Buổi chiều của ngày làm việc thứ nhất (10-7), các đại biểu HĐND tỉnh chia làm 4 tổ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa 6 tháng đầu năm và đóng góp nhiều ý kiến cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thời gian tới.
Buổi chiều của ngày làm việc thứ nhất (10-7), các đại biểu HĐND tỉnh chia làm 4 tổ tập trung thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh Khánh Hòa 6 tháng đầu năm và đóng góp nhiều ý kiến cho hoạt động chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh trong thời gian tới.
Cố gắng cân đối thu chi
Thảo luận tại tổ đại biểu số 1, đại biểu Nguyễn Chiến Thắng chia sẻ áp lực công tác chỉ đạo, điều hành trong bối cảnh kinh tế khó khăn. “Trong khi ngân sách cả nước hụt thu, Khánh Hòa thu ngân sách và một số chỉ tiêu vẫn đạt khá. Tuy vậy, để cân đối được thu chi không dễ, nhất là nguồn kinh phí cho những khoản chi thường xuyên. UBND tỉnh đã cố gắng tìm nguồn vốn từ Trung ương, huy động của các doanh nghiệp (DN) để có thể cân đối. Tuy khó khăn nhưng tỉnh vẫn dành sự quan tâm cho giáo dục, sẵn sàng di dời các DN trong thành phố để xây trường học đáp ứng nhu cầu của các em học sinh”.
Lo ngại về tình hình tai nạn giao thông gia tăng, nhất là các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh, đại biểu Nguyễn Lê Đình Trị đề nghị tỉnh tiếp tục có giải pháp mạnh hơn cả về đầu tư cải tạo các tuyến đường thường xảy ra tai nạn và tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN; chỉ đạo ngành Y tế quyết liệt hơn trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Cũng liên quan đến ngành Y tế, đại biểu Lê Thị Hoàng Yến phản ánh cử tri Nha Trang than phiền về tình trạng thiếu trang thiết bị, máy móc phục vụ khám, chữa bệnh ở các phòng khám đa khoa khu vực và đề nghị UBND tỉnh dành kinh phí, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng khám.
Các đại biểu tổ 2 trong giờ thảo luận. |
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Tại tổ thảo luận số 2, các đại biểu tập trung ý kiến về các vấn đề tháo gỡ khó khăn cho DN. Mở đầu buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Quang Nam cho rằng đánh giá về tình hình hoạt của các DN còn chung chung. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN từ Trung ương đến địa phương vẫn còn mờ nhạt, đánh đố DN và khó thực hiện. Tỉnh nên có những chính sách cụ thể để hỗ trợ DN về thuê mặt bằng, vốn vay, giá hàng hóa... Thực tế ở Khánh Hòa chủ yếu là các DN vừa và nhỏ, nhưng việc tiếp cận vốn vay của ngân hàng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Trước tình hình đó, tỉnh cần đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ cho DN, tránh những giải pháp chung chung. Đại biểu Mai Xuân Trí cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều hoạt động tích cực để tháo gỡ khó khăn cho DN, còn các chính sách của Trung ương đưa ra vẫn thiếu khả thi. Trong muôn vàn khó khăn của các DN hiện nay, vấn đề nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp ngày càng tăng cao. Vậy nên chăng, phía Bảo hiểm xã hội cần đưa ra những chính sách để hỗ trợ cho DN trong vấn đề này. Đại biểu Lê Thanh Quang nhận định, từ đầu năm đến nay, tình hình kinh tế của tỉnh có sự giảm sút rõ rệt, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp (CN). CN Khánh Hòa chủ yếu là CN chế biến và CN đóng tàu, nhưng cả hai hoạt động này đều gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất, thiếu đơn hàng. Trong thẩm quyền của mình, tỉnh đã thực hiện tối đa các biện pháp để hỗ trợ cho các DN. Trong bối cảnh khó khăn này, ngành Bảo hiểm xã hội nên có chính sách giãn nợ cho các DN. Đại biểu Lê Đức Vinh cho rằng, tình hình của các DN hiện nay vô cùng khó khăn. Trong khi đó, các chính sách của Trung ương tuy có ban hành nhưng không đáp ứng được thực tế, các DN không tiếp cận được nguồn vốn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến về vấn đề nước sạch sinh hoạt ở vùng nông thôn, miền núi; việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (XDNTM)...
