Bán nhà ở thương mại được giảm 50% thuế giá trị gia tăng; thu hồi nhiều sản phẩm thải bỏ từ 1-1-2015; hỗ trợ 10 địa phương khắc phục hậu quả bão, lốc; triển khai phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 12 - 16-8-2013.
Bán nhà ở thương mại được giảm 50% thuế giá trị gia tăng; thu hồi nhiều sản phẩm thải bỏ từ 1-1-2015; hỗ trợ 10 địa phương khắc phục hậu quả bão, lốc; triển khai phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 12 - 16-8-2013.
Bán nhà ở thương mại được giảm 50% thuế giá trị gia tăng
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2013 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 đối với bán, cho thuê hoặc cho thuê mua nhà ở thương mại là căn hộ hoàn thiện có diện tích sàn dưới 70m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Giá bán, giá cho thuê mua, giá cho thuê nhà ở thương mại được ghi rõ trong hợp đồng; đối với trường hợp bán hoặc cho thuê mua là giá bán, giá cho thuê mua đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% và đã bao gồm phí bảo trì công trình theo quy định. Trường hợp nhà ở thương mại bán theo phương thức trả góp, trả chậm thì giá bán là giá bán trả một lần đã bao gồm thuế giá trị gia tăng 10% và khoản phí bảo trì công trình theo quy định nhưng không bao gồm khoản lãi trả góp, trả chậm và các khoản lãi khác.
Việc giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với các hợp đồng bán, cho thuê mua nhà ở thương mại ký trước ngày 1-7-2013 và hợp đồng ký trong thời gian từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 được áp dụng đối với số tiền thanh toán trong giai đoạn từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014.
Việc giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với trường hợp cho thuê nhà ở thương mại được tính trên số tiền cho thuê trả từng kỳ theo quy định tại hợp đồng cho thuê từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 (kể cả trường hợp trả trước tiền thuê cho nhiều năm). Trường hợp doanh nghiệp cho thuê nhà từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014 mà chưa nhận được tiền cho thuê thì giảm 50% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng tính trên số tiền cho thuê từ ngày 1-7-2013 đến hết ngày 30-6-2014.
Tập trung GPMB quốc lộ 1A và đường HCM qua khu vực Tây Nguyên
Để dự án mở rộng quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua khu vực Tây Nguyên hoàn thành đúng tiến độ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 266/TB-VPCP ngày 24-7-2013 của Văn phòng Chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung chỉ đạo thực hiện công tác GPMB; trong đó lưu ý xây dựng phương án phối hợp, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông trong thời gian thi công dự án.
Đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo nguồn vật liệu (chủ yếu là đất, cát đắp nền đường và đá các loại) phục vụ thi công dự án.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương bàn giao mốc chỉ giới GPMB cho các địa phương.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã rất nỗ lực, thực hiện tốt công tác GPMB trên địa bàn tỉnh, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30-9-2013.
Hỗ trợ 10 địa phương khắc phục hậu quả bão, lốc
Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 2, số 3 tại 10 tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Giang, Điện Biên, thành phố Hải Phòng và lốc, sạt lở tại Cà Mau.
Cụ thể, trích 165 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2013 hỗ trợ các địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 2, bão số 3 và một số thiên tai khác (thực hiện cứu trợ đột xuất gia đình có người chết, người bị thương, nhà đổ, sập; khôi phục cơ sở hạ tầng thiết yếu: trường học, trạm y tế, công trình thủy lợi, giao thông).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tạm ứng 53 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương năm 2013 để thực hiện hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiên tai.
Thu hồi nhiều sản phẩm thải bỏ từ 1-1-2015
Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ, bắt đầu từ 1-1-2015 sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ là ắc quy và pin; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người; dầu nhớt, mỡ bôi trơn...
Cụ thể, sẽ thu hồi và xử lý ắc quy các loại, pin các loại thải bỏ từ 1-1-2015.
Cũng từ thời điểm này, sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp thải bỏ như bóng đèn compact; bóng đèn huỳnh quang; máy vi tính; máy in; máy fax; máy chụp ảnh; máy quay phim; máy điện thoại di động; máy tính bảng...
Từ 1-1-2015, thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ đã hết thời hạn sử dụng là hóa chất công nghiệp nguy hiểm; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong thú y; hóa chất, sản phẩm hóa chất bảo vệ thực vật; hóa chất, sản phẩm hóa chất sử dụng trong ngành thủy sản; thuốc sử dụng cho người.
Từ 1-1-2016, thu hồi và xử lý máy photocoppy, tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt thải bỏ...
Với phương tiện giao thông là xe mô tô, xe gắn máy các loại, xe ô tô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ 1-1-2018...
