11:02, 11/02/2013

Một số điểm mới trong chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng

Cách đây một năm, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã thống nhất cao về việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”(Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012).

Cách đây một năm, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) đã thống nhất cao về việc ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”(Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16-1-2012). Nhìn lại một năm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và những việc đã làm, cho thấy, việc chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết lần này có một số nội dung, cách làm mới và khác so với các lần trước đây; đồng thời, thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban Bí thư. Cụ thể là:

1. Sau khi có Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhanh, tương đối đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương để thực hiện như: Nghị quyết Trung ương ban hành ngày 16-1-2012 thì Bộ Chính trị có Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 24-2-2012 và Kế hoạch số 08-KH/TW ngày 12-3-2012 về việc thực hiện Nghị quyết; các ban đảng Trung ương đều có các hướng dẫn tiếp theo, trong đó có Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW ngày 14-3-2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng” để thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.

 

Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng - Ảnh: CPV
Toàn cảnh Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) của Đảng - Ảnh: CPV

2. Bộ Chính trị tổ chức hai Hội nghị với các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phổ biến, quán triệt nội dung Nghị quyết và phương châm, phương pháp tiến hành, tạo sự thống nhất tư tưởng, hành động trong toàn Đảng và phát huy vai trò nòng cốt, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước đã nghỉ hưu.

3. Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc trong 03 ngày để học tập, quán triệt Nghị quyết với hơn 1.400 cán bộ tham dự gồm: Ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và lãnh đạo chủ chốt của các ban, bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương. Đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp quán triệt Nghị quyết và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của Hội nghị; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chấp hành Trung ương đều tham dự đầy đủ.

4. Bộ Chính trị phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban, cơ quan đảng ở Trung ương khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các đề án nhằm thể chể hoá, cụ thể hoá nội dung Nghị quyết bằng các quy định, quy chế, hướng dẫn để thực hiện như: Thành lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương và Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng; Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; Quy định về việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; Quy định việc lấy phiếu tín nhiệm hàng năm đối với các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội…

5. Bộ Chính trị thành lập Bộ phận Thường trực giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gồm: đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng ban Dân vận Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ban Bí thư thành lập Tổ giúp việc Bộ phận Thường trực, gồm một số đồng chí là cán bộ lãnh đạo cấp Vụ ở các ban đảng Trung ương và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, do một đồng chí Phó chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Tổ trưởng.

6. Trước khi chuẩn bị kiểm điểm của tập thể và cá nhân ở các cấp, các cấp ủy đều tổ chức lấy ý kiến đóng góp của cấp trên, các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc và của cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp đó đã nghỉ hưu, bằng các hình thức phù hợp. Sau đó, cấp ủy tập hợp, tổng hợp trung thực, đầy đủ, chính xác các ý kiến đóng góp để những tập thể, cá nhân có liên quan chuẩn bị báo cáo giải trình và làm rõ mức độ đúng, sai. Qua việc lấy ý kiến, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương đã nhận được hàng nghìn ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là của các đồng chí nguyên là cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước.

7. Khi tiến hành kiểm điểm, việc tự phê bình và phê bình được tiến hành từ trên xuống dưới; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình có trọng tâm, trọng điểm, bình tĩnh, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội, hình thức và với phương châm “trị bệnh, cứu người”. Việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm của tập thể và cá nhân tập trung vào 03 vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng mà Nghị quyết Trung ương 4 đề ra và quá trình kiểm điểm của tập thể cũng là quá trình mỗi cá nhân tự liên hệ và bổ sung, hoàn thiện bản kiểm điểm của cá nhân mình.

8. Tập thể và cán bộ, đảng viên nào có vấn đề nổi cộm, dư luận bất bình thì cấp trên gợi ý kiểm điểm; tập thể và cá nhân được gợi ý phải có báo cáo giải trình và tập trung kiểm điểm để làm rõ mức độ đúng, sai.

9. Sau kiểm điểm, cấp ủy có kết luận về ưu điểm, khuyết điểm của tập thể và từng cá nhân. Những vấn đề nào đã rõ thì kết luận ngay; những vấn đề nào chưa rõ thì giao cho cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh và làm rõ đúng sai trước khi cấp ủy kết luận.

10. Sau khi kiểm điểm ở mỗi cấp, kết quả kiểm điểm phải được cấp ủy cùng cấp cho ý kiến và báo cáo với cấp ủy cấp trên và thông báo kết quả kiểm điểm cho những tập thể, cá nhân đã đóng góp ý trước khi kiểm điểm bằng các hình thức phù hợp. Cấp ủy cấp trên nhận xét và kết luận về kết quả kiểm điểm của cấp dưới.

Theo Báo điện tử ĐCSVN