07:09, 03/09/2013

Đẩy mạnh công tác biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” của Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 15 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam” của Tỉnh ủy Khánh Hòa đánh giá: Công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử cách mạng của các địa phương, lịch sử truyền thống các ban, ngành, đoàn thể và cơ sở đã có bước phát triển rõ rệt.


Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử, sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 15, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch về “Tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam”; Chỉ thị và Thông báo kết luận về đẩy mạnh công tác sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn lịch sử cách mạng xã, phường, thị trấn.


Sau khi có Chỉ thị 15, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Khánh Hòa 1975 - 2005; đồng thời chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nghiên cứu, biên soạn và xuất bản các ấn phẩm lịch sử như: Khánh Hòa 350 năm - Những điều cần biết, Khánh Hòa 350 hình thành và phát triển, Kỷ yếu hội thảo khoa học 60 năm ngày Bác Hồ đến vịnh Cam Ranh, Kỷ yếu hội thảo khoa học 40 năm cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Khánh Hòa, Tài liệu tuyên truyền 45 năm phong trào đồng khởi giải phóng một phần nông thôn, đồng bằng tỉnh Khánh Hòa 7-11-1964 - 7-11-2009. Hiện nay, đang tiến hành biên soạn cuốn Khánh Hòa - Những mốc son lịch sử.

 

Ông Nguyễn Tấn Tuân trao bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các tập thể xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 15.
Ông Nguyễn Tấn Tuân trao bằng khen của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho các tập thể xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 15.


10 năm qua, các huyện, thị, thành ủy và đảng ủy trực thuộc đã xuất bản 21 đầu sách lịch sử; các sở, ban, ngành xuất bản được 15 ấn phẩm lịch sử. Toàn tỉnh có 21 xã, phường, thị trấn đã xuất bản lịch sử cách mạng địa phương; 2 xã chuẩn bị xuất bản; 37 xã, phường, thị trấn đang biên soạn. Đa số các ấn phẩm lịch sử đã xuất bản được biên tập theo đúng quy trình, tuân thủ tương đối chặt chẽ những nguyên tắc cơ bản của một tác phẩm khoa học lịch sử. Các sự kiện và tư liệu lịch sử đưa vào các ấn phẩm được phân tích, tọa đàm, xác minh, đối chiếu, thẩm định kỹ nên tương đối đảm bảo độ chính xác, tin cậy. Nội dung các ấn phẩm lịch sử đã tập trung làm rõ, lý giải một cách khoa học về bối cảnh lịch sử, về quá trình lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, về phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, đảm bảo tính khách quan, tính Đảng, tính khoa học và thống nhất; đồng thời cũng thể hiện rõ những nét đặc thù, độc đáo riêng của từng địa phương, tạo được sự thống nhất và ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ.

 


Ông Nguyễn Tấn Tuân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Cấp ủy các cấp phải thống nhất quyết tâm khẩn trương hoàn thành công tác biên soạn lịch sử cơ quan, đơn vị, địa phương. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác biên soạn, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi các ấn phẩm lịch sử đến mọi tầng lớp nhân dân.

Công an tỉnh là một trong những đơn vị xuất bản nhiều ấn phẩm: Công an Khánh Hòa - Lịch sử biên niên 1945-1954, Công an Khánh Hòa - Lịch sử biên niên 1954-1975, Công an Khánh Hòa - Lịch sử biên niên 1975-1996, Lịch sử Công an Khánh Hòa 1945-1954, Lịch sử Công an Khánh Hòa 1975-1996. Đơn vị cũng đã biên soạn xong Lịch sử Công an nhân dân Khánh Hòa 1996-2010. Hiện nay, Đảng ủy Công an tỉnh đang tập trung chỉ đạo thực hiện công trình Tổng kết lịch sử Công an nhân dân Khánh Hòa trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975). Theo đại diện Công an tỉnh, công tác nghiên cứu, biên soạn, tổng kết lịch sử đã khẳng định và làm sáng tỏ vai trò lãnh đạo, trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với lực lượng Công an nhân dân, của Tỉnh ủy đối với lực lượng Công an Khánh Hòa, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Việc nghiên cứu, biên soạn lịch sử Công an Khánh Hòa qua từng thời kỳ cũng góp phần bổ sung tư liệu lịch sử cho các công trình nghiên cứu lịch sử của toàn lực lượng, cũng như các công trình nghiên cứu lịch sử của Đảng bộ tỉnh.


