Trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, cụ thể hóa các giải pháp này bằng các cơ chế, chính sách.
Trong phiên họp thường kỳ tháng 2 của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP, cụ thể hóa các giải pháp này bằng các cơ chế, chính sách.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ngày 28-2, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2-2013 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhiều kết quả tích cực
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất cho rằng trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm 2013, các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bình ổn giá cả, thị trường, thúc đẩy sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, chuẩn bị cho nhân dân đón Tết Nguyên đán và đã đạt được những kết quả tích cực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 02/2013 tăng 1,32% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất trong 4 năm trở lại đây. Lãi suất huy động ổn định; lãi suất cho vay VND giảm nhẹ so với tháng trước; thị trường ngoại hối diễn biến tương đối ổn định, thanh khoản thị trường tốt.
Hai tháng đầu năm: Xuất siêu: 1,67 tỷ USD; Giải ngân FDI: 1,05 tỷ USD; Tạo việc làm cho 200.000 lao động; Tổng mức bán lẻ: 422,2 ngàn tỷ đồng.
Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 7,5 tỷ USD, giảm 34,63% so với tháng 01/2013; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 38,3%; xuất siêu 900 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu giảm mạnh so với tháng trước chủ yếu do tháng 02/2013 rơi vào tháng Tết Nguyên đán với kỳ nghỉ Tết kéo dài. Tính chung 2 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 18,97 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 17,3 tỷ USD, tăng 10,2%.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong hai tháng đầu năm ước đạt 1,05 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2012.
Về thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tính chung 2 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2012. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tại thời điểm 1/2/2013 giảm 2,8% so với tháng trước. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển ổn định.
Thị trường hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nhộn nhịp hơn, tập trung vào những ngày giáp Tết; nguồn cung về các mặt hàng thiết yếu khá dồi dào, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của người dân, đồng thời, không gây sự tăng giá đột biến. Trong 2 tháng đầu năm, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt trên 422,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2012.
Trong tháng 2, ước tạo việc làm cho khoảng 70.000 lao động; lũy kế 2 tháng đầu năm ước tạo việc làm khoảng 200.000 lao động, đạt 12,5% kế hoạch, trong đó xuất khẩu lao động khoảng 12.000 người.
Trong dịp Tết Nguyên đán, các cấp các ngành đã thực hiện nghiêm túc các Quyết định của Chủ tịch nước và của Thủ tướng Chính phủ về thăm hỏi, tặng quà đến các đối tượng người có công với cách mạng với gần 1,9 triệu người nhận quà, tổng giá trị hơn 393,5 tỷ đồng, cũng như hỗ trợ cứu đói dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt năm 2013 cho 18 tỉnh với 29.092 tấn gạo. Các địa phương cũng đã trích ngân sách địa phương, huy động nguồn xã hội hoá, tổ chức thăm hỏi, tặng quà hơn 800 tỷ đồng.
Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thực hiện cho được mục tiêu kiềm chế lạm phát
Đề cập đến vấn đề về giá cả, lạm phát, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và một số thành viên Chính phủ cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng tháng Tết Nguyên đán Quý Tỵ tăng không cao là nhờ các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, như tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung cầu hàng hóa, chống buôn lậu, trốn thuế, buôn bán hàng giả, hàng nhái... Bên cạnh đó, việc chuẩn bị tốt nguồn cung hàng hóa vào những ngày sát Tết cũng góp phần ổn định giá cả thị trường.
Nguồn: Tổng cục Thống kê |
Nhấn mạnh CPI 2 tháng đầu năm tăng 2,59% là mức tăng thấp trong nhiều năm qua, các thành viên Chính phủ cho rằng không được chủ quan, lơ là, cần hết sức thận trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành về giá cả, tiếp tục tăng cường công tác quản lý thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm nguồn cung cũng như hoạt động lưu thông hàng hóa, nhất là lương thực, thực phẩm... nhằm thực hiện cho được mục tiêu giữ lạm phát của năm 2013 thấp hơn năm 2012.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có các buổi làm việc với các Bộ, ngành hữu quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng như xử lý hiệu quả vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại.
Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, từ giữa tháng 2/2013, các doanh nghiệp triển khai thực hiện mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân 2012 - 2013 theo Quyết định số 311/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hỗ trợ giá lúa tăng lên so với trước, được nông dân đồng tình, phấn khởi.
Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến đến công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm. Bộ trưởng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành hữu quan thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm ở khu biên giới phía Bắc và khu vực biên giới phía Tây Nam.
Về vấn đề đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng cho hay, việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong 2 tháng đầu năm là khá tốt. Tuy nhiên trong dịp Tết Nguyên đán, tình hình tai nạn thông diễn ra khá phức tạp. Theo số liệu thống kê sơ bộ, từ ngày 16-1 – 15-2, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 1.117 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.035 người, làm bị thương 721 người; so với tháng trước, số vụ tai nạn tăng 14,92%; số người chết tăng 16,29%; số người bị thương tăng 24,31%. Nguyên nhân chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông như không chấp hành các tín hiệu đèn giao thông, chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, uống bia rượu và chạy quá tốc độ cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông...
