Ông Mai Hữu Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước về môi trường tại các khu dân cư, một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh” của Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp cho thấy, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm cả về hiện trạng môi trường lẫn công tác quản lý nhà nước.
Ông Mai Hữu Thu, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh Khánh Hòa cho biết, kết quả giám sát chuyên đề “Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về môi trường (MT) tại các khu dân cư (KDC), một số khu công nghiệp (CN), cụm CN trên địa bàn tỉnh” của Thường trực HĐND tỉnh tại kỳ họp cho thấy, còn nhiều vấn đề đáng quan tâm cả về hiện trạng MT lẫn công tác QLNN.
- Xin ông cho biết những kết quả đạt được trong công tác QLNN về MT tại các KDC, một số khu CN, cụm CN trên địa bàn tỉnh?
Ông Mai Hữu Thu |
- Qua giám sát cho thấy, hành lang pháp lý đã và đang từng bước được tạo lập và hoàn thiện để công tác quản lý MT ở các KDC, khu CN, cụm CN ngày càng tốt hơn. Công tác quy hoạch phát triển các ngành nghề, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh đã có sự gắn kết lồng ghép các nội dung về bảo vệ MT. Hệ thống tổ chức quản lý MT đã và đang từng bước được kiện toàn từ cấp tỉnh đến cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý bảo vệ MT ở địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật, giáo dục kiến thức về bảo vệ MT cho các đối tượng liên quan đã được UBND tỉnh, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm thực hiện. Một số nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ MT được xây dựng thành chuyên mục, chương trình, phóng sự trên báo, đài ở địa phương. Nhờ vậy, công tác chấp hành về bảo vệ MT của các doanh nghiệp (DN), cộng đồng dân cư ngày càng tốt hơn. Một số cơ chế, chính sách về xã hội hóa MT được ban hành ở địa phương. Tại một số cụm dân cư đã hình thành mô hình tự quản thu gom rác thải...
- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý MT tại các khu vực trên còn những hạn chế, tồn tại gì, thưa ông?
- Về chất lượng MT nước và nước thải, qua giám sát cho thấy, nguồn thải từ nước sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các làng nghề xen kẽ trong KDC, phần lớn đều xả trực tiếp xuống kênh, mương, sông suối hoặc hộ gia đình tự xử lý qua hệ thống hầm rút là nguyên nhân gây ô nhiễm MT nước mặt và nước ngầm. Ở các khu CN còn một số cơ sở chưa thực hiện nghiêm túc các cam kết bảo vệ MT trong đánh giá tác động MT, có hiện tượng xả nước thải chưa qua xử lý vào MT. Với các cụm CN, chỉ có cụm CN Diên Phú đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung và đưa vào vận hành nhưng hệ thống xử lý nước thải hiện nay hoạt động chưa đạt hết công suất thiết kế, hiệu quả kinh tế thấp. Cụm CN Đắc Lộc chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các DN tự xử lý cho ngấm vào đất.
Đối với chất lượng MT không khí và khí thải, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ô nhiễm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh quy mô vừa và nhỏ xen kẽ trong KDC, sử dụng nguyên vật liệu và hóa chất trong dây chuyền công nghệ sản xuất như mùi của các cơ sở sản xuất mắm (Nha Trang, Cam Ranh) hay sản xuất gạch ở các lò gạch thủ công (Ninh Hòa)... Ở đô thị, việc thu gom, xử lý chất thải rắn tại các bãi rác chủ yếu qua các công ty MT đô thị và hầu hết ở dạng chôn lấp giản đơn. Vấn đề cần quan tâm hiện nay là thiếu điểm trung chuyển rác trong các khu đô thị, một số người dân bỏ rác ở ven đường hoặc tại các giao điểm giao thông gây ô nhiễm MT và tác động xấu đến mỹ quan đô thị. Ở nông thôn, chất thải rắn sinh hoạt chủ yếu là chôn lấp. Riêng chất thải rắn nguy hại, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở thu gom và xử lý, các DN trong các khu và cụm CN phải thuê một đơn vị ở TP. Hồ Chí Minh thu gom xử lý với chi phí khá cao. Tình trạng phổ biến là người dân và một số DN để chất thải nguy hại lẫn vào chất thải sinh hoạt thông thường, các đơn vị thu gom và xử lý chung tại bãi rác tập trung.
Về công tác quy hoạch, đối với KDC, hầu hết các địa phương chưa có quy hoạch (hoặc chưa có quy hoạch chi tiết) xử lý nước thải tập trung. Còn việc xử lý rác thải, tuy đã có quy hoạch bãi rác tập trung nhưng tiến độ triển khai thực hiện các dự án chậm gây nên tình trạng quá tải ở các bãi rác chôn lấp tại các địa phương và ô nhiễm MT không khí đối với dân cư sinh sống xung quanh khu vực. Trong tương lai, lượng chất thải nguy hại tại các khu CN, cụm CN ngày càng nhiều nhưng đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch và giải pháp cụ thể nào để xử lý chất thải nguy hại. Bên cạnh công tác quy hoạch chưa kịp thời và đồng bộ, sự phân công và phối hợp trách nhiệm của các cơ quan, các cấp, ngành trong quản lý, kiểm tra xử lý về MT còn nhiều bất cập...
- Trên cơ sở kết quả giám sát, Thường trực HĐND tỉnh đã có những kiến nghị gì để góp phần làm cho công tác QLNN về MT tại các KDC, một số khu CN, cụm CN trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, thưa ông?
- Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh nhiều nội dung như: Cần có lộ trình hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật MT thiết yếu. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến lĩnh vực bảo vệ MT một cách đồng bộ, phù hợp với quy hoạch chung phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Rà soát, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý MT trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về MT, xử lý nghiêm minh để răn đe các hành vi gây ô nhiễm MT nghiêm trọng. Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về MT cho đội ngũ cán bộ làm công tác MT ở các địa phương để tăng chất lượng hoạt động QLNN về MT ở cấp huyện và cấp xã. Xây dựng phương án thành lập Quỹ bảo vệ MT của địa phương. Sớm triển khai xây dựng các khu giết mổ tập trung trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại TP. Nha Trang...
KHÁNH NINH (Ghi)