Tăng mức cho vay đối với HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV; 3 trường hợp được xóa nợ tiền thuế; người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế; tăng cường hỗ trợ cho xã để xây dựng nông thôn mới... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 22 - 26-7-2013.
Tăng mức cho vay đối với HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV; 3 trường hợp được xóa nợ tiền thuế; người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế; tăng cường hỗ trợ cho xã để xây dựng nông thôn mới... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 22 - 26-7-2013.
Ảnh minh họa |
Tăng mức cho vay HSSV lên 1,1 triệu đồng/tháng
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1196/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại khoản 1, Điều 5, Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV. Theo đó, mức cho vay tối đa là 1,1 triệu đồng/tháng/HSSV.
So với quy định cũ, mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 100.000 đồng/tháng/HSSV.
Quyết định 1196/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-8-2013, áp dụng đối với các khoản vay mới kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành.
3 trường hợp được xóa nợ tiền thuế
Theo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quản lý thuế và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, có 3 trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Cụ thể, doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì sẽ được xóa nợ.
Ngoài ra, cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cũng sẽ được xóa nợ.
Đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không thuộc 2 trường hợp nêu trên nhưng đáp ứng đủ các điều kiện: Khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế; cơ quan quản lý thuế đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định nhưng không thu đủ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt thì cũng được xóa nợ.
Các trường hợp xóa nợ nêu trên khi xem xét xóa nợ gốc thì cũng đồng thời được xóa khoản tiền chậm nộp của khoản nợ gốc đó.
Các khoản tiền thuế được xóa bao gồm tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt và các khoản phải thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan quản lý thuế quản lý thu theo quy định của pháp luật.
Riêng việc xóa nợ đối với tiền sử dụng đất và tiền thuê đất được thực hiện theo Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đất đai.
Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định 24/2009/QĐ-TTg, trong đó bổ sung quy định đối tượng và điều kiện được mua hàng miễn thuế là người nhập cảnh.
Cụ thể, người nhập cảnh ngay sau khi hoàn thành thủ tục nhập cảnh được mua hàng miễn thuế ngay tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh; không được mua hàng miễn thuế sau khi đã ra khỏi khu vực quản lý, kiểm tra, kiểm soát của cơ quan Hải quan tại cửa khẩu quốc tế sân bay nhập cảnh.
Người nhập cảnh khi mua hàng miễn thuế phải xuất trình hộ chiếu có đóng dấu nhập cảnh, thẻ lên tàu bay -Boarding pass. Cửa hàng miễn thuế phải sao chụp lưu một trong những chứng từ này.
Người nhập cảnh được mua hàng miễn thuế theo định mức hành lý miễn thuế quy định tại Nghị định số 66/2002/NĐ-CP ngày 1-7-2002 của Chính phủ quy định về định mức hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh và quà biếu, tặng nhập khẩu được miễn thuế.
Xe khách phải có vali cấp cứu
Theo Đề án Tổ chức cấp cứu tai nạn giao thông trên mạng đường bộ cao tốc đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sẽ bổ sung quy định quy định bắt buộc tất cả các xe khách khi tham gia giao thông phải có vali cấp cứu theo quy định của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, trang bị vali cấp cứu cho tất cả các xe tuần tra của lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông và các xe tuần tra của các Ban Quản lý đường bộ cao tốc.
Cũng theo đề án, sẽ đưa nội dung đào tạo về sơ cứu tai nạn giao thông vào chương trình đào tạo cấp giấy phép lái xe. Mục tiêu đặt ra là 100% lái xe được cấp mới giấy phép lái xe từ năm 2015 phải có chứng chỉ về đào tạo kỹ năng sơ cứu tai nạn giao thông.
Đồng thời, tổ chức đào tạo về sơ cứu tai nạn giao thông cho lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, tuần tra viên, lái xe, nhân viên Hội Chữ thập đỏ và tình nguyện viên.
Công bố công khai việc xử phạt cá nhân, tổ chức VPHC
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC), đối với các trường hợp vi phạm phải được công bố công khai theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 Luật Xử lý vi phạm hành chính, thủ trưởng cơ quan, đơn vị của người đã ra quyết định xử phạt gửi văn bản về việc công bố công khai và bản sao quyết định xử phạt VPHC đến người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý cấp bộ, cấp sở hoặc của UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt.
Nội dung công bố công khai gồm: Họ, tên, địa chỉ nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; hành vi VPHC; hậu quả ảnh hưởng của hành vi vi phạm; hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thời gian thực hiện.
Người phụ trách báo hoặc trang thông tin điện tử khi nhận được văn bản đề nghị công khai thông tin có trách nhiệm đăng đầy đủ các nội dung thông tin cần công khai.
