Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần tiến hành thận trọng, chuẩn bị kĩ càng để việc lấy phiếu trở nên thực chất.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý cần tiến hành thận trọng, chuẩn bị kĩ càng để việc lấy phiếu trở nên thực chất.
Sáng nay (18-3), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 16 với nhiều nội dung quan trọng chuẩn bị cho kì họp thứ 5, Quốc hội khóa 13. Phiên họp dự kiến diễn ra từ hôm nay đến ngày 22-3.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết: Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 8 dự án Luật và pháp lệnh. Trong đó có 2 dự án Luật quan trọng góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh là dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Cũng tại phiên họp này, Thường vụ Quốc hội sẽ dành 1 ngày để chất vấn trực tiếp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý của 2 Bộ, ngành này. Ngoài ra, một nội dung đặc biệt quan trọng tại phiên họp này là Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại kì họp thứ 5 tới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: “Để cho việc lấy phiếu tín nhiệm tại kì họp thứ 5 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn thành công, chúng ta sẽ thảo luận kĩ hơn kế hoạch để triển khai nội dung này. Đây là lần đầu tiên chúng ta làm nên cần tiến hành thận trọng, chuẩn bị kĩ càng để việc lấy phiếu trở nên thực chất, việc lấy phiếu sẽ có tác dụng như tinh thần mà Quốc hội đã ban hành nghị quyết”.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng trong phiên họp sáng nay, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: việc sửa đổi, bổ sung chỉ được đặt ra trên cơ sở xác định những vấn đề bức thiết, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, đối chiếu với nội dung Tờ trình của Chính phủ thì phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật tương đối hẹp, chỉ sửa 7/16 điều của Luật hiện hành. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có tổng kết, đánh giá quá trình thực thi Luật hiện này, đề xuất các nội dung sửa đổi căn bản, toàn diện để đón đầu những chủ trương mới trong tương lai.
Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho biết: Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 - 2020 xác định mục tiêu “giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ chịu thuế suất 5%, tiến tới chỉ còn một mức thuế suất”. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, cần giữ nguyên 3 mức thuế suất 0%, 5% và 10%, chưa áp dụng thống nhất 1 mức thuế suất.
Song ông Phùng Quốc Hiển đề nghị cần rà soát, thu hẹp diện hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 5% nhằm từng bước hướng tới mục tiêu đề ra trong Chiến lược. Ông Phùng Quốc Hiển nêu ý kiến: “Quan trọng nhất thuộc về linh hồn của một luật thuế đó chính là thuế xuất, lần này chúng ta vẫn giữ nguyên 3 mức 0%,5%,10%. Quan điểm của tôi là phải làm sao đưa lên 1 thuế xuất. Nhưng lần này Chính phủ thấy rằng nếu để ngay 1 thuế xuất thì sẽ gặp khó khăn. Nên chúng tôi bàn cần tính tới lộ trình đến năm 2020 phải trở về 1 thuế xuất”.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung nhóm đối tượng vào diện không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm: các dịch vụ bảo hiểm liên quan đến con người, bảo hiểm nông nghiệp; dịch vụ cấp tín dụng, kinh doanh chứng khoán; Hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm thấp hơn 100 triệu đồng.
Cũng trong sáng nay, Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ngoại hối.
Theo VOV