11:04, 01/04/2013

Các hoạt động của Công đoàn sẽ tập trung hướng về cơ sở

Nhân dịp Đại hội Công đoàn Khánh Hòa lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018), ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số vấn đề mà người lao động quan tâm.

Nhân dịp Đại hội Công đoàn Khánh Hòa lần thứ IX (nhiệm kỳ 2013 - 2018), ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về một số vấn đề mà người lao động (NLĐ) quan tâm.  

- Thưa ông, nhiệm kỳ qua, các tổ chức Công đoàn (CĐ) đã đồng hành như thế nào trong việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của NLĐ?

- Xác định công tác chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công nhân, viên chức, lao động (CN-VC-LĐ) là hoạt động trọng tâm, nhiệm kỳ qua, các cấp CĐ đã tăng cường phối hợp với các cấp, ngành tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách cho NLĐ trong những doanh nghiệp (DN). Đồng thời, CĐ tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể với các điều khoản, nội dung có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho NLĐ; quy chế chi tiêu nội bộ, chế độ lương, thưởng... có liên quan đến CN-VC-LĐ. 5 năm qua, các cấp CĐ đã tổ chức hơn 500 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động về chế độ tiền lương, thưởng tại 352 DN. Bên cạnh đó, CĐ đã kịp thời giải quyết các vụ đình công, ổn định tình hình sản xuất; đồng thời tổ chức đối thoại giữa người sử dụng lao động và NLĐ để đưa ra hướng giải quyết phù hợp. Những trường hợp không thể hòa giải, các cấp CĐ đã trợ giúp pháp lý cho NLĐ khởi kiện DN ra Tòa và thực hiện quyền đại diện để bảo vệ NLĐ trong quá trình tranh tụng tại Tòa khi có yêu cầu. Các cấp CĐ cũng đã tư vấn pháp luật cho hơn 2.000 lượt NLĐ. Riêng Văn phòng Tư vấn pháp luật của Liên đoàn Lao động tỉnh đã tư vấn trực tiếp 385 lượt; tư vấn qua điện thoại 429 trường hợp; tiếp nhận và giải quyết kịp thời 43 đơn thư khiếu nại, tố cáo về quyền lợi của NLĐ…

Bên cạnh đó, công tác đóng góp, hỗ trợ CN-VC-LĐ luôn được các cấp CĐ triển khai sâu rộng, thường xuyên và kịp thời. Qua 5 năm hoạt động, Quỹ “Mái ấm CĐ Khánh Hòa” đã vận động được hơn 4,3 tỷ đồng, đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 175 căn nhà cho CN-VC-LĐ nghèo trị giá hơn 3,1 tỷ đồng. Hưởng ứng chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” vì ngư dân Trường Sa, Hoàng Sa, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đóng góp 100 triệu đồng. CĐ còn phối hợp với Quỹ Tấm lòng vàng Báo Lao động hỗ trợ ngư dân gặp nạn trên biển với số tiền hơn 900 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp CĐ còn phối hợp với tổ chức, cá nhân  thăm, tặng quà cho hàng trăm CN-VC-LĐ nghèo, bệnh nhân tâm thần trị giá 6 tỷ đồng...

- Xin ông cho biết, những kết quả đạt được qua các phong trào thi đua yêu nước trong CN-VC-LĐ thời gian qua?

- Các phong trào thi đua được duy trì thường xuyên như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”, “Xanh - Sạch - Đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, giúp nhau làm kinh tế gia đình và đẩy mạnh các hoạt động xã hội... đã có bước đổi mới về nội dung, hình thức, khơi dậy tính tích cực, năng động, sáng tạo của CN-VC-LĐ. Trong 5 năm, đã có 12.000 sáng kiến, cải tiến, giải pháp công tác được hoàn thành, làm lợi hàng chục tỷ đồng. Các cấp CĐ đã thực hiện 68 công trình, sản phẩm được gắn biển chào mừng các sự kiện trọng đại của đất nước với tổng trị giá 330 tỷ đồng. Một số đơn vị như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, CĐ Viên chức tỉnh, CĐ ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh, Công ty Yến sào Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt... là những đơn vị có phong trào thi đua lao động sáng tạo nổi bật của tỉnh.

Đối với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, các cấp CĐ trong tỉnh đã vận động CN-VC-LĐ đóng góp Quỹ Hỗ trợ nông dân gần 800 triệu đồng, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật mới cho nông dân. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CN-VC-LĐ được đẩy mạnh, đã có 124.634 lượt nữ đoàn viên đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”...

