11:07, 10/07/2013

Nâng cao chất lượng công tác biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng tại miền Trung - Tây Nguyên

Sáng 10-7, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Sáng 10-7, tại Đà Nẵng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật phối hợp tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

 

Đồng chí Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)
Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)

 

Ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng; đại diện Ban Tuyên giáo, phòng nghiên cứu Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo các tỉnh, thành miền Trung - Tây Nguyên.


Theo báo cáo tại Hội nghị, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cũng như các địa phương, công tác nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2009 đến 2011, cả nước đã nghiên cứu, biên soạn được khoảng 1.200 công trình lịch sử. Trong đó, cấp tỉnh, thành phố là 300 công trình; cấp quận, huyện, thị xã khoảng 150 công trình; cấp xã, phường, thị trấn là 700 công trình. Tất cả các tỉnh, thành phố đều đã biên soạn, xuất bản công trình lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1930 - 1975; 30 tỉnh, thành đã xuất bản được lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975 - 2000; 10 tỉnh, thành phố đã nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1975 - 2010. Bên cạnh lịch sử Đảng bộ, các công trình nghiên cứu lịch sử truyền thống các đơn vị, ban, ngành, đoàn thể cũng đã được quan tâm chú ý.


Riêng khu vực miền Trung - Tây Nguyên, công tác biên soạn lịch sử Đảng bộ đã đạt một số kết quả tích cực như: Nghệ An có 20/20 huyện, thành phố, thị xã đã xuất bản lịch sử Đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng, 50 xã đang biên soạn. Quảng Bình có 7/7 huyện, thành phố; 35/159 xã, phường, thị trấn đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ. Quảng Nam có 17/18 huyện, thành phố đã biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ, đặc biệt có 2 xã vùng cao đã biên soạn, xuất bản được lịch sử Đảng bộ xã là thị trấn Trà My (huyện Bắc Trà My) và xã Trà Mai (huyện Nam Trà My)...


Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Thế Kỷ - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, thực hiện Chỉ thị 15-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường và nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, công tác nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ban, ngành, đoàn thể đã đạt nhiều thành tựu quan trọng. Nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng được nâng cao. Tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng được củng cố, kiện toàn có bước phát triển về số lượng, chất lượng. Cơ sở vật chất, phương tiện làm việc, đầu tư kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng ngày càng được chú trọng với chất lượng ngày càng cao, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng.


Ông Nguyễn Thế Kỷ, nhấn mạnh, Hội nghị nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên có ý nghĩa rất quan trọng. Để Hội nghị đạt kết quả như mong muốn, các đại biểu cần tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề: Đánh giá đúng thực trạng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian qua, đặc biệt là từ khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị 15-CT/TW cho tới nay; qua phân tích, đánh giá những thành tựu, ưu điểm và nhược điểm, hạn chế, làm rõ nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra phương hướng, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành trong thời gian tới; đánh giá công tác phối hợp giữa các Đảng bộ địa phương, ngành với cơ quan nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành; đề xuất, kiến nghị với các cơ quan hữu quan nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong công tác nghiên cứu, biên soạn, biên tập, xuất bản sách lịch sử Đảng bộ các địa phương, ngành.

 

Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)
Đông đảo đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Đình Tăng)


Trên tinh thần chỉ đạo đó, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tập trung phân tích làm rõ những kết quả đạt được, đặc biệt là những tồn tại, hạn chế về công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Qua đó đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Ban Tuyên giáo Trung ương, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh về các vấn đề có liên quan để góp phần nâng cao chất lượng công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành.


Theo ông Nguyễn Viết Thảo, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, bên cạnh công tác nâng cao chất lượng biên tập, biên soạn, việc thẩm định nội dung, chất lượng các công trình lịch sử Đảng là hết sức quan trọng; phải bảo đảm chất lượng, sự chính xác trước khi xuất bản và đưa ra thị trường. Ông Nguyễn Viết Thảo cũng cho rằng, thời gian tới nên quan tâm, tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy đối với công tác biên soạn, biên tập, xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương, ngành, đặc biệt là phải bảo đảm quy trình biên tập, biên soạn, xuất bản; tăng cường quan tâm xây dựng và củng cố, nâng cao chất lượng cả về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng của Ban Tuyên giáo các địa phương, đơn vị. Khi đã có đội ngũ, các địa phương nên tiêu chuẩn hóa các chức danh; đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác nghiên cứu, sưu tầm, gặp gỡ nhân chứng… để phục dựng lại lịch sử, góp phần bảo đảm tính chính xác của tư liệu lịch sử, phục vụ có hiệu quả cho công tác biên soạn, biên tập và xuất bản lịch sử Đảng. Cần tăng cường công tác chủ động trong phối hợp, tổ chức chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan trong biên soạn, biên tập, xuất bản các công trình lịch sử Đảng nói chung và lịch sử Đảng bộ các địa phương, đơn vị; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu các công trình lịch sử Đảng sau khi xuất bản.


Theo Báo điện tử ĐCSVN