11:07, 06/07/2013

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ 1 - 5-7-2013

Làm rõ trách nhiệm để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu binh; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn 1.000 tỷ đồng;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 1 - 5-7-2013.

Làm rõ trách nhiệm để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu binh; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn 1.000 tỷ đồng;... là những thông tin văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật trong tuần từ ngày 1 - 5-7-2013.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa



Làm rõ trách nhiệm để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản


Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu các bộ, ngành, địa phương kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua; không yêu cầu doanh nghiệp ứng vốn thực hiện dự án khi chưa được bố trí vốn, dẫn đến hậu quả phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.


Thủ tướng Chính phủ lưu ý, chỉ được tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu đã được bố trí vốn. Đối với các gói thầu đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng, tổ chức nghiệm thu và thanh quyết toán theo đúng hợp đồng đã ký theo quy định, tránh tình trạng nợ đọng, chiếm dụng vốn của nhà thầu.
Đồng thời không sử dụng vốn vay ngân sách địa phương để bố trí cho các dự án khởi công mới khi chưa xác định hoặc thẩm định được nguồn vốn để hoàn trả.


Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.


Không bố trí vốn ngân sách Trung ương, bao gồm: nguồn vốn kế hoạch hằng năm, ứng trước kế hoạch năm sau, dự phòng ngân sách Trung ương và các nguồn vốn ngân sách Trung ương khác cho các dự án khởi công mới chưa được thẩm định nguồn vốn; phê duyệt quyết định đầu tư không đúng theo văn bản thẩm định nguồn vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các dự án chuyển tiếp điều chỉnh tổng mức đầu tư theo các quy định.


Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu binh


Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp Hội Cựu chiến binh cần chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với các cấp, các ngành chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các cựu chiến binh, cựu quân nhân.


Đồng thời, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh từ Trung ương đến cơ sở; tạo điều kiện tương trợ giúp đỡ các Cựu chiến binh, Cựu quân nhân trong đời sống và phát triển kinh tế.


Thủ tướng cũng đồng ý tăng vốn quốc gia về việc làm cho con em cựu chiến binh, cựu quân nhân từ 1,5 tỷ đồng/năm lên 3 tỷ đồng/năm.


Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn 1.000 tỷ đồng


Theo Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng do ngân sách Nhà nước về hoạt động khoa học, công nghệ cấp. Quỹ được cấp vốn bổ sung hằng năm từ ngân sách Nhà nước để đạt tổng mức vốn điều lệ của Quỹ.


Quỹ được sử dụng đến 50% vốn ngân sách Nhà nước cấp để thực hiện các hình thức hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh để vay vốn.


Quỹ tài trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí cho các nhiệm vụ, dự án: Nghiên cứu phát triển công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao của doanh nghiệp; ươm tạo công nghệ; sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới; chuyển giao công nghệ, hoàn thiện, sáng tạo công nghệ để phục vụ sản xuất sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm, sản phẩm quốc gia…


Bên cạnh đó, Quỹ cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay vốn, bảo lãnh vốn vay đối với các nhiệm vụ, dự án như chuyển giao công nghệ được khuyến khích quy định tại Điều 9 của Luật Chuyển giao công nghệ; ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ; phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp khoa học và công nghệ; chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Ưu tiên phát triển 6 ngành công nghiệp trong hợp tác với Nhật Bản


Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó phát triển vượt bậc 6 ngành công nghiệp ưu tiên thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao và năng lực cạnh tranh quốc tế.


6 ngành công nghiệp ưu tiên gồm: 1- Điện tử; 2- Máy nông nghiệp; 3- Chế biến nông, thủy sản; 4- Đóng tàu; 5- Môi trường và tiết kiệm năng lượng; 6- Sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô.


Các ngành được ưu tiên phát triển trong Chiến lược công nghiệp hóa giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.


Đến năm 2020, các ngành được ưu tiên phát triển đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam; giá trị sản xuất của các ngành ưu tiên tăng tối thiểu 20% hằng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp; đứng trong số 10 ngành có tốc độ tăng năng suất lao động cao nhất.


Đến năm 2030, các ngành được ưu tiên phát triển chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo hợp lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam.


Khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu


Ngày 15-10-2009, Chính phủ ban hành Nghị định 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu. Theo một số chuyên gia kinh tế, cái được của Nghị định 84/2009/NĐ-CP là kinh doanh xăng dầu đã chuyển mạnh sang cơ chế thị trường.


Mục tiêu này là đúng đắn trong quản lý ngành hàng xăng dầu. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng xuất hiện những vướng mắc, cần được sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập.


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 84/2009/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, trình Chính phủ trong tháng 9-2013.


Tập trung nâng cao chất lượng cả 3 loại rừng


Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành đôn đốc, chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng cả 3 loại rừng đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất, bảo đảm đa dạng sinh học.


Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành tập trung giải quyết tốt nhiệm vụ tiếp tục triển khai trồng rừng tập trung với diện tích khoảng 150.500 ha, trong đó 19.500 ha rừng đặc dụng, phòng hộ; 131.000 ha rừng sản xuất.


Đồng thời đôn đốc, chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chặt phá rừng trái pháp luật, đặc biệt là tại khu vực Tây Nguyên, Nam Trung bộ và một số tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.


Theo chinhphu.vn