- Hiện nay, hoạt động CĐ còn những vấn đề gì tồn tại, thưa ông?

- Các cấp CĐ thực hiện chức năng đại diện, tham gia quản lý còn hạn chế; việc tổ chức hội nghị cán bộ - công chức, hội nghị NLĐ ở một số đơn vị còn nặng tính hình thức; chưa phát huy có hiệu quả quyền dân chủ của CN-VC-LĐ. Nội dung, phương thức hoạt động CĐ tuy có đổi mới nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Việc thực hiện chức năng của CĐ có lúc, có nơi chưa được xác định đúng cho từng loại hình, từng cấp CĐ. Công tác tuyên truyền, giáo dục triển khai chưa sâu rộng nên việc tiếp cận những nội dung cơ bản các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chủ trương công tác CĐ của NLĐ chưa được đầy đủ. Công tác thi đua khen thưởng ở một số đơn vị còn chạy theo phong trào, thành tích; chưa kịp thời sơ, tổng kết, nhân rộng điển hình. Công tác chỉ đạo của CĐ cấp trên đối với cơ sở có lúc, có nơi còn nặng tính hành chính, dàn trải, thiếu tập trung, chưa nắm chắc tình hình của từng loại hình cơ sở; phương thức hoạt động CĐ chưa thích ứng với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của DN; chưa thực hiện thường xuyên việc giới thiệu các mô hình hoạt động CĐ hay, có hiệu quả để nhân rộng trong hệ thống...

- Vấn đề nhà ở, trường học và khu vui chơi giải trí cho CN-VC-LĐ đang còn nhiều khó khăn. Nhiệm kỳ tới, vấn đề này sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, Khánh Hòa có hơn 130.000 NLĐ, trong đó lao động nữ gần 66.500 người; 8 CĐ cấp huyện, 11 CĐ cấp ngành, 1.376 CĐ cơ sở với hơn 75.000 đoàn viên. Nhiệm kỳ qua đã thành lập mới 407 CĐ cơ sở, kết nạp hơn 28.000 đoàn viên mới. Tiền lương bình quân của NLĐ đạt 2,9 triệu đồng/tháng (tăng 2 lần so với năm 2008).

- Đây là vấn đề khó khăn trong nhiều năm qua. Tuy các khu công nghiệp đều dành quỹ đất để phục vụ việc xây dựng khu nhà ở, trường mẫu giáo, khu vui chơi giải trí cho NLĐ, nhưng những năm qua, do tình hình kinh tế có nhiều biến động, ảnh hướng lớn đến sản xuất kinh doanh của DN nên vấn đề xã hội hóa trong việc xây dựng nhà ở cho CN-VC-LĐ chưa được triển khai. Chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước, địa phương quan tâm triển khai, hoàn thiện những thiết chế văn hóa, vui chơi, giải trí, khu nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp; xây dựng các phòng đọc sách, báo, phòng tư vấn tâm lý, mô hình tổ tự quản ở khu nhà trọ, câu lạc bộ công nhân... nhằm phục vụ đời sống của CN-VC-LĐ tốt hơn.    

- Thưa ông, nhiệm kỳ tới, việc xây dựng tổ chức CĐ ở cơ sở, phát triển đoàn viên mới sẽ được quan tâm như thế nào?

- Nhiệm kỳ tới, các hoạt động của CĐ tập trung hướng về cơ sở, lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy đoàn viên và NLĐ làm đối tượng vận động; chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và NLĐ; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương, cơ sở. Mặt khác, CĐ củng cố, đổi mới phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động ở cơ sở để CĐ thực sự là chỗ dựa vững chắc của NLĐ, tạo được sự đồng tình, ủng hộ của người sử dụng lao động.

CĐ sẽ tập trung phát triển CĐ cơ sở và thành lập Nghiệp đoàn Nghề cá; đồng thời củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các CĐ cơ sở, nghiệp đoàn đã có. Đặc biệt, sẽ khẩn trương xây dựng đề án để thành lập tổ chức CĐ huyện Trường Sa trong thời gian thích hợp. Ngoài ra, CĐ ưu tiên kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ CĐ cơ sở các DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích cán bộ CĐ học tập, nâng cao trình độ về chuyên môn, lý luận chính trị và nghiệp vụ CĐ; vận động đoàn viên và NLĐ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; chăm lo bồi dưỡng công nhân ưu tú; làm tốt trách nhiệm của CĐ trong công tác phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong các loại hình DN...

- Xin cảm ơn ông!

VĂN GIANG (thực hiện)