Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình.
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, sáng 26-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú. Nhiều ý kiến cho rằng một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình.
Ảnh minh họa. (Nguồn: anninhthudo.com.vn) |
Sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú, với các quan điểm chỉ đạo đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ nhằm khắc phục tình trạng lạm dụng các quy định thông thoáng của Luật Cư trú để đăng ký thường trú tại nội thành của các thành phố trực thuộc trung ương, gây mất cân đối về phân bố dân cư và an sinh xã hội, tạo sức ép lên cơ sở hạ tầng, giao thông, trường học, bệnh viện, điện, nước; đồng thời, nhằm nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban pháp luật Quốc hội tán thành với nhiều vấn đề được dự kiến sửa đổi, bổ sung và cho rằng, đây đều là những vấn đề qua quá trình thực hiện cho thấy có những bất cập nhất định cần phải sửa đổi, bổ sung.
Tuy nhiên, theo Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Phan Trung Lý, một số nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật chưa thực sự tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền tự do cư trú của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, mà chủ yếu tạo thuận lợi hơn cho cơ quan quản lý nhà nước.
Cấm hay không?
Về việc bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, Khoản 1 Điều 1 của dự thảo Luật đã bổ sung một số hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có quy định nghiêm cấm ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động, nhưng thực tế người này không làm việc tại doanh nghiệp đã ký hợp đồng đó hoặc ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn đối với người lao động không thuộc doanh nghiệp của mình để người này nhập hộ khẩu vào thành phố trực thuộc trung ương.
Bàn về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho hay: Cần phải xem lại phạm vi điều chỉnh của Luật Cư trú. Theo ông Nguyễn Văn Hiện, điều kiện để đăng ký thường trú có rất nhiều điều kiện. Có thể người ta giả mạo các điều kiện đó để đăng ký thì cấm là cấm những hành vi giả mạo trên chứ không phải cấm họ kí hợp đồng lao động. “Quyền cơ bản của con người là phải được đăng ký thường trú.” - ông Nguyễn Văn Hiện nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng việc bổ sung nghiêm cấm hành vi này để làm cơ sở pháp lý cho việc xử lý những hành vi trái pháp luật về cư trú là cần thiết, tuy nhiên cách trình bày như trên dễ gây hiểu lầm là gây khó khăn cho người dân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét: Đây là quyền của công dân theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, nên không được cấm đoán. Quản lý chặt chẽ là cần thiết nhưng vẫn phải tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thông qua việc đơn giản hóa thủ tục đăng ký, khuyến khích được người dân đến thực hiện các thủ tục này với cơ quan quản lý.
Bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân
Quy định xóa tên người dân trong hộ khẩu thường trú trong một số trường hợp (như khi đi công tác nước ngoài từ hai năm trở lên, đi nghĩa vụ quân sự hoặc chấp hành hình phạt tù...) cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều thành viên UBTVQH. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gợi ý: Thay vì “xóa tên”, hoàn toàn có thể cập nhật thông tin vào sổ hộ khẩu với thủ tục nhanh chóng, thuận tiện.
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện lại đặt câu hỏi: Đây là quyền con người, bất khả xâm phạm. Đăng ký thường trú và thường trú là hai khái niệm khác nhau. Tại sao lại phải “xóa tên”? Điều này theo lý giải của ông Nguyễn Văn Hiện là chưa thực sự phù hợp, không bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân đã được quy định trong Hiến pháp và cũng chưa làm rõ được nội hàm của quy định này.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng đưa quan điểm: “Xóa đăng ký thường trú chính ra là tự làm khó cho công tác quản lý”. Mặt khác, theo bà Mai, quy định về việc xóa đăng ký tạm trú sau đó lại cho phép đăng ký thường trú lại tạo ra thủ tục hành chính rườm rà, gây tốn kém về thời gian và chi phí cho cả công dân và cơ quan quản lý nhà nước.
Một số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị không nên quy định xóa đăng ký thường trú đối với những người phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ. Bởi vì quy định này không bảo đảm yêu cầu về mục đích giáo dục người phạm tội cũng như tính nhân văn của biện pháp này và gây khó khăn trong việc tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội, nhất là đối với những người chỉ phải chấp hành hình phạt tù trong thời gian ngắn.
Theo Báo điện tử ĐCSVN