06:08, 29/08/2013

Hiến pháp cần làm rõ quyền, trách nhiệm từng cấp chính quyền

Hiến pháp cần làm rõ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm cơ bản của từng cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng quy định chung chung và giống nhau như hiện nay.

Hiến pháp cần làm rõ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm cơ bản của từng cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng quy định chung chung và giống nhau như hiện nay.

 

Tọa đàm về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Tọa đàm về chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng


Ngày 28-8, tại TP. Hồ Chí Minh, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tổ chức tọa đàm về mô hình chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.


Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp 1992 nói chung và sửa đổi, bổ sung chế định chính quyền địa phương là một trong những nội dung quan trọng nhất và cũng là khó nhất trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây cũng là vấn đề đang được người dân quan tâm đặc biệt hiện nay.


Việc sửa đổi, bổ sung chế định chính quyền địa phương là yêu cầu tất yếu, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới của đất nước. Tuy nhiên, cần phải đảm bảo tính kế thừa những thành tựu trong xây dựng bộ máy chính quyền nước ta trong thời gian qua, đồng thời có sự tiếp thu những tinh hoa, ưu việt của các mô hình chính quyền địa phương của các nước, nhất là những nước có điều kiện và thể chế chính trị tương đồng với Việt Nam.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh mô hình tổ chức chính quyền địa phương phải đảm bảo tính khoa học, hiện đại, có sức mạnh, gắn kết với nhân dân, gần dân; thông qua bộ máy Nhà nước, người dân phải thể hiện được quyền làm chủ của mình.


Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, chính quyền địa phương là một thiết chế rất quan trọng, là một chế định có tính truyền thống trong lịch sử lập pháp và lập hiến. Qua thực tiễn hoạt động, chính quyền địa phương có đóng góp rất to lớn trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận xét trong giai đoạn hiện nay, tổ chức chính quyền địa phương theo Hiến pháp và các luật hiện hành đã có nhiều bất cập, hạn chế, cần sửa đổi cho phù hợp.


Các đại biểu đã trao đổi sâu về ý kiến này. Về đơn vị hành chính, hầu hết các đại biểu cho rằng, nên giữ cách phân định hành chính như hiện nay (Điều 118 của Hiến pháp), tuy nhiên, cần có một khoản mở, quy định về các đơn vị hành chính khác. Ví dụ như các đơn vị hành chính đặc biệt, đơn vị hành chính ở các hải đảo... tránh sự bó buộc khi yêu cầu phát triển đất nước cần có các loại hình đơn vị hành chính mới.


Về vấn đề tổ chức chính quyền địa phương, không nhất thiết ở đâu có đơn vị hành chính thì ở đó tổ chức chính quyền như nhau, cần căn cứ vào yêu cầu phát triển, điều kiện kinh tế - xã hội, truyền thống văn hóa lịch sử, quy mô dân số... để thành lập tổ chức chính quyền có đặc thù riêng.


Do đó, chính quyền ở đô thị nên tổ chức thành 2 cấp: Cấp thành phố trực thuộc Trung ương hoặc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh có HĐND, UBND và ở cấp cơ sở như phường, khu cũng có đủ HĐND, UBND. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng, ở các thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh nên tổ chức chính quyền 1 cấp đầy đủ ở cấp này, đối với cấp phường, xã bên dưới không nhất thiết phải có HĐND mà chỉ có UBND đại diện cho chính quyền của thành phố, thị xã đó.


Chính quyền nông thôn nên giữ như cách tổ chức hiện nay, đó là chính quyền 3 cấp đầy đủ (HĐND và UBND) gồm có tỉnh, huyện và xã, thị trấn.


Ngoài ra, còn có một số mô hình đơn vị hành chính đặc thù khác như mô hình chính quyền đô thị ở TP. Hồ Chí Minh (đang được lấy ý kiến), hoặc dự kiến mô hình đặc khu Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), hoặc mô hình chính quyền tại các hải đảo...


Liên quan đến vấn đề tổ chức Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, các đại biểu cho rằng, mô hình chính quyền địa phương phải gắn với hệ thống chính trị. Ở đâu có dân cư, ở đó phải có sự lãnh đạo của Đảng và các tổ chức chính trị-xã hội tương ứng ở từng cấp.


Về vị trí pháp lý và tính chất của chính quyền địa phương, đa số các đại biểu đều thống nhất đồng ý như trong Hiến pháp năm 1992, đó là HĐND vẫn phải là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, cơ quan đại diện cho ý trí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân địa phương. Bên cạnh đó, Hiến pháp cần làm rõ quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm cơ bản của từng cấp chính quyền địa phương, tránh tình trạng quy định chung chung và giống nhau hiện nay.


Theo chinhphu.vn