11:08, 08/08/2012

Các doanh nghiệp vận tải chưa tăng giá vé

Kể từ ngày xăng tăng giá lần gần đây nhất (ngày 1-8), hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ vận tải lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có ý định tăng giá cước, tuy nhiên một số loại hình dịch vụ vận tải nhỏ, lẻ như xe ôm, xe tải nhỏ… đã tăng giá cước sau đó 1 ngày.

Kể từ ngày xăng tăng giá lần gần đây nhất (ngày 1-8), hầu hết các doanh nghiệp dịch vụ vận tải (DNDVVT) lớn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn chưa có ý định tăng giá cước, tuy nhiên một số loại hình DVVT nhỏ, lẻ như xe ôm, xe tải nhỏ… đã tăng giá cước sau đó 1 ngày.

. Giá cước vẫn giữ nguyên

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến chiều 6-8 (sau gần 1 tuần tăng giá xăng dầu), các DNDVVT lớn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa tăng giá cước vận tải. Hầu hết các DN đang chờ xem giá xăng dầu có biến động nữa hay không mới tính đến việc điều chỉnh tăng hay giảm giá DVVT. Ông Nguyễn Công Hải - Trưởng Bến xe phía Nam TP. Nha Trang cho biết: “Đến thời điểm này, bến chưa nhận được bất kỳ văn bản thông báo tăng giá vé nào từ các DNDVVT khách. Hiện toàn bộ giá vé tuyến cố định đi các tỉnh, thành vẫn được các bến xe niêm yết đúng giá. Tính từ đầu năm đến nay, sau nhiều lần tăng giá xăng dầu, một số DN tăng giá từ 10.000 - 20.000 đồng/vé xe giường nằm. Đây là mức tăng cao nhất của các DN vận tải khách hoạt động tại bến, không kể ngày lễ, Tết”.

Ông Lê Minh Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang Chi nhánh Nha Trang cho biết, chỉ sau 10 ngày kể từ lần tăng giá ngày 20-7, giá bán lẻ xăng trong nước tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm 900 đồng/lít. Đây là lần tăng giá thứ tư kể từ đầu năm đến nay và là lần tăng giá thứ hai sau 5 lần giá xăng dầu được điều chỉnh giảm liên tiếp (trong hai tháng 5 và 6-2012). Như vậy, chỉ trong 7 tháng, giá nhiên liệu được điều chỉnh tăng giảm tới 9 lần. Trước tình hình giá xăng dầu tăng, giảm liên tục như vậy, không chỉ Phương Trang mà các DNDVVT khác cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Bởi, mỗi lần giá xăng dầu tăng hay giảm, các DN đều phải thận trọng khi đưa ra mức tính giá cước thích hợp nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và giữ chân khách hàng. Riêng Phương Trang, từ đầu năm đến nay chỉ điều chỉnh giá vé tăng từ 190.000 đồng lên 210.000 đồng/vé giường nằm tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh (so với trước Tết tăng 20.000 đồng/vé). Sau lần giảm giá xăng dầu gần đây, DN đang làm thủ tục để hạ giá vé thì trong lúc ấy giá xăng lại tăng nên DN đang theo dõi diễn biến thị trường xăng dầu rồi mới đưa ra quyết định tăng hay giảm giá vé trong thời gian tới. Mỗi lần điều chỉnh giá cước, DN đều phải cân nhắc kỹ càng, chỉ khi mức tăng giá xăng dầu ảnh hưởng lớn đến doanh thu thì DN mới tăng giá cước.

 Hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách vẫn giữ nguyên giá vé nhằm giữ chân hành khách.

 Hầu hết các doanh nghiệp vận tải khách vẫn giữ nguyên giá vé nhằm giữ chân hành khách.

Không chỉ các DNDVVT khách mà ngay cả các DN vận chuyển hàng hóa cũng chưa có ý định điều chỉnh giá cước vận chuyển, bởi ngoài bình ổn giá thành để cạnh tranh, các DN còn phải thực hiện xong các hợp đồng đã ký với khách hàng trước đó. Vì vậy, vào thời điểm này, các DN vẫn chưa có ý định tăng giá cước. Tương tự, các hãng taxi trên địa bàn tỉnh cũng chưa có ý định tăng giá cước. Hầu hết các hãng đều cho rằng, sau những lần tăng giá xăng trước đó, họ đã điều chỉnh giá cước, vì vậy việc tăng giá xăng dầu lần này chưa ảnh hưởng lớn đến doanh thu của DN.

. Các loại hình dịch vụ vận tải nhỏ lẻ đã tăng giá

Trong khi hầu hết DN vận tải lớn rất thận trọng với việc điều chỉnh giá cước DVVT thì loại hình vận tải bình dân không chịu sự quản lý về giá của Nhà nước như xe ôm, xe tải nhỏ… đã tăng giá cước. Anh Trọng - người hành nghề xe ôm đã nhiều năm tại khu vực Công viên Phù Đổng (đường Trần Phú) cho biết: “Sau hai lần tăng giá xăng dầu gần đây, hầu hết các xe ôm đều đã điều chỉnh tăng giá từ 1.000 - 1.500 đồng/km”. Còn anh Hoàng Anh (đường Hoàng Diệu) - chủ xe vận tải nhỏ, chuyên chở hàng hóa thì cho biết, sau khi giá xăng dầu tăng vài ngày, anh đã tăng giá vận chuyển một chuyến lên từ 20.000 đồng - 45.000 đồng tùy quãng đường. “Thực ra chúng tôi cũng không muốn tăng giá cước vận chuyển, nhưng giá xăng dầu tăng kéo theo các chi phí khác như xăm, lốp, nhớt, phụ tùng xe… cũng tăng, vì vậy không tăng giá cước sao đủ sống?”. “Cách đây nửa tháng, tôi thuê xe tải nhỏ, chuyển đồ từ phòng trọ ở đường Phòng Không sang đường Trần Phú (Nha Trang) hết 185.000 đồng/chuyến. Trong khi cách đây hai ngày, cậu bạn tôi chuyển đồ tới khu tôi ở (quãng đường giống nhau) và cũng chính xe tải ấy nhưng giá đã tăng lên 225.000 đồng/chuyến. Tôi hỏi thì chủ xe nói rằng tăng giá cao như vậy do giá xăng dầu tăng”, anh Chương - nhân viên một công ty thủy sản tại Nha Trang chia sẻ.

Theo bà Mai - chủ một sạp rau tại chợ Hoàng Diệu (Nha Trang), sau 1 ngày xăng tăng giá, xe vận chuyển rau cho bà cũng tăng giá cước thêm 15.000 đồng/chuyến. “Do xăng tăng giá, món gì cũng tăng theo nên chúng tôi mới phải tăng giá chở hàng cho đủ sống, chứ có ai muốn tăng giá đâu” - anh Tuấn, tài xế chở rau cho bà Mai nói.

Thực tế, mỗi khi xăng dầu tăng giá thì giá cả dịch vụ và các mặt hàng đều tăng theo, nhưng khi xăng dầu giảm giá thì chẳng thấy ai giảm giá. Đây chính là nghịch lý của thị trường tiêu dùng mà người dân đang phải gánh chịu.

KHÁNH HÀ