Nhân dịp chào đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Quý Tỵ 2013, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Báo Khánh Hòa điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.
Nhân dịp chào đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Quý Tỵ 2013, đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đã trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam xung quanh việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội. Báo Khánh Hòa điện tử trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (Ảnh: Hoàng Thùy) |
PV: Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã đặt ra yêu cầu “nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội”, trước hết xin đồng chí đánh giá về những đổi mới và hiệu quả của công tác lập pháp của Quốc hội trong hai năm đầu nhiệm kỳ khoá XIII và phương hướng công tác này trong năm bản lề 2013?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Tiếp tục đổi mới theo tinh thần của Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và các văn kiện khác của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, trong những năm đầu của nhiệm kỳ khoá XIII, Quốc hội đã có những cải tiến, đổi mới cụ thể, từng bước vững chắc trên tất cả các mặt hoạt động của mình. Quyết tâm đổi mới của Quốc hội được cụ thể hóa bằng việc thông qua Nghị quyết số 27/2012/QH13 về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
Trong hoạt động lập pháp, đã tập trung cải tiến, đổi mới theo hướng phát huy hơn nữa vai trò chủ động, tích cực của các chủ thể tham gia vào quá trình lập pháp; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội với Chính phủ, các cơ quan trình dự án ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xây dựng dự án. Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội chủ động triển khai các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn chuyên gia về dự án luật, dự thảo nghị quyết, bảo đảm tính khách quan, toàn diện, khoa học và tính phản biện độc lập của báo cáo thẩm tra. Việc thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết tại kỳ họp được tập trung vào những vấn đề quan trọng, còn có ý kiến khác nhau. Thời gian thảo luận được bố trí hợp lý vào đầu kỳ họp để có thời gian tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội và dự kiến tiếp thu, chỉnh lý. Các ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội được tổng hợp, tiếp thu, giải trình và báo cáo đầy đủ. Nhiều phiên thảo luận về các dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội tại Hội trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước thuận lợi trong việc nắm bắt thông tin và bày tỏ tâm tư, nguyện vọng gửi đến Quốc hội.
Trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ XIII, Quốc hội đã thông qua 27 dự án luật và nhiều nghị quyết quan trọng, trong đó có những đạo luật, nghị quyết lần đầu được Quốc hội thông qua sau nhiều năm chuẩn bị như: Luật biển Việt Nam, Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Các đạo luật và nghị quyết này đã được xem xét một cách thận trọng, với tinh thần đổi mới, bảo đảm sát hợp với thực tiễn cuộc sống, thể chế kịp thời, đúng đắn đường lối, chính sách của Đảng. Đồng thời, để đưa các đạo luật, các nghị quyết vào cuộc sống, Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ, các ngành, các cấp có kế hoạch triển khai đồng bộ để bảo đảm thi hành các đạo luật vừa thông qua.
Đặc biệt, trong năm 2012, Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và Dự án Luật đất đai (sửa đổi). Việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội trong nhiệm kỳ này nhằm thể chế Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hội nhập kinh tế quốc tế và xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong đó, Dự án Luật đất đai (sửa đổi) là một dự án luật quan trọng, tác động trực tiếp đến sự ổn định và phát triển của đất nước, đời sống của nhân dân và có nhiều nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau. Vì vậy, Quốc hội đã đề nghị các cơ quan hữu quan tập trung hoàn thiện dự thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân một cách rộng rãi; nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội tại kỳ họp sau.
Năm 2013 là năm bản lề trong việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Sau 2 năm thực hiện, nhiều chỉ tiêu còn khá thấp so với mục tiêu đề ra. Trong khi đó, đất nước tiếp tục phải dành nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng, xoá đói giảm nghèo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Trước tình hình đó, mục tiêu Quốc hội đặt ra cho năm 2013 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tạo nền tảng phát triển vững chắc hơn cho những năm tiếp theo”. Để đạt được mục tiêu này, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ, các cấp, các ngành, ưu tiên xem xét, thông qua các dự án luật, dự thảo nghị quyết phục vụ cho việc thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, đoàn kết một lòng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, nhất định chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước triển khai có hiệu quả việc tái cơ cấu nền kinh tế, tạo dựng nền tảng để phát triển bền vững hơn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm 2013, góp phần hoàn thành ở mức cao nhất Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015.