Đến 2020: 50% lực lượng lao động tham gia BHXH
Theo Chiến lược phát triển ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đến 2020 có khoảng 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH); 35% tham gia bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Chiến lược đề ra các giải pháp như phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT; củng cố và tăng cường quản lý quỹ BHXH, BHYT;...
Phạt tới 200 triệu đồng vi phạm về đo lường
Theo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực đo lường đối với cá nhân là 100 triệu đồng, đối với tổ chức là 200 triệu đồng; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa đối với cá nhân là 150 triệu đồng, đối với tổ chức là 300 triệu đồng, trừ một số trường hợp khác.
Nghị định nêu rõ, phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu hàng đóng gói sẵn: Không ghi lượng của hàng đóng gói sẵn trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; lượng của hàng đóng gói sẵn không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm, hoặc không phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu công bố.
Còn hành vi buôn bán hàng đóng gói sẵn không ghi lượng trên nhãn hàng hóa hoặc ghi không đúng quy định; buôn bán hàng đóng gói sẵn có lượng không phù hợp với thông tin ghi trên nhãn hàng hóa, tài liệu đi kèm... thì bị phạt mức thấp hơn, từ 2-4 triệu đồng.
Cản trở điều tra thống kê bị phạt đến 10 triệu đồng
Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thống kê, nếu không thực hiện hoặc cản trở việc thực hiện điều tra thống kê; khai man hoặc ép buộc người khác khai man thông tin trong điều tra thống kê sẽ bị phạt tiền từ 7-10 triệu đồng.
Đối với hành vi trích dẫn không đúng nguồn gốc thông tin thống kê khi phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm cũng sẽ bị phạt tiền từ 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với hành vi làm sai lệch các thông tin thống kê đã được cơ quan có thẩm quyền công bố để phổ biến, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc các ấn phẩm.
Tăng cường kiểm tra cấp phép tuyến xe khách tại bến Mỹ Đình
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với UBND TP. Hà Nội tăng cường kiểm tra việc thực hiện cấp phép các tuyến xe khách cố định liên tỉnh tại Bến xe Mỹ Đình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trước ngày 15/8/2013. Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Bộ Giao thông vận tải chủ trì nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các quy định hiện hành về việc kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô nhằm tăng cường công tác quản lý tại các bến xe khách liên tỉnh, nhất là tại thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm tăng cường chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô và hoạt động tại các bến xe khách trên địa bàn Thành phố, bảo đảm an ninh trật tự xã hội, không gây ùn tắc giao thông.
Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội rà soát quy hoạch các bến xe khách trên địa bàn Thành phố và chỉ đạo tổ chức phân tuyến hợp lý; có kế hoạch đầu tư, mở rộng các bến xe theo quy hoạch để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.
Tăng cường công tác phòng, chống mại dâm
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống mại dâm, đồng thời làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Phó Thủ tướng giao Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp đối với công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.
Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường quản lý địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống mại dâm.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác quản lý, cấp giấy phép ngành nghề kinh doanh có điều kiện; kiểm duyệt các sản phẩm văn hóa, hoạt động biểu diễn theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết xử lý các cơ sở, dịch vụ kinh doanh có điều kiện vi phạm về phòng, chống tệ nạn xã hội.
Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hồ Chí Minh tiếp tục chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và tập thể, cá nhân liên quan để xảy ra tệ nạn mại dâm và thiếu trách nhiệm quản lý địa bàn.
UBND các tỉnh, TP. Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định chỉ đạo kiên quyết và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm và các tập thể, cá nhân để xảy ra tệ nạn xã hội, nhất là trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội), quận Đồ Sơn (Hải Phòng), huyện Giao Thủy (Nam Định).
Tăng hỗ trợ cho xã để xây dựng nông thôn mới
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bố trí tăng nguồn lực để xây dựng nông thôn mới.
Cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, từ kế hoạch năm 2014 giành nguồn lực bố trí hỗ trợ cho xã với mức cao hơn hiện nay (bình quân khoảng 500 triệu đồng/xã) báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đối với các xã điểm do Trung ương chỉ đạo, phải ưu tiên bố trí đủ vốn đầu tư hỗ trợ để các xã đạt chuẩn xã nông thôn mới trong năm 2014.
Khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2014, các bộ, ngành phải chủ động bố trí tăng tối đa nguồn lực cho thực hiện tiêu chí nông thôn mới của ngành mình, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm các xã điểm do Trung ương chỉ đạo). Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo; cân đối nguồn lực, lồng ghép chương trình mục tiêu trên địa bàn, ưu tiên bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đặt chỉ tiêu cụ thể thực hiện Chương trình.
Theo chinhphu.vn