11:03, 15/03/2013

Chống lãng phí cần quyết liệt hơn

Bà Nguyễn Thị Kiều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa xung quanh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Kiều - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa xung quanh việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Ban Bí thư về việc đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trên địa bàn tỉnh.

- Xin bà cho biết nội dung chính của Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 21-12-2012 của Ban Bí thư về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

- Thực hiện Nghị quyết TW 3 (khóa X) và gần đây nhất là Kết luận Hội nghị TW 5 (khóa XI) về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các ngành, các cấp quan tâm chỉ đạo và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn chưa đạt được mục đích đề ra; tình hình lãng phí vẫn xảy ra nghiêm trọng. Để tạo sự chuyển biến thực sự trong thời gian tới, ngày 21-12-2012, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 21-CT/TW về đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gồm một số nội dung chính sau:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu đúng và thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; xác định đó là nhiệm vụ hàng ngày và là nội dung sinh hoạt hàng tháng của chi bộ, cơ quan, tổ chức.

Thứ hai, mở cuộc vận động sâu rộng toàn Đảng, toàn dân xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo hướng lành mạnh, tiết kiệm; chống lợi dụng việc cưới, việc tang để vụ lợi. Cán bộ chủ chốt các ngành, các cấp phải gương mẫu chấp hành quy định của Trung ương về việc cưới, việc tang, lễ hội.

Thứ ba, thực hiện nghiêm Chỉ thị 45-CT/TW ngày 22-7-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) về đổi mới, nâng cao hiệu quả tổ chức các ngày kỷ niệm theo hướng tiếp tục giảm quy mô, thời gian tổ chức, thực sự tiết kiệm, mang tính giáo dục cao. Việc tổ chức các chuyến đi công tác cơ sở, tham dự các cuộc mít tinh, lễ kỷ niệm, khai trương, động thổ... của lãnh đạo các cấp, các ngành theo đúng quy định.

Thứ tư, hạn chế tối đa các hội nghị có quy mô toàn quốc. Không tổ chức các cuộc họp không thực sự cần thiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để tiến tới tổ chức họp trực tuyến, điều hành và xử lý công việc (trừ những cuộc họp có nội dung cơ mật). Không tổ chức các đoàn đi công tác nước ngoài mà không có mục đích rõ ràng.

- Thưa bà, Chỉ thị số 21 đánh giá, hiện nay, “tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn”. Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này? Liệu Khánh Hòa có ở trong tình trạng này?

- Những năm qua, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện, nhưng không thể phủ nhận tình trạng lãng phí đã và đang xảy ra ngày càng nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí đáng kể tài sản của Nhà nước và nhân dân, gây nên những bức xúc trong xã hội như vụ việc ở Vinashin, Vinalines... Vì thế, trong Chỉ thị 21, Bộ Chính trị nhận định “tình hình lãng phí vẫn còn xảy ra nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, nhất là trong bối cảnh kinh tế đất nước và đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn” là đúng với tình hình thực tế của đất nước hiện nay.

Đối với tỉnh Khánh Hòa, thời gian qua công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị trong tỉnh quan tâm thực hiện, chú trọng tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hầu hết các cơ quan, đơn vị đã thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm và phát huy tính chủ động trong quản lý, sử dụng biên chế và kinh phí, thực hiện tốt quy chế chi tiêu nội bộ gắn với việc cải cách thủ tục hành chính, xây dựng phong cách làm việc hiệu quả, minh bạch, góp phần quản lý và sử dụng đúng mục đích ngân sách được giao. Tuy được các cơ quan Trung ương mệnh danh Khánh Hòa là tỉnh “giàu”, nhưng việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách của tỉnh thời gian qua được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của pháp luật. Đầu năm 2011, việc mua sắm thiết bị để sử dụng phục vụ hoạt động hàng ngày của các cơ quan như máy vi tính cũng tạm dừng theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Mặc dù đơn giá 1 bộ không lớn, nhưng đã có chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nên UBND tỉnh vẫn tổ chức thực hiện nghiêm. Tuy nhiên, sau đó, do nhu cầu quá bức xúc của các cơ quan, cuối năm 2011 UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổng hợp nhu cầu mua sắm máy vi tính gửi về Sở Tài chính để tham mưu thẩm định. Việc mua xe phục vụ công tác của các cơ quan trong hệ thống chính trị năm 2013, ngân sách tỉnh cũng chỉ bố trí 8 tỷ đồng để giải quyết nhu cầu này, dù thực tế nhu cầu mua sắm mới rất lớn nhằm thay thế những xe cũ đã quá thời hạn sử dụng nhiều năm. Trong khi đó, có tỉnh khó khăn hơn Khánh Hòa phải nhận trợ cấp ngân sách chi thường xuyên từ Trung ương vẫn mạnh tay chi tiền để mua hơn 26 chiếc xe cấp cho các cơ quan Nhà nước trong năm 2013. Đó là một vài minh họa để thấy rằng, việc quản lý chi tiêu ngân sách của tỉnh thời gian qua đã được quản lý, điều hành, sử dụng một cách hiệu quả, tiết kiệm.

Trong công tác đầu tư xây dựng, các địa phương, đơn vị thực hiện trình tự thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, hạn chế tối đa các chi phí phát sinh trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư và bảo đảm thi công đúng tiến độ. Các lễ hội ở địa phương được các cấp, các ngành tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, giữ gìn các nghi lễ truyền thống, tiết kiệm, không xa hoa lãng phí.