P.V: Cử tri và nhân dân cả nước luôn dành sự quan tâm lớn đến công tác giám sát tối cao của Quốc hội, xin Chủ tịch Quốc hội đánh giá về chất lượng của công tác này đối với việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước trong năm 2012 và phương hướng trong thời gian tới?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Giám sát tối cao là một trong ba chức năng cơ bản của Quốc hội. Trong năm 2012, cùng với việc đổi mới và nâng cao hiệu quả của hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội có các giải pháp tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các hoạt động giám sát.
Trong việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đã cùng với Uỷ ban kinh tế, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tích cực tham gia thẩm tra các Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước trình Quốc hội. Nhờ vậy, chất lượng báo cáo thẩm tra toàn diện hơn, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội đối với lĩnh vực mình phụ trách.
Điểm nổi bật trong hoạt động giám sát là hoạt động giải trình tại Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội được đẩy mạnh, tập trung vào những vấn đề nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội, những bất cập về chính sách, pháp luật được dư luận quan tâm. Từ đó, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội đã cùng các bộ, ngành có liên quan làm rõ nguyên nhân, bàn giải pháp kịp thời khắc phục những hạn chế, giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn.
Quốc hội cũng đã tiến hành giám sát tối cao hai chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai”. Sau giám sát, Quốc hội ban hành các nghị quyết về các nội dung này; giúp Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành cũng như đề xuất xây dựng các chính sách có liên quan.
Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có cải tiến, đổi mới theo hướng thực chất hơn, tập trung vào từng nhóm vấn đề, tăng cường đối thoại, tranh luận. Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm của mình, bám sát thực tiễn, cùng các thành viên Chính phủ thảo luận, tranh luận một cách công khai, minh bạch để giải quyết những công việc lớn của đất nước. Việc ban hành Nghị quyết về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục có đổi mới theo hướng xác định rõ trách nhiệm; yêu cầu người đã trả lời chất vấn có biện pháp cụ thể thực hiện những vấn đề liên quan, báo cáo kết quả thực hiện với Quốc hội tại các kỳ họp sau. Hiệu quả hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội nói chung và hoạt động chất vấn nói riêng đã có những tác động thiết thực trong thực tế, góp phần đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống, chấn chỉnh kịp thời những hạn chế trong thực thi pháp luật.
PV: Thưa Chủ tịch Quốc hội, năm 2013, cả hệ thống chính trị của nước ta tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với cương vị là Chủ tịch Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng chí có điều gì nhắn gửi đến cử tri cùng đồng bào ta ở trong và ngoài nước?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Hiến pháp là đạo luật cơ bản của Nhà nước, là văn kiện chính trị - pháp lý quan trọng nhất, thể hiện bản chất dân chủ, tiến bộ của mỗi Nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân, nên phải được toàn dân tham gia đóng góp ý kiến, nhất là khi nước ta là một Nhà nước dân chủ, ở đó tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.
Nghị quyết số 38/2012/QH13 của Quốc hội về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã xác định rõ việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp; đồng thời nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức đối với việc sửa đổi Hiến pháp và thi hành Hiến pháp.
Để phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước, việc tổ chức để nhân dân góp ý kiến xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này được xác định là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong nhân dân, bảo đảm tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp, thiết thực, bảo đảm phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm, tập trung trí tuệ và tránh cách làm hình thức.
Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, bằng tâm huyết và trí tuệ của mình, đồng bào, chiến sĩ cả nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ hưởng ứng và tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp theo đúng mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung lấy ý kiến; tập trung nghiên cứu, thảo luận dân chủ, cởi mở và chân thành xây dựng, vì sự nghiệp chung của Đảng và nhân dân ta; góp nhiều ý kiến cụ thể, thiết thực đề xuất với Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Nhân dịp bước sang năm Quý Tỵ, thay mặt Ủy ban thường vụ Quốc hội, qua Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, tôi gửi lời chúc mừng năm mới đến toàn thể đồng chí, đồng bào ta ở trong nước và nước ngoài. Chúc một năm mới với nhiều thành công mới, mọi gia đình an khang, thịnh vượng!
Theo Báo điện tử ĐCSVN