Để xuất bản Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa (1930-1975), ngoài sử dụng nguồn tư liệu chuẩn bị từ trước và nguồn tư liệu sưu tầm, thu thập thêm, Ban sưu tầm tư liệu còn tổ chức 34 hội thảo để nghiên cứu, đánh giá tài liệu. Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thị ủy Ninh Hòa chia sẻ: “Cách làm này đưa lại kết quả ngoài mong đợi. Chính nhờ tấm lòng của nhân dân dành cho cuốn lịch sử của địa phương, nhiều thông tin quý báu được cung cấp, không ít sự kiện, nhân vật lịch sử bấy lâu bị vùi lấp đã được khơi dậy, góp phần làm cho cuốn sử sâu sắc và sinh động. Những tư liệu được nghiên cứu, đối chiếu, chắt lọc kỹ lưỡng trước khi sử dụng biên soạn.
 

Ngoài Lịch sử Đảng bộ huyện Ninh Hòa (1930-1975), thị xã Ninh Hòa còn xuất bản tập truyện và thơ Ninh Hòa những năm tháng không quên, đặc san Ninh Hòa tiếp bước truyền thống anh hùng, tài liệu Ninh Hòa với sự kiện lịch sử 16-7-1930; 7 ấn phẩm lịch sử cách mạng địa phương giai đoạn 1930-2010 của các địa phương: Ninh Thọ, Ninh Giang, Ninh Hiệp, Ninh Hà, Ninh Quang, Ninh Bình và Ninh Đông.


Là chủ biên cuốn Lịch sử cách mạng xã Ninh Bình 1930-2010, ông Phùng Văn Ái (37 tuổi Đảng) - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Ninh Bình chia sẻ niềm tự hào của một người địa phương viết lịch sử cách mạng địa phương. Hơn 1 năm sưu tầm, ông Ái đã gặp gỡ, làm việc với hơn 50 nhân chứng lịch sử còn sống ở trong tỉnh và một số tỉnh khác, được cung cấp nhiều thông tin, tư liệu, hình ảnh lịch sử. Ban biên soạn còn tham mưu cho Đảng ủy và Ban chỉ đạo xã tổ chức sinh hoạt, phổ biến cho nhân dân 9 thôn trong xã chủ trương viết lịch sử cách mạng xã để nhân dân giúp đỡ, cung cấp thêm tư liệu...


Cùng với công tác chỉ đạo nghiên cứu, biên soạn, xuất bản các ấn phẩm lịch sử, các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã chú trọng hơn đến công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt là vào các dịp lễ lớn, ngày diễn ra các sự kiện chính trị của quê hương, đất nước. Bên cạnh hình thức giáo dục truyền thống như nói chuyện chuyên đề, Ban Tuyên giáo và Trung tâm Bồi dưỡng chính trị các huyện, thị xã, thành phố đã nghiên cứu và đưa vào chương trình giáo dục lịch sử Đảng, lịch sử truyền thống ở địa phương vào giảng dạy tại các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, đảng viên. Ngành Giáo dục ở một số địa phương đã bố trí giới thiệu những nét chính lịch sử truyền thống địa phương và tổ chức cho học sinh tham quan nhà truyền thống, các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu biên soạn 2 tập sách lịch sử địa phương để đưa vào chương trình học tập ở 2 cấp THCS và THPT. Nhiều cuộc thi tìm hiểu về Đảng Cộng sản Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ, Lịch sử Đảng bộ tỉnh... đã thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Nhiều địa phương, đơn vị đã tổ chức tọa đàm, gặp mặt các nhân chứng lịch sử nhân các ngày lễ lớn trong năm, ôn lại quá khứ hào hùng của Đảng và dân tộc Việt Nam trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ.


Những giá trị khoa học và thực tiễn của các công trình lịch sử được nghiên cứu, biên soạn đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, giáo dục, phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.


N.D