn (thị xã Ninh Hòa), xoài Úc, xoài cát Hòa Lộc (huyện Cam Lâm)...

Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa vụ Hè Thu
Nông dân huyện Diên Khánh thu hoạch lúa vụ Hè Thu


Bên cạnh đó, lĩnh vực thủy sản phát triển đa dạng, từ đánh bắt, nuôi trồng đến chế biến, xuất khẩu. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt 100.000 tấn, sản lượng thủy sản xuất khẩu hơn 58.000 tấn, chiếm 30% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều đổi thay nhờ việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng theo tiêu chí nông thôn mới. Ngành Nông nghiệp đã xây dựng, đưa vào sử dụng nhiều công trình phục vụ sản xuất và nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các hình thức tổ chức sản xuất, mô hình sản xuất cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch UBND xã Ninh Phụng cho biết: “Từ năm 2008 đến nay, địa phương đã tập trung phát triển một số mô hình sản xuất phù hợp, mang lại hiệu quả cao như: Tổ liên kết trồng rau muống, trồng hoa cúc, mô hình nuôi bò thịt, tổ liên kết máy cày... Các tổ liên kết hình thành đã giúp nông dân tương trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và giảm rủi ro. Nhờ những mô hình sản xuất hiệu quả mà tỷ lệ hộ nghèo của địa phương giảm rõ rệt”.


Chính sách đúng đắn và kịp thời

Để việc thực hiện NQ có hiệu quả, Chính phủ, các ban, ngành Trung ương và địa phương đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực. Trong đó phải kể đến chính sách về tài chính như: Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, miễn giảm thủy lợi phí đã góp phần giảm dần các khoản đóng góp của nông dân, tạo điều kiện hạ giá thành sản phẩm đầu ra, nâng cao thu nhập cho nông dân. Nhiều chính sách tín dụng cũng đã được hình thành để thực hiện công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới như: Chính sách tín dụng thương mại đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tín dụng ưu đãi cho hộ cận nghèo, cho vay hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, trồng rừng, cho vay đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn... Chính sách hỗ trợ lãi suất để nông dân mua máy móc thiết bị đã tạo điều kiện thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã tạo sức hút, góp phần giúp các doanh nghiệp tăng cường sản xuất hàng hóa ở khu vực nông thôn...


Nhờ những chính sách đúng đắn và kịp thời nói trên, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đạt từ 2,5 đến 3%/năm; chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng tích cực; đời sống dân cư nông thôn được cải thiện với thu nhập bình quân đầu người khoảng 12 triệu đồng (năm 2012); tỷ lệ lao động được đào tạo nghề hơn 40%; tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm thường xuyên đạt hơn 75%...


5 năm qua, thực tiễn đã khẳng định NQ “Tam nông” hợp ý Đảng, lòng dân. Nhờ NQ này mà bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống nông dân được cải thiện. Thời gian tới, các cấp, ngành và địa phương tiếp tục có nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện NQ đạt hiệu quả hơn.


MAI HOÀNG