Cần nâng cao hiệu quả quản lý sau đầu tư
Thảo luận tại tổ 3, nhiều đại biểu kiến nghị, thời gian tới UBND tỉnh cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý sau đầu tư đối với các công trình đầu tư xây dựng cơ bản. Đại biểu Lương Dự cho rằng: Hiện nay, việc quản lý sau đầu tư chưa mang lại hiệu quả cao, nhiều công trình đưa vào hoạt động chưa lâu đã xuống cấp, hiệu quả đầu tư của các công trình này rất thấp nên gây bức xúc trong cử tri. Đại biểu Phan Thị Minh Lý kiến nghị UBND tỉnh cần quan tâm quản lý các công trình cơ sở hạ tầng đầu tư cho ngành Giáo dục, chẳng hạn như tại TP. Cam Ranh, một số công trình trường học, nhà vệ sinh trường học xuống cấp ảnh hưởng đến việc dạy và học tại các trường. Còn đại biểu Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, trong công tác đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, cần có sự điều chỉnh về việc phân bổ nguồn vốn đầu tư để các địa phương chủ động trong việc triển khai thực hiện, tránh thời gian quá gấp rút...
Đối với chương trình XDNTM, đại biểu Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: Việc triển khai chương trình XDNTM tại một số địa phương hiện còn lúng túng, việc huy động các nguồn lực để XDNTM gặp nhiều khó khăn nên đề nghị UBND tỉnh cần rà soát lại việc triển khai thực hiện, cần có cơ chế, chính sách huy động nguồn vốn để việc thực hiện chương trình có hiệu quả hơn. Theo đại biểu Lương Dự, công tác xây dựng nông thôn cấp cơ sở tại nhiều địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước nên chưa huy động được sự đóng góp của nhân dân, về lâu dài cần có giải pháp để huy động được nguồn lực này.
Ngoài ra, các đại biểu còn tập trung thảo luận các vấn đề về công tác y tế; xuất khẩu lao động, quản lý DN, cấp phép đầu tư, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho DN, việc thực hiện chính sách đối với người lao động của các DN, tốc độ tăng trưởng một số ngành, việc điều chỉnh các chỉ tiêu xã hội cần phù hợp với việc điều chỉnh các chỉ tiêu về kinh tế...
Cần nghiên cứu sản phẩm du lịch đặc thù
Đây là ý kiến được đại biểu Nguyễn Trọng Hòa nêu tại buổi thảo luận của tổ 4 về các vấn đề KT-XH của tỉnh. Theo ông Hòa, ngành Du lịch tỉnh ngày càng phát triển mạnh, song chưa có sản phẩm du lịch đặc thù và chủ yếu tập trung ở TP. Nha Trang. Vì vậy các cấp, ngành cần nghiên cứu đầu tư sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh để thu hút du khách.
Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm là tình trạng lao động thất nghiệp ngày càng gia tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển KT-XH. Bàn về giải pháp khắc phục tình trạng này, đại biểu Hồ Văn Mừng kiến nghị tỉnh quan tâm chỉ đạo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá hiệu quả việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về dạy nghề và giải quyết việc làm. Bên cạnh đó, tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho người thất nghiệp làm việc ở các khu CN trong và ngoài tỉnh.
Các đại biểu HĐND tỉnh cũng thảo luận xoay quanh những khó khăn trong công tác XDNTM, đặc biệt là về vốn. Đa số ý kiến cho rằng, XDNTM cần xem xét ưu tiên các tiêu chí quan trọng, không nên đầu tư dàn trải. Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương cần nghiên cứu để có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các hệ thống nước sạch nông thôn, khu vui chơi trẻ em, bưu điện văn hóa xã; đẩy nhanh tiến độ thi công một số dự án, hỗ trợ giống mía cho bà con tại thị xã Ninh Hòa... Đại biểu Trần Sơn Hải đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được về KT-XH, tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Thuế thu nhập DN giảm so với cùng kỳ, vướng mắc trong việc thực hiện một số chế độ an sinh xã hội, DN nợ thuế còn cao... Đại biểu đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo công tác thu hồi nợ thuế, phân bổ các nguồn vốn hợp lý, tập trung thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, không chạy theo thành tích...
K.N - N.T - B.L - K.D