10:08, 31/08/2013

Sống lại những ngày mùa thu lịch sử

Cùng với nhân dân cả nước, tháng 8-1945, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, ......

Cùng với nhân dân cả nước, tháng 8-1945, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã. Kỷ niệm 68 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, chúng ta hãy cùng ôn lại những tháng ngày mùa thu lịch sử ấy...


... Ngay từ tháng 3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định: “Nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh của Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”. Tiếp thu chủ trương ấy của Trung ương, các đồng chí lãnh đạo Việt Minh tỉnh đã tổ chức hội nghị và quyết định phát động tổng khởi nghĩa tại địa phương.


Tháng 8-1945, công việc chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền được triển khai khẩn trương, tràn đầy khí thế. Truyền đơn, cáo thị được phổ biến khắp nơi kêu gọi đồng bào đoàn kết đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền, lên án phát xít Nhật, vạch mặt chính quyền bù nhìn tay sai thân Nhật. Các đội tự vệ bí mật tuần tra quanh khu vực tập trung người Pháp và các doanh trại Nhật, bám sát các cơ quan đầu não quan trọng của chính quyền bù nhìn, theo dõi chặt những tên Việt gian đầu sỏ.


Trong các ngày từ 13 đến 16-8-1945, tại huyện Vạn Ninh và Ninh Hòa, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, quần chúng nhân dân đã mang theo trống, mõ, giáo, mác, gậy, đuốc... bao vây huyện đường, bắt giữ tri huyện, tịch thu ấn tín, tài liệu. Tin Việt Minh giành chính quyền thắng lợi ở Vạn Ninh và Ninh Hòa đã lan đi nhanh chóng làm cho nhân dân phấn khởi, tin tưởng, kẻ địch hoang mang. Trưa 19-8, nhân dân từng đoàn, từng đoàn công khai mang gậy gộc, dây thừng, cầm những lá cờ “quẻ ly” cuộn chặt giấu bên trong lá cờ đỏ sao vàng và băng khẩu hiệu Việt Minh, rầm rập kéo về sân vận động Nha Trang. Bên ngoài là đoàn người đi dự mít tinh của ngụy quyền, nhưng bên trong là các đội quân khởi nghĩa, có tự vệ vũ trang làm nòng cốt. Các đội tự vệ cách mạng và lực lượng yêu nước trong các đội lính khố xanh bám chặt bọn quan lại và những tên Việt gian đầu sỏ để sẵn sáng trấn áp ngay hành động chống đối của chúng. Đồng thời, ở các công sở, các cơ quan hành chánh và chính quyền của địch, ta cũng bố trí lực lượng canh gác chờ quân khởi nghĩa đến chiếm.


14 giờ ngày 19-8, một rừng người đã phủ kín sân vận động Nha Trang. Bọn quan lại tỉnh, huyện, thị xã, bọn hiến binh Nhật, bọn mật thám các loại, những tên cầm đầu các tổ chức phản động đều có mặt đông đủ. Tất cả bọn chúng đều bị lực lượng vũ trang bí mật kèm chặt.


15 giờ ngày 19-8, cuộc khởi nghĩa của nhân dân Nha Trang bắt đầu bằng việc đồng chí Trần Oanh có mặt sẵn ở chân cột cờ bất ngờ hạ cờ “quẻ ly” của ngụy quyền xuống, giẫm chân lên và nhanh chóng buộc lá cờ đỏ sao vàng vào dây, từ từ kéo lên đỉnh cột cờ giữa tiếng hoan hô, hò reo của nhân dân. Phút chốc, băng cờ, biểu ngữ của Việt Minh từ bốn phía được tung ra. Bọn địch ngơ ngác, nhốn nháo. Một viên sĩ quan Nhật đặt tay vào đốc kiếm định bước lên liền bị 2 tự vệ chặn lại, yêu cầu hắn đứng yên tại chỗ. Bỗng tiếng hô: “Nghiêm!” và lệnh chào cờ vang lên dõng dạc. Cả sân vận động trở lại im lặng trật tự, một sự im lặng trong giờ phút thiêng liêng của Tổ quốc. Đội ngũ binh sĩ yêu nước do Lê Thám và Phạm Thám phụ trách, nhất tề bồng súng cùng hàng ngàn đồng bào đứng nghiêm chào cờ đỏ sao vàng đĩnh đạc, hiên ngang trên đỉnh cột, lộng gió tung bay dưới trời thu Nha Trang xanh thẳm.


Sau giờ phút nghiêm trang ấy, đồng chí Đào Thiện Thi được 2 đội viên tự vệ trang bị súng ngắn bảo vệ, bước lên diễn đàn, thay mặt Ủy ban Việt Minh tỉnh Khánh Hòa tuyên bố xóa bỏ chính quyền bù nhìn tỉnh, và kêu gọi đồng bào ủng hộ Mặt trận Việt Minh, ủng hộ chính quyền cách mạng.


17 giờ, cuộc mít tinh biến thành cuộc tuần hành thị uy. Quần chúng chia thành nhiều đoàn tỏa ra đi chiếm kho bạc, nhà đèn, nhà máy nước, các công sở, cơ quan của chính quyền bù nhìn các cấp, doanh trại lính khố xanh, cảnh sát, mở nhà lao giải phóng tù. Đoàn tuần hành đông nhất kèm viên Tỉnh trưởng Phan Thanh Kỷ vừa bị bắt đi theo, tiến thẳng đến “Tòa sứ”, nơi đóng cơ quan đầu sỏ ngụy quyền, tịch thu ấn tín và các phương tiện làm việc. Tại đây, Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Khánh Hòa ra mắt đồng bào.


Ông Nguyễn Văn Chi - Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh nói vắn tắt 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh và kêu gọi đồng bào đoàn kết, đấu tranh giữ vững chính quyền cách mạng. Các đoàn biểu tình tiếp tục tuần hành trên các đường phố, với sự tham gia của quần chúng mỗi lúc một đông thêm, hô vang các khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm!” và hát các bài hát cách mạng cho đến tận khuya...


Trong khi đó, tại huyện Vĩnh Xương, phủ Diên Khánh, khu vực Ba Ngòi, Cam Ranh, dưới sự lãnh đạo của Việt Minh, nhân dân cũng nổi dậy giành chính quyền, chiếm huyện đường và tràn về các địa phương, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tổng, xã, lập nên chính quyền cách mạng. Ở Cam Ranh, quân Nhật rất đông nhưng im lặng vì trước đó ta đã cử đại diện đến thông báo, thương lượng nhằm tranh thủ thái độ không can thiệp của Nhật.


Như vậy, chỉ trong vòng hơn tuần lễ, nhân dân Khánh Hòa dưới sự tổ chức và lãnh đạo của Tỉnh ủy lâm thời và Mặt trận Việt Minh tỉnh, đã đứng lên tổng khởi nghĩa thắng lợi, xóa bỏ hoàn toàn chính quyền tay sai của giặc Nhật, thành lập chính quyền cách mạng từ tỉnh đến huyện, xã. Khí thế vui tươi, nhộn nhịp bao trùm các đường phố thị xã, thị trấn, vùng nông thôn, hải đảo xa xôi hẻo lánh. Trên mặt mọi người đều lộ rõ nét hân hoan, vui sướng vì cách mạng đã thành công, tỉnh nhà được hoàn toàn độc lập, tự do, chính quyền về tay nhân dân...


NGỌC KHÁNH (Tổng hợp)