Tuy ngành chức năng khẳng định tại Khánh Hòa chưa phát hiện phân bón giả, hóa chất giả nhưng một số người dân vẫn cho rằng họ mua phải loại hàng dỏm.
Tuy ngành chức năng khẳng định tại Khánh Hòa chưa phát hiện phân bón giả, hóa chất giả nhưng một số người dân vẫn cho rằng họ mua phải loại hàng dỏm. Trong khi công tác thanh tra, kiểm soát thị trường phân bón, hóa chất nông nghiệp còn nhiều bất cập, đặc biệt là thiếu kinh phí trong việc phân tích mẫu thì ý thức của người sử dụng cần được nâng cao.
. Hàng giả vẫn trôi nổi
Thời gian qua, nhiều nơi trên địa bàn cả nước rộ lên việc buôn bán, sử dụng phân bón giả, hóa chất nông nghiệp kém chất lượng. Lực lượng chức năng đã triệt phá nhiều vụ việc liên quan đến nạn sản xuất, phân phối hàng giả, hàng kém chất lượng trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng thị trường hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn chưa dừng lại. Trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm này, tuy ngành chức năng khẳng định chưa phát hiện phân bón giả nhưng nông dân cho rằng đã có lúc họ mua phải hàng giả. Một số bà con tại Cam An Bắc (Cam Lâm, Khánh Hòa) phàn nàn về việc mua phân bón, hóa chất dỏm tại một số cửa hàng vật tư nông nghiệp trong vùng. Kết quả là, sau nhiều ngày bón, cây trồng càng tệ hơn, khi đào lên thì thấy phân vẫn còn đấy, không tan; hay Paclobutazol - một hóa chất thường dùng để kích thích xoài ra hoa trái vụ, xịt bao nhiêu cũng không có tác dụng.
Khi mua phân bón, vật tư hóa chất nông nghiệp, nông dân cần xem kỹ nhãn mác, chọn hãng có uy tín để tránh hàng giả, hàng kém chất lượng |
Mới đây, nông dân Khánh Sơn lại phàn nàn về việc mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Ông T.X.T (thôn Cam Khánh, Sơn Lâm, Khánh Sơn) cho biết, vào tháng 5-2012, ông có mua phân NPK Philippines tại một đại lý ở xã Cam Phước Đông (Cam Ranh) với số lượng 500kg (10 bao) để bón cho vườn cà phê. Tuy nhiên, sau khi bón 1 tuần, qua kinh nghiệm, ông T. nhận thấy phân bón này không có tác dụng, mặc dù nhìn bên ngoài không thể phân biệt với phân bón thật. Ông T. phản ánh với đại lý nhưng chủ đại lý vẫn khăng khăng là mình không bán phân bón giả. Vì là chỗ làm ăn quen biết nên ông T. cũng cho qua chuyện này. Theo ông T., một số người xung quanh cũng mua phải hàng dỏm như ông tại một đại lý ở Khánh Sơn như ông Nguyễn Minh Đằng (Sơn Lâm), Nguyễn Quốc Bảo (Sơn Bình). Và thế là nông dân lại “tiền mất tật mang”.
Một ngày cuối tháng 7, chúng tôi đến quầy bán lương thực tại chợ Cam Đức (Cam Lâm), bên trong có bán cả phân bón chia thành các túi nhỏ. Tuy giá không khác các đại lý nhưng khi chúng tôi đề nghị cho xem nguyên bao phân (NPK Đầu Trâu 3 màu) thì chủ cơ sở ngăn lại với lý do không quen biết nên không được phép (?!). Điều này cho thấy việc buôn bán phân bón của cơ sở này có dấu hiệu không ổn.
. Thiếu kinh phí trong việc phân tích mẫu
Ông Đặng Quốc Phú - Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, nạn buôn bán phân bón giả, kém chất lượng trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp. Năm 2011, thanh tra kiểm tra 21 mẫu thì phát hiện có 12 mẫu không đạt. Trước tình hình đó, Thanh tra đã đề nghị Sở NN-PTNT tổ chức ngay hội thảo về phân bón, mời các doanh nghiệp và nhà khoa học có uy tín đến hướng dẫn các đại lý và bà con nông dân biết cách phòng tránh. Đến nay, khi lực lượng Thanh tra kiểm tra lại thì không còn phát hiện việc vi phạm, các đại lý chỉ sử dụng hàng hóa của các đơn vị có uy tín như: 5 sao, Bình Điền… Ông Phú cũng cho biết, nhiều cơ sở nhập nguyên liệu từ nước ngoài về đóng gói nên không bảo đảm các tiêu chuẩn. Hơn nữa, trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, các cơ sở không ngại việc giảm bớt hàm lượng để có lãi, trong khi lực lượng Thanh tra khó phát hiện bằng mắt thường. Tuy nhiên, việc sản xuất, buôn bán phân bón, hóa chất giả, kém chất lượng cũng đã giảm thiểu. Hàng hóa vi phạm thường về nhãn mác, chất lượng, sang chiết, đóng gói không bảo đảm hàm lượng hay rơi vào các cơ sở nhỏ; các công ty có uy tín, đầu tư công nghệ bài bản thì không xảy ra điều này.
Tuy nhiên, ông Phú cũng thừa nhận, Thanh tra Sở NN-PTNT đang gặp nhiều khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm soát như: kinh phí kiểm nghiệm quá ít (50 triệu đồng/năm) trong khi chủng loại hàng hóa nhiều, phong phú, đa dạng; giá thành kiểm tra mẫu cao (0,7 triệu đồng/mẫu); chỉ những đơn vị được Bộ NN-PTNT chỉ định mới được kiểm nghiệm… Vì thế, lực lượng Thanh tra rất dè dặt trong việc gửi mẫu kiểm nghiệm. Điều này gây khó khăn trong việc phát hiện hàng giả, hàng kém chất lượng.
Để đấu tranh với nạn phân bón giả, phân bón, hóa chất kém chất lượng, nâng cao nhận thức của người mua - bán, sử dụng, Thanh tra Sở NN-PTNT Khánh Hòa đã ký kết Chương trình hành động phối hợp với Thanh tra Sở NN-PTNT các tỉnh phía Nam để trao đổi thông tin, xử lý kịp thời các vụ việc buôn bán hàng giả. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền đối với người sử dụng; khuyến cáo đại lý và bà con nông dân chỉ sử dụng hàng hóa có chất lượng và mua hàng của các doanh nghiệp có uy tín…
H.A