09:08, 31/08/2013

Tăng thuế tài nguyên gắn với nâng cao hiệu quả quản lý

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chưa đồng thuận với mức thuế tài nguyên mà Chính phủ đưa ra theo hướng tăng thuế suất, tại buổi họp cuối của phiên họp thứ 20 diễn ra sáng 21-8.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chưa đồng thuận với mức thuế tài nguyên mà Chính phủ đưa ra theo hướng tăng thuế suất, tại buổi họp cuối của phiên họp thứ 20 diễn ra sáng 21-8.


Việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên được Chính phủ thực hiện theo Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành năm 2011, về định hướng chiến lược khai thác khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn 2030.


Việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế tài nguyên sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động khai thác tài nguyên theo hướng tiết kiệm, hiệu quả; là công cụ quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước tăng cường công tác quản lý, giám sát quá trình hoạt động khai thác tài nguyên theo quy định của pháp luật.


Về phía cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhìn chung đồng tình với đề xuất của Chính phủ nhằm bảo vệ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất nước. Tuy nhiên đa số ý kiến phát biểu của UBTVQH chưa đồng tình với mức tăng mà Chính phủ đề xuất.


Kết lại phiên họp, UBTVQH đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra tiếp tục bàn thảo, nghiên cứu và thống nhất phương án hiệu quả nhất, trước khi trình lại vào phiên họp tới.


Phát động Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn


Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lễ phát động quốc gia Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn năm 2013 sẽ được tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.


Chiến dịch có chủ đề “Nơi sinh sống của chúng ta... Hành tinh của chúng ta... Trách nhiệm của chúng ta”, được phát động và hưởng ứng trên phạm vi toàn cầu từ ngày 20 - 22-9. Chủ đề này là nội dung tiếp theo của Chiến dịch năm 2011 và 2012, thiết thực hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5-6 với chủ đề “Hãy nghĩ về môi trường trước khi tiêu thụ thực phẩm” do Liên hợp quốc phát động.


Hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết tranh chấp môi trường


Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý báo cáo “Nghiên cứu về giải quyết tranh chấp môi trường ở Việt Nam và kiến nghị giải pháp hoàn thiện”.


Các ý kiến cho rằng, để khắc phục những hạn chế, bất cập trong tranh chấp môi trường hiện nay, cần nâng cao năng lực đánh giá tác động ô nhiễm và xác định thiệt hại do ô nhiễm gây ra; hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về tranh chấp môi trường. Đồng thời, tăng cường cơ chế ngăn ngừa và giám sát thực hiện pháp luật nhằm hạn chế việc phát sinh tranh chấp; hỗ trợ tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan chức năng về giải quyết tranh chấp môi trường.


Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc, khí tượng hải văn


Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, đang tiến hành lập dự án xây dựng, hoàn thiện hệ thống trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường, khí tượng thủy văn biển Việt Nam.


Theo đó, sẽ có 13 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển được đầu tư xây dựng mới, đồng thời nâng cấp, hoàn thiện 14 trạm khí tượng hải văn hiện có cùng một trạm thu tại Hà Nội. Theo kế hoạch, dự án chia làm 3 giai đoạn: Từ năm 2013 - 2016 đầu tư xây dựng mới 6 trạm quan trắc tổng hợp, nâng cấp 3 trạm khí tượng hải văn hiện có và 1 trạm thu tại Hà Nội. Từ năm 2016 - 2020 sẽ đầu tư xây dựng mới 1 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển và nâng cấp 7 trạm khí tượng hải văn hiện có. Từ năm 2020 - 2050 sẽ đầu tư xây mới 6 trạm quan trắc tổng hợp tài nguyên môi trường biển và nâng cấp 4 trạm khí tượng hải văn hiện có.


K.T (Tổng hợp)