“Thời ấy, chúng tôi là một trong những lứa con em Khánh Hòa nhập ngũ ra Trường Sa bảo vệ Tổ quốc. Nhiều anh em đã đổ máu, thương tật và hy sinh anh dũng.
“Thời ấy, chúng tôi là một trong những lứa con em Khánh Hòa nhập ngũ ra Trường Sa bảo vệ Tổ quốc. Nhiều anh em đã đổ máu, thương tật và hy sinh anh dũng. Ngọn lửa tinh thần xả thân vì Trường Sa vẫn tiếp tục cháy suốt 25 năm sau đó, kể từ sự kiện Gạc Ma năm 1988” - Thượng sĩ Lê Văn Phát, người 21 năm làm Trưởng Ban liên lạc cựu binh Trường Sa chia sẻ.
Gìn giữ “ngọn lửa” Trường Sa
Cựu binh Lê Văn Phát (trú TP. Nha Trang) - nguyên Thượng sĩ, Khẩu đội trưởng 85mm công tác tại đảo Trường Sa Lớn thời kỳ 1988 kể: Thời kỳ đó, tàu của Trung Quốc ngang nhiên quấy nhiễu, quay phim chụp ảnh đảo. Tàu tiếp tế lương thực của quân ta liên tục bị tàu Trung Quốc ép nhằm uy hiếp tinh thần. Anh em lính đảo phải ăn uống kham khổ; thế nhưng vẫn luôn đoàn kết, chia ngọt sẻ bùi; tinh thần luôn sẵn sàng chiến đấu...
Ký ức về Trường Sa mãi mãi không phai mờ đối với những cựu binh Trường Sa. Chính vì vậy, khi giải ngũ, anh Lê Văn Phát là người đầu tiên tập hợp những đồng đội cũ cùng nhau dâng hoa tưởng niệm những người đã hy sinh vì Trường Sa vào ngày 24-2. Theo anh Phát, đó là ngày hàng loạt thanh niên Khánh Hòa nhập ngũ; vào ngày đó, hàng trăm cựu binh Trường Sa cùng nhau quây quần gặp gỡ những người đồng đội cùng sống và chiến đấu vào năm 1988. Cuộc gặp đầu tiên được tổ chức vào năm 1991, lúc đầu chỉ là một nhóm anh em, sau đó ngày càng nhiều cựu binh về họp mặt. Việc gặp mặt này có ý nghĩa rất lớn, nó nuôi dưỡng ngọn lửa mãi cháy, sẵn sàng xả thân vì đất nước, vì Trường Sa cho thế hệ trẻ noi theo.
Các cựu binh Trường Sa và gia đình liệt sĩ thắp hương tưởng nhớ các cán bộ chiến sĩ hi sinh ở Gạc Ma. |
Do bận việc nên anh Phát đã bàn giao Trưởng Ban liên lạc lại cho anh em khác. Hiện nay, anh Trần Quang Bảo - cựu binh thuộc Lữ đoàn 146 đảm nhận. Anh Bảo cho biết, khi ra quân, chúng tôi mỗi người một ngả, nhưng tình cảm đồng đội, đồng chí luôn hiện hữu trong mỗi người. Đến năm 2011, Ban liên lạc đã được công nhận là Ban liên lạc truyền thống bộ đội Trường Sa tỉnh Khánh Hòa.
Chia ngọt, sẻ bùi
Theo anh Bảo, sau khi rời quân ngũ, trong số các cựu binh có nhiều người phải đối mặt với nhiều khó khăn. Chính vì thế, hàng năm, ngoài việc gặp mặt ôn lại kỷ niệm thời quân ngũ, tưởng nhớ những liệt sĩ đã hy sinh, các cựu binh còn quyên góp tiền để giúp một số đồng đội; tri ân các gia đình có người thân hy sinh tại Gạc Ma.
Kể về cuộc mưu sinh của mình, cựu binh Nguyễn Xuân Khanh (từng là Trung sĩ, Khẩu đội trưởng Khẩu đội pháo 85mm năm 1988 ở đảo Sơn Ca, bây giờ là ông chủ một cửa hàng cơm gà ở đường Ngô Gia Tự (TP. Nha Trang) cho biết, sau khi giải ngũ anh gặp không ít khó khăn. Năm 1990, anh làm đủ mọi nghề để kiếm sống, mãi đến năm 2004 mới về lại Nha Trang mở bán cơm gà. Gần 10 năm qua, tiệm cơm gà của anh ngày càng đông khách. Nhớ đồng đội, anh đã cùng anh Phát, anh Bảo đi tập hợp từng người để gặp mặt vào ngày 24-2. “Thông qua ngày họp mặt, chúng tôi mong muốn được tìm gặp, giúp đỡ những anh em cựu binh gặp khó khăn, thăm viếng những người đã mất. Đây là điều hết sức ý nghĩa với chúng tôi lúc này” - anh Khanh chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Dân và Đại úy Dương Hoa Hồng. |
Không chỉ anh Khanh thành đạt trong cuộc sống, Trung sĩ Nguyễn Văn Dũng (phường Vĩnh Hòa, Nha Trang), từng phục vụ tại đơn vị thông tin của Vùng 4 Hải quân cũng đang là chủ một nhà hàng lớn ở Nha Trang. Lúc Trung Quốc nổ súng tấn công Gạc Ma, anh Dũng đang ở tàu hỗ trợ bảo vệ, trực thông tin cho chỉ huy điều động các tàu đem vật liệu xây dựng đảo. Vào thời điểm chiến sự căng thẳng năm 1988, anh bị thương nặng khi sửa ăng ten thông tin trên tàu chỉ huy. Tuy là thương binh 2/4 nhưng anh Dũng vẫn tiếp tục cống hiến sức mình cho quân đội, đến năm 1993 mới giải ngũ. Về quê, thương binh mất 61% sức khỏe như anh kiếm việc thật khó. Anh đã quyết tâm vươn lên bằng chính bản thân mình. Đến bây giờ, anh đã là chủ một nhà hàng. Gặp mặt các đồng đội vào ngày 14-3 ở tỉnh Phú Yên, anh chia sẻ: “Tôi có ý định đón con em cựu binh Trường Sa có hoàn cảnh khó khăn vào làm tại nhà hàng của mình. Nhiều đồng đội còn khó khăn nên tôi muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ anh em. Hiện nay, nhà hàng của tôi có hơn 10 nhân viên, trong đó 7 người là cựu binh và con em đồng đội ở Trường Sa”.
Sáng 14-3, những đồng đội, gia đình các liệt sĩ đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ bảo vệ đảo Gạc Ma năm 1988 đã tề tựu tại tượng đài tưởng niệm quân nhân Liên Xô, Nga và Việt Nam hi vinh vì hòa bình, ổn định khu vực ở TP Cam Ranh - Khánh Hòa để dâng hương hoa kỷ niệm 25 năm ngày hi sinh của các anh. Tại đây, Đại tá Nguyễn Văn Dân - nguyên Phó Tham mưu trưởng Vùng 4 Hải quân nói: “Tuy đã 25 năm đi qua nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ quên những hình ảnh về các anh - những cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo Trường Sa thân yêu. Đó là tinh thần vệ quốc thiêng liêng cao cả. Các anh mãi là tấm gương sáng cho chiến sĩ trẻ hôm nay học tập, noi theo”.
ĐOÀN HƯƠNG GIANG