Ngày 1-3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, nhiệm kỳ 2011 - 2016 tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung phần lớn thời gian để lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại một số ý kiến:
Ngày 1-3, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa V, nhiệm kỳ 2011 - 2016 tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ nhất. Tại kỳ họp này, HĐND tỉnh đã tập trung phần lớn thời gian để lấy ý kiến góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSĐHP) 1992. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã ghi lại một số ý kiến:
Đại biểu Nguyễn Thị Kiều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:
Điều 1 DTSĐHP nêu “Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm đất liền, hải đảo, vùng biển và vùng trời”. Dân chủ là một hình thức tổ chức thiết chế chính trị của đất nước mà trong đó quyền lực thuộc về nhân dân. Người dân thực hiện quyền lực thông qua những người đại diện của mình được lựa chọn qua bầu cử. Quyền này chỉ được thực hiện khi đất nước hoàn toàn độc lập. Vì vậy tôi thống nhất nội dung như dự thảo, nhưng đề nghị hoán đổi vị trí, đưa cụm từ “dân chủ” đặt sau cụm từ “độc lập”.
Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được đề cập tại Chương II của Dự thảo, tôi hoàn toàn thống nhất với nội dung. Ở đây đề nghị nghiên cứu và sắp xếp lại cho khoa học, trong Dự thảo các điều quy định quyền con người xen lẫn các điều quy định quyền công dân. Đề nghị sắp xếp những điều quy định về quyền con người trước sau đó đến quyền của công dân.
Về thể chế kinh tế và vị trí các thành phần kinh tế quy định tại Điều 54 của DTSĐHP, tôi hoàn toàn thống nhất và rất tâm đắc với nội dung Dự thảo đã nêu. Nếu so sánh với Hiến pháp 1992, thì lần này, Dự thảo sửa đổi không nêu cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”. Thực tế, chúng ta vừa mới nghiên cứu Kết luận 50-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về Đề án “Tiếp tục sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước” đã đánh giá rất rõ hiệu quả cũng như những hạn chế, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua. Thực chất, doanh nghiệp nhà nước, bộ phận cấu thành của kinh tế nhà nước, trong một thời gian dài chưa phát huy vai trò chủ đạo, chưa tạo tiền đề để dẫn dắt các thành phần kinh tế khác phát triển như các nghị quyết của Đảng đã nêu. Vì “giữ vai trò chủ đạo” nên được ưu tiên nhiều thứ, không bảo đảm bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh với các thành phần kinh tế khác. Hơn nữa, trong giai đoạn hiện nay, việc giải quyết việc làm cho người lao động, tạo ra nhiều của cải cho xã hội không phải là doanh nghiệp nhà nước mà là các thành phần kinh tế khác. Đây là một quan điểm rất tiến bộ, tôi hoàn toàn đồng tình.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh:
Theo tôi, DTSĐHP 1992 lần này có nhiều ưu việt. Thứ nhất, đã xác lập được cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Thứ hai, đã thể hiện rõ nội dung đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ theo hướng xây dựng nền hành chính thống nhất, trong sạch vững mạnh; tăng tính dân chủ và pháp quyền trong việc điều hành của Chính phủ...
Tuy nhiên, ở Điều 13 của dự thảo sửa đổi, tôi đề nghị bổ sung thêm “Ngày Quốc tổ Việt Nam mùng 10 tháng 3 âm lịch”. Vì trong dự thảo có quy định ngày Quốc khánh là Ngày tuyên ngôn độc lập 2 tháng 9 năm 1945 thì cũng nên quy định “Ngày Quốc tổ Việt Nam mùng 10 tháng 3 âm lịch”. Ở Điều 47 của dự thảo ghi: “Công dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”. Đúng vậy, phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất, mà tội nặng nhất là tử hình nhưng trong luật thì không dùng từ “tội nặng nhất”. Do vậy, theo tôi nên sửa lại là: “Phản bội Tổ quốc là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng” cho phù hợp với Bộ Luật Hình sự hiện hành. Ngoài ra, ở khoản 1 Điều 27 của dự thảo sửa đổi nên sửa lại là “Công dân Việt Nam được bình đẳng và có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”; ở khoản 2 Điều 27 nên sửa lại là “Nhà nước có chính sách bảo đảm cho mọi công dân Việt Nam đều được bình đẳng trên các lĩnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội”.
THU HIỀN - ANH TUẤN (ghi)