Từ ngày 12 đến ngày 21-8-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 20 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Từ ngày 12 đến ngày 21-8-2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 20 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội.
Tham dự phiên họp có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và 7 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6, trong đó có 4 dự án luật trình Quốc hội thông qua, gồm: Luật Tiếp công dân; Luật Việc làm; Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng và 3 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Hộ tịch, Luật Hải quan, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục hoàn chỉnh các tờ trình, báo cáo và dự thảo các dự án luật để gửi đại biểu Quốc hội theo quy định. Đối với dự án Luật Hộ tịch, do còn một số vấn đề chưa đủ cơ sở và chưa thống nhất nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp thu các ý kiến phát biểu tại phiên họp để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật kỹ hơn trình Quốc hội tại kỳ họp đầu năm 2014.
Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Pháp lệnh Cảnh sát cơ động. Đề nghị cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua vào tháng 12-2013.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Triển khai thực hiện Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức triển khai thực hiện, chuẩn bị dự thảo Báo cáo của Đoàn giám sát và thấy rằng Báo cáo đã đánh giá sát thực trạng, tình hình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có những nhận định sâu sắc về thành tựu, hạn chế, bất cập của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời, đã có những kiến nghị, đề xuất phù hợp, xác đáng nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục phổ thông. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp, làm rõ những vấn đề cần giải trình, tiếp tục hoàn chỉnh và nâng cao chất lượng Báo cáo kết quả giám sát và dự thảo Nghị quyết trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành gửi đại biểu Quốc hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 vị Bộ trưởng:
- Đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp: phiên chất vấn đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời, các Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ tham gia giải trình làm rõ thêm nhóm vấn đề sau: trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc tham mưu xây dựng, theo dõi việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thuộc trách nhiệm của Chính phủ; việc thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; việc kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII đến 31-7-2013.
- Đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: phiên chất vấn đã có 16 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời, Tổng Thanh tra Chính phủ và lãnh đạo các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Công an, tham gia giải trình làm rõ thêm nhóm vấn đề sau: trách nhiệm quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên, khoáng sản (vàng, cát,…) gắn với bảo vệ môi trường; kết quả triển khai việc giao và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình trạng sử dụng đất lãng phí; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Phiên chất vấn đã được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, được phát thanh, truyền hình trực tiếp, kết nối truyền hình trực tuyến với 63 Đoàn đại biểu Quốc hội và được đông đảo đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các vị Bộ trưởng phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, sớm khắc phục những tồn tại hạn chế; giải quyết có hiệu quả các vấn đề nêu ra nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng, thực thi pháp luật; quản lý, sử dụng tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH10 về việc ban hành biểu mức thuế suất thuế tài nguyên.
Thuế suất tài nguyên được thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2010, là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật, bảo đảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện, đến nay một số quy định của Nghị quyết đã bộc lộ hạn chế, mức thuế suất chưa góp phần thúc đẩy sử dụng tiết kiệm và chế biến sâu tài nguyên. Do đó, việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 928/2010/UBTVQH12 để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế của mức thuế suất thuế tài nguyên hiện hành nói riêng, hoàn thiện chính sách thuế tài nguyên nói chung gắn liền với thực tiễn phát triển ngành khai khoáng và mục tiêu bảo vệ nguồn tài nguyên quốc gia. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tiếp thu, hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sau.
5. Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo 2 nghị định của Chính phủ gồm: Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế và Nghị định về hoạt động kinh doanh casino.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí việc ban hành Nghị định về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ, bảo đảm các quy định rõ ràng, chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thực hiện và hạn chế những tác động tiêu cực về mặt xã hội, không làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa Việt Nam. Đối với Nghị định về hoạt động kinh doanh casino, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, chỉnh lý hoàn thiện văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp sau.
6. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về việc đánh giá kết quả thực hiện cơ chế quản lý tài chính và biên chế của hệ thống Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2009 - 2013 và đề xuất Phương án cơ chế quản lý và biên chế của Kho bạc Nhà nước từ năm 2014.
Nguồn: Văn phòng Quốc hội