04:02, 21/02/2013

Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Về vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam

Ngày 19-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các thời kỳ

Ngày 19-2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị trong Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ; Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, có trách nhiệm.

Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: TH
Các đại biểu trao đổi tại Hội nghị - Ảnh: TH

Các đồng chí: Huỳnh Đảm, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Vũ Trọng Kim, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Góp ý tại Hội nghị, hầu hết các ý kiến đều đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, vừa kế thừa được các thành tựu các bản Hiến pháp trước đó cũng như xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng, Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

GS.TS Nguyễn Duy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn cho rằng, Điều 21, trang 53 bổ sung: "Mọi người có quyền sống" là chưa đủ, bởi ngoài quyền sống, mọi người có quyền được học tập, lao động, mưu cầu hạnh phúc. Cùng với đó, phần 3, Điều 27, trang 55: "Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới" cũng chưa đủ, bởi không chỉ có cấm mọi hành vi phân biệt về giới mà phải có cả màu da, dân tộc.

Về vấn đề thành lập Hội đồng Hiến pháp, các đại biểu cho rằng, đây là thiết chế mới, lần đầu tiên xuất hiện trong Hiến pháp nước ta với ý nghĩa là cơ quan kiểm soát việc thực hiện quyền lực nhà nước, bảo đảm sự đúng đắn và thượng tôn Hiến pháp - văn bản có giá trị pháp luật cao nhất. Hội đồng Hiến pháp phải có thực quyền ngay cả khi Quốc hội ban hành trái luật thì cũng có quyền bác bỏ. Các đại biểu hy vọng rằng, tại văn bản luật định này, sẽ xác định cụ thể những nội dung trên theo hướng bảo đảm để Hội đồng Hiến pháp có cơ cấu gọn nhẹ, hoạt động có hiệu quả.

Góp ý vào Điều 4, ông Trần Đình Phùng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhất trí, tiếp tục khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn vấn đề Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng và khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam. Đảng phải nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đặt ra. Phải phòng và chống những nguy cơ, suy thoái biến chất của cán bộ, đảng viên và cần thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp sửa đổi.

Cũng góp ý vào Điều 4, PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh đến khoản 3: "Các tổ chức của Đảng và đảng viên hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật". Theo ông, trình bày như vậy chưa thể hiện được bổn phận Đảng cầm quyền, đây lại là bổn phận rất quan trọng. Ông Phạm Xuân Hằng đề nghị thay bằng vai trò lãnh đạo của Đảng được đảm bảo bằng pháp luật. Viết như vậy mới tạo được cơ sở để cán bộ, đảng viên chịu trách nhiệm trước hành vi của mình, nếu không sẽ chung chung.

Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết,  có trách nhiệm - Ảnh: TH
Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến trao đổi thẳng thắn, tâm huyết, có trách nhiệm - Ảnh: TH

Đáng chú ý, vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được thể hiện trong Điều 9 cũng được nhiều đại biểu tham gia góp ý. Các đại biểu cho rằng: MTTQ có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, việc thể chế một số mặt, đặc biệt vai trò giám sát chưa xứng đáng và sát với tình hình thực tế.

 PGS.TS Phạm Xuân Hằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, để xứng tầm với vị trí của MTTQ Việt Nam, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng ta lãnh đạo. Việc tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân chỉ có thể có được trên nền thực hành dân chủ. Khoản 3 của Điều 9 chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo ra cơ chế xin - cho.

Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh góp ý, cần làm rõ quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp…

Tất cả các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức tiếp thu và chuyển đến những cơ quan liên quan và Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Theo Báo điện tử ĐCSVN