Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, lần đầu tiên, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - cho biết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh do HĐND tỉnh bầu sẽ được thông qua tại kỳ họp và công bố tại phiên bế mạc.
Tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, lần đầu tiên, HĐND tỉnh sẽ lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do HĐND tỉnh bầu. Ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - cho biết: Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm 16 chức danh do HĐND tỉnh bầu sẽ được thông qua tại kỳ họp và công bố tại phiên bế mạc.
- Xin ông cho biết mục đích, nguyên tắc của việc lấy phiếu tín nhiệm?
- Thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn và Nghị quyết 561 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị quyết 35, tại kỳ họp này, HĐND tỉnh sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 16 chức danh do HĐND tỉnh bầu.
Việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động giám sát của HĐND tỉnh; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ, quyền hạn đã được HĐND tỉnh giao. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá khi quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Theo Nghị quyết 35, việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm quyền của đại biểu HĐND trong việc lấy phiếu tín nhiệm; tôn trọng quyền báo cáo, giải trình của người được lấy phiếu tín nhiệm; công khai, công bằng, dân chủ, khách quan; đánh giá đúng thực chất kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm phải bảo đảm sự ổn định và hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước, sự lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ.
- Các đại biểu HĐND tỉnh đánh giá tín nhiệm từng chức danh sẽ dựa trên cơ sở nào? Việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành ra sao, thưa ông?
Ông Trần An Khánh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Khánh Hòa |
- Khi lấy phiếu tín nhiệm, qua các nguồn thông tin tiếp cận được, các đại biểu HĐND tỉnh sẽ đánh giá dựa trên căn cứ mức độ hoàn thành nhiệm vụ và phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người được lấy phiếu tín nhiệm.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện theo đúng quy trình. Trước 30 ngày khai mạc kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh có văn bản đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm báo cáo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN có văn bản đề nghị người được lấy phiếu tín nhiệm giải trình những vấn đề cử tri quan tâm liên quan đến trách nhiệm của mình. Sau đó, người được lấy phiếu tín nhiệm có báo cáo về 2 nội dung chính: Mức độ hoàn thành nhiệm vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống. Báo cáo này được chuyển đến đại biểu HĐND, là một trong những căn cứ để đại biểu kết hợp với các nguồn thông tin khác làm cơ sở đánh giá từng người được lấy phiếu tín nhiệm.
Trước 15 ngày khai mạc kỳ họp, đại biểu có quyền đề nghị Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền làm rõ những vấn đề đại biểu quan tâm. Trước 3 ngày, đại biểu có quyền yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm làm rõ những nội dung thuộc căn cứ đánh giá tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm có trách nhiệm giải trình. Tại kỳ họp này, trước khi tiến hành lấy phiếu tín nhiệm sẽ dành thời gian cho các đại biểu thảo luận ở tổ về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm. HĐND tỉnh sẽ thông qua Nghị quyết về xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu, theo 3 mức độ: Tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp.
- Ông là người thuộc diện vừa được lấy phiếu tín nhiệm vừa được đánh giá tín nhiệm người khác. Tâm trạng của ông khi chuẩn bị nhận sự đánh giá? Và suy nghĩ của ông về trách nhiệm của mỗi đại biểu HĐND tỉnh đối với lá phiếu của mình để kết quả lấy phiếu tín nhiệm thật sự khách quan, trung thực?
- Tôi nghĩ việc lấy phiếu tín nhiệm là một dịp được nhìn lại mình. Định kỳ mỗi năm được người khác đánh giá để thấy mức độ tín nhiệm, từ đó, có những điều chỉnh cần thiết, kịp thời, phù hợp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác. Để kết quả của việc lấy phiếu tín nhiệm khách quan, trung thực, đại biểu cần có đủ nguồn thông tin đánh giá; phải ý thức được trách nhiệm của mình và có thái độ thận trọng, khách quan, vô tư, công tâm, công bằng khi đánh giá tín nhiệm, không vì bất cứ lý do gì có thể làm sai lệch kết quả tín nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!
KHÁNH NINH (Thực hiện)