Bộ trưởng Đinh La Thăng đề nghị Chính phủ, Bộ Công an tăng cường trang bị các phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại cho lực lượng cảnh sát tuần tra giao thông cũng như tiếp tục nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi phù hợp cho lực lượng trực tiếp làm công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Các Phó Thủ tướng: Nguyễn Xuân Phúc, Hoàng Trung Hải, Vũ Văn Ninh đề nghị cần khắc phục tình trạng nhiều cơ chế chính sách, đề án lớn chưa được triển khai hoặc triển khai chậm; tăng cường công tác đối thoại, tiếp công dân của các cấp chính quyền; công bố sớm hơn chính sách tạm trữ lúa gạo; đẩy mạnh xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; nhân rộng và phát huy tính hiệu quả của mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp; sớm triển khai các giải pháp hữu hiệu để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho thị trường bất động sản; hướng dẫn các cơ chế cụ thể liên quan đến Nghị quyết số 01 và 02 của Chính phủ; lập phương án dự báo và điều hành giá cả từ nay đến cuối năm, trước mắt là đến tháng 6-2013; tập trung huy động các nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng;…
Ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ cũng đề xuất cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng sức mua, giảm tồn kho; mở rộng thị trường tiêu thụ; xử lý nợ xấu cũng như tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, triển khai có hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đẩy mạnh triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP
Phát biểu kết luận về tình hình kinh tế - xã hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong 2 tháng đầu năm 2013 cho thấy mặt tích cực, mặt được là chủ yếu. Các lĩnh vực đều có những chuyển biến, các Bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, kế hoạch của Bộ, ngành, địa phương mình. Việc chăm lo Tết Nguyên đán cho nhân dân cơ bản đạt yêu cầu, đảm bảo cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh, đầm ấm và tiết kiệm.
Chỉ đạo nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp chính sách đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó cần quan tâm hàng đầu đến thể chế.
Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết muốn đi vào cuộc sống phải được cụ thể hóa hơn nữa. Thủ tướng đưa ra ví dụ: Chủ trương giải quyết nợ xấu, đẩy mạnh xây dựng nhà ở xã hội cũng như tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản... đều được đồng tình, nhưng phải được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, giải pháp để thực hiện có hiệu quả.
Thủ tướng yêu cầu tập trung mạnh vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư, xử lý hàng tồn kho, mở rộng thị trường..., coi đây là cái gốc giữ đà phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế.
Đồng thời, quyết liệt chỉ đạo triển khai đầu tư công và thu hút đầu tư; nhanh chóng xây dựng chương trình, chiến lược, cơ chế thu hút vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững; quan tâm chỉ đạo công tác thu chi NSNN để bảo đảm các cân đối theo kế hoạch, đồng thời giữ được mức bội chi NSNN như đã được thông qua.
Trên cơ sở những kết quả tích cực đạt được và mục tiêu đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô. Kiên quyết, nhất quán thực hiện giá xăng dầu theo thị trường song phải có những cách thức phù hợp để bảo đảm mục tiêu kiềm chế lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp kiểm soát giá cả thị trường, phòng chống buôn lậu; bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá nhất là đối với những mặt hàng thiết yếu.
Ngân hàng Nhà nước quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu thông qua quỹ trích lập dự phòng rủi ro, cơ cấu lại nợ…; theo dõi sát, điều hành và kiểm soát chặt chẽ tỷ giá; hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh…
Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là đối với các người có công, người nghèo, các đối tượng chính sách; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng các cơ chế đặc thù cho đối tượng là đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; quan tâm phát triển y tế, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động thôn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các Bộ, ngành, địa phương quan tâm củng cố quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia; chú trọng giải quyết khiếu nại tố cáo, nhất là giải quyết những vụ khiếu nại tố cáo còn tồn đọng kéo dài, giải quyết ngay ở cấp cơ sở, tránh tình trạng khiếu nại vượt cấp lên Trung ương; dứt khoát kiềm chế cho được tội phạm, chủ động tấn công, trấn áp và phòng ngừa các loại hình tội phạm; tăng cường các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, kiềm chế tai nạn giao thông; thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch bệnh trên người, cây trồng và vât nuôi; đấu tranh, bảo vệ hàng hóa Việt Nam trên thị trường xuất khẩu…
Hoan nghênh các cơ quan thông tấn báo chí đã thực hiện tốt công tác thông tin truyên truyền trong thời gian qua, tạo dư luận tốt trên các mặt, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí chủ động hơn nữa trong công tác thông tin, truyên truyền, góp phần định hướng, tạo đồng thuận xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đã đề ra trong năm 2013 và các năm tiếp theo.
Theo Chinhphu.vn