Trong nhân dân, nhờ triển khai tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” nên việc tổ chức tang lễ nhanh, gọn, tiết kiệm, không phô trương lãng phí. Các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan hầu như không còn xảy ra. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều đưa tiêu chí thực hành tiết kiệm chống lãng phí vào việc xét gia đình văn hóa, làng và khu phố văn hóa.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Ngoài một số nguyên nhân khách quan dẫn đến chưa thực hiện được mục tiêu tiết kiệm, chống lãng phí còn có nguyên nhân chủ quan của những tổ chức và cá nhân có liên quan. Trong xây dựng cơ bản, việc triển khai xây dựng các dự án đầu tư tại khu vực Bãi Dài Bắc bán đảo Cam Ranh, các dự án phát triển nhà ở, khu dân cư tại TP. Nha Trang, Cam Ranh, đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp... còn kéo dài lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân. Người dân nhường đất để triển khai dự án, mòn mỏi chờ cơ hội kiếm việc làm tại các dự án, trong khi đất dự án bỏ hoang nhiều năm mà người dân không có đất sản xuất, gây lãng phí xã hội rất lớn. Năm 2012, UBND tỉnh đã kiên quyết thu hồi 19 dự án kéo dài, không có khả năng triển khai. Ngày 11-3-2013, tại buổi làm việc với các sở, ngành, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, kiên quyết thu hồi những dự án đã gia hạn thời gian xây dựng mà đến nay chưa triển khai hoặc triển khai quá chậm.

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được quan tâm đúng mức nên chưa kiểm tra, giám sát một cách hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các địa phương, đơn vị cũng như của cán bộ, đảng viên. Trong cán bộ, công chức vẫn còn tình trạng sử dụng giờ làm việc không đúng mục đích hoặc chưa tiết kiệm trong sử dụng điện, nước cơ quan...  Một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu trong thực hiện nếp sống văn hóa, việc tổ chức cưới hỏi còn phô trương hình thức, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận, trong đó có cả cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện.

- Theo bà, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị đạt hiệu quả, các cấp, các ngành trong tỉnh cần phải làm gì?

- Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 651 ngày 27-2-2013 chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm nội dung Chỉ thị số 21 đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân trong tỉnh; tiết giảm việc hội họp, chỉ tổ chức họp khi thấy thật sự cần thiết, nội dung cuộc họp phải được chuẩn bị kỹ, thành phần tham dự thiết thực, gọn nhẹ, trong cuộc họp phát biểu tập trung, ngắn gọn, có trọng tâm, trọng điểm. Cán bộ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khi đi công tác cơ sở về phải có thông báo kết luận chỉ đạo giải quyết những vấn đề còn vướng mắc theo chức trách, nhiệm vụ được phân công và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những vấn đề tồn tại. Tổ chức đoàn đi công tác nước ngoài phải xác định mục đích, kế hoạch, nội dung cụ thể của chuyến đi, tránh trùng lắp với các đoàn đi trước. Thành phần tham gia đoàn phải là những người thật sự cần thiết cho công việc, thời gian tổ chức chuyến đi hợp lý, kinh phí sử dụng phải tiết kiệm, trong quy định. Kết thúc chuyến công tác phải có báo cáo kết quả cho cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch căn cứ các văn bản hướng dẫn của cấp trên tham mưu để UBND tỉnh sớm ban hành quy định về việc tổ chức tiệc cưới, lễ tang phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương theo hướng thực hiện nếp sống mới, đồng thời vẫn giữ được văn hóa truyền thống của dân tộc. Chỉ đạo các địa phương không được sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao để sử dụng làm địa điểm kinh doanh hoặc cho thuê làm nhà hàng, nơi tổ chức tiệc cưới, các dịch vụ khác; tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức hoạt động lễ hội ở cơ sở. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan thông tấn, báo chí trong tỉnh tuyên truyền nội dung Chỉ thị số 21; thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền về việc triển khai, thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo tôi, để việc triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, các cấp, các ngành cần chú trọng một số vấn đề sau:

Một là, triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn chỉ đạo nói trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, quán triệt sâu sắc tinh thần Chỉ thị 21-CT/TW của Bộ Chính trị, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và một số văn bản pháp luật liên quan đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Hai là, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW phải gắn với việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết TW 4 (khóa XI) của Đảng Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Xem đây là một tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua hàng năm của các cơ quan, đơn vị và của cán bộ, công chức, đảng viên.

Ba là, tiếp tục thực hiện các quy chế chi tiêu, quy chế dân chủ trong hoạt động cơ quan, đơn vị; sử dụng hiệu quả tài sản và kinh phí ngân sách Nhà nước cấp, bảo đảm thực hiện chống lãng phí, thực hành tiết kiệm một cách thiết thực. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nâng cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên quyết phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, đảng viên không gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Năm là, các cấp ủy đảng tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; các cơ quan thông tấn, báo chí kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, kịp thời phê phán các cơ quan đơn vị, tổ chức, cá nhân có biểu hiện vi phạm, gây thất thoát lãng phí.

Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đi vào cuộc sống từ năm 2005, nhưng lãng phí vẫn là một “căn bệnh” khó điều trị. Do vậy, chống lãng phí cần được thực hiện ở một cấp độ mới, cao hơn, quyết liệt hơn và trước hết là việc thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và cả xã hội đối với vấn đề này. Thẳng thắn nhìn nhận đúng thực trạng lãng phí ở từng địa phương, đơn vị để chúng ta đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới.

- Xin cảm ơn Bà!

Ngọc Khánh (Thực hiện)