Nâng cao chất lượng GD toàn diện vùng trung du, miền núi Bắc Bộ
Theo Quyết định về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề các tỉnh vùng trung du, miền núi phía Bắc và các huyện phía Tây tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2013-2020, một trong các giải pháp chủ yếu phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng trung du, miền núi Bắc Bộ là hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường học, đầu tư chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học đáp ứng yêu cầu huy động học sinh trong độ tuổi, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội.
Bên cạnh đó, để phát triển giáo dục tại vùng này, cần xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
Đồng thời, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách ưu tiên, miễn, giảm học phí, học bổng, hỗ trợ chi phí học tập, chính sách đối với trẻ mầm non; tín dụng cho học sinh, sinh viên và các chính sách khác theo quy định hiện hành của Nhà nước.
Xây dựng chính sách hỗ trợ chi phí học tập cho sinh viên dân tộc thiểu số hộ nghèo, cận nghèo thi đỗ và học tại các cơ sở giáo dục đại học; xây dựng chính sách hỗ trợ cho học viên là người dân tộc thiểu số học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở, chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.
Triển khai phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong thời gian tới đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tiếp tục triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thành việc xác định và công bố Chỉ số cải cách hành chính năm 2012 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong Quý III/2013.
Đồng thời hướng dẫn các địa phương triển khai phương pháp đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước. Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức chuyên trách cải cách hành chính.
Xem xét áp dụng chính sách người có công đối với Trần Hữu Hiệp
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc áp dụng chính sách người có công đối với trường hợp anh Trần Hữu Hiệp theo các quy định của pháp luật về người có công.
Trước đó, các phương tiện truyền thông đã đưa tin về vụ chìm tàu H29-BP của Công ty Cổ phần bến tàu dịch vụ du lịch Maria trên sông Soài Rạp (đoạn chảy qua xã Long Hòa), huyện Cần Giờ, TP. Hồ Chí Minh, vào ngày 2-8 vừa qua làm 9 người chết.
Trong vụ chìm tàu đó, anh Trần Hữu Hiệp (sinh năm 1988) là công nhân Công ty Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam (trụ sở tại huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) đã dũng cảm cứu 5 người, đặc biệt là hành động cởi áo phao đang mặc trên người để cứu sống một phụ nữ vào thời điểm đó đang mang thai. Hành động hy sinh thân mình vì người khác của anh được xã hội tôn vinh.
Đào tạo nghề gắn với yêu cầu phát triển của địa phương
Trong thời gian tới, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai quyết liệt việc đào tạo nghề gắn với yêu cầu phát triển sản xuất của địa phương, chú trọng yếu tố thực hành, hướng đến có việc làm và tiêu thụ sản phẩm.
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Thông báo 300/TB-VPCP về sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956).
Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành trong tháng 8-2013 văn bản hướng dẫn việc sắp xếp, sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm dạy nghề cấp huyện thành một trung tâm thực hiện đồng thời nhiệm vụ giáo dục thường xuyên, dạy nghề, tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm có bổ sung thêm nhiệm vụ giới thiệu các mô hình tốt của địa phương
Bên cạnh đó xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện Đề án 1956 tại các địa phương chưa hoàn thiện về tổ chức, nhân sự, cơ sở đào tạo nghề cho nông thôn. Thời gian kiểm tra từ tháng 10-2013.
Phó Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động có phương án cho vay vốn linh hoạt, đáp ứng nhu cầu vay của các đối tượng người nghèo.
Báo cáo Thủ tướng vụ "nhân bản" xét nghiệm
Trong 2 ngày 7 - 8-8-2013, chương trình Thời sự của Đài Truyền hình Việt Nam và báo Tuổi trẻ đưa tin về việc "nhân bản" xét nghiệm ở Bệnh viện đa khoa Hoài Đức, Hà Nội, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế, UBND thành phố Hà Nội và Công an Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vụ việc nêu trên trước ngày 20-8-2013.
Đẩy nhanh các công trình trọng điểm ngành GTVT
Hiện đang có 30 công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông với tổng kinh phí khoảng 658.000 tỷ đồng, trong đó 19 dự án đường bộ với chiều dài 4.400km, 6 dự án đường sắt chiều dài 199,93km, hàng không 2 dự án và hàng hải 3 dự án.
Đến nay có 7 dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng, gồm cao tốc TPHCM-Trung Lương, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Láng-Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, tuyến phía Nam Vành đai 3, đường vành đai 3 Hà Nội, Cảng Hàng không Phú Quốc, Cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải. Trong khi đó, các dự án khác đang triển khai thi công và trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện.
Công tác GPMB tiếp tục khó khăn ở nhiều dự án như đường Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Hà Nội-Hải Phòng, cầu Nhật Tân và đường nối, Quốc lộ 3 mới, đường sắt Cát Linh-Hà Đông…
Do đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải yêu cầu trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong triển khai công tác GPMB; triển khai các dự án bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Theo chinhphu.vn