11:08, 20/08/2013

Chất vấn về việc xây dựng văn bản pháp luật và giải quyết những vấn đề nóng về đất đai

Sáng 20-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn trực tiếp của các vị đại biểu Quốc hội.

. Còn tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn

Sáng 20-8, trong khuôn khổ phiên họp thứ 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trả lời chất vấn trực tiếp của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn. Tham dự hội nghị qua truyền hình trực tuyến ở điểm cầu Khánh Hòa có bà Lê Minh Hiền - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh và đại diện một số cơ quan liên quan.  


39 ĐBQH đăng ký chất vấn, trong đó 25 người nêu chất vấn và một số câu hỏi thêm đều tập trung vào trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc tham mưu xây dựng, triển khai thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Chính phủ; thẩm định văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm tra việc ban hành VBQPPL của các bộ, ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII đến ngày 31-7-2013. Một số đại biểu chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn; có hay không tình trạng “tham nhũng” trong ban hành VBQPPL; một số văn bản của các bộ còn mâu thuẫn...

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, tình trạng nợ đọng các văn bản thi hành luật, pháp lệnh tăng đột biến, với 107 văn bản nợ đọng. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự chỉ đạo của một số bộ, ngành chưa quyết liệt; việc kiện toàn củng cố Vụ Pháp chế của một số bộ, ngành chưa nghiêm; quy trình xem xét còn kéo dài.


Từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay, Bộ Tư pháp đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội xem xét, thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh nhiệm kỳ khóa XIII (144 dự án, trong đó Chính phủ được giao trình 133 dự án) và 3 Chương trình hàng năm hướng tới mục tiêu trong giai đoạn 2011 - 2016 cơ bản xây dựng xong hệ thống pháp luật của đất nước. Tính đến hết kỳ họp thứ 5, Bộ Tư pháp đã thẩm định 426 dự thảo VBQPPL của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Chất lượng thẩm định VBQPPL tuy đã được cải thiện nhưng tinh thần và nội dung thẩm định vẫn còn nặng về tính pháp lý; một số trường hợp còn thiếu tính bao quát, chưa chú trọng đúng mức đến tính khả thi...


 ●  Chất vấn về công tác quản lý đất đai


Chiều 20-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Nguyễn Minh Quang về công tác quản lý đất đai.


Tại buổi chất vấn, các ĐBQH đặt các câu hỏi liên quan đến các vấn đề TN-MT “nóng” như: Chậm cấp giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất; hiệu quả thi hành Luật Khoáng sản kém; vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản; công tác định giá đất còn nhiều bất cập; tốc độ phát triển công nghiệp, đô thị nhanh làm nông dân mất đất sản xuất; vấn đề người sinh năm 1993 có được chia đất để bảo đảm đời sống; việc xử lý tranh chấp đất đai chưa triệt để, khiếu kiện kéo dài; sử dụng lãng phí đất tại các nông, lâm trường kém hiệu quả trong khi người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất; ô nhiễm môi trường khu công nghiệp, làng nghề; thu tiền sử dụng đất…


Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang lần lượt trả lời từng nội dung chất vấn, giải trình những vấn đề mà Bộ TN-MT trực tiếp hoặc phối hợp giải quyết, các vấn đề vướng mắc, chồng chéo của văn bản cần rà soát và chỉnh sửa cho phù hợp. Bộ trưởng cho rằng nhiều vấn đề cần phải được chính quyền các tỉnh, thành triển khai quyết liệt mới có hiệu quả. Cụ thể như: Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy Quyền sử dụng đất; tăng cường công tác quy hoạch, kiểm tra xử lý vi phạm trong vấn đề môi trường; bám sát các văn bản của Trung ương để xử lý các vấn đề đất đai tại các nông, lâm trường; việc giải quyết ô nhiễm môi trường cần nâng cao trách nhiệm của các doanh nghiệp và cơ quan chức năng…


Theo Bộ TN-MT, tính đến cuối tháng 6-2013, cả nước mới cấp được hơn 36.000 giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất với tổng diện tích hơn 20,12 triệu héc-ta, đạt 83,2%; cả nước có hơn 8.000 tổ chức vi phạm sử dụng đất làm lãng phí hơn 128.000ha đất. Các cấp đã xử lý thu hồi hơn 38.700ha; đang xử lý hơn 1.500 tổ chức với diện tích hơn 22.000ha, thu nộp ngân sách gần 73 tỷ đồng…


N.V - P.L