Trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ dẫn đến tử vong vừa xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đã khiến gia đình, người thân sản phụ bất bình, bởi họ cho rằng, đội ngũ y, bác sĩ đã không quan tâm đúng mức.
Trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ dẫn đến tử vong vừa xảy ra tại Diên Khánh (Khánh Hòa) đã khiến gia đình, người thân sản phụ bất bình, bởi họ cho rằng, đội ngũ y, bác sĩ đã không quan tâm đúng mức.
8 giờ liền không được thăm khám
Khoảng 18 giờ ngày 25-8-2012, chị Hồ Thị Giang Phượng (26 tuổi, ở thị trấn Diên Khánh, Khánh Hòa) được người nhà đưa đến Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Diên Khánh khi có dấu hiệu chuyển dạ, chuẩn bị sinh con đầu lòng. Tại đây, các bác sĩ đã khám và nhận định, thai nhi vẫn bình thường, cổ tử cung mới mở được 1cm, và cho bệnh nhân về.
Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, 26-8-2012, chị Phượng lại vào nhập viện vì những cơn co thắt trở nên thường xuyên và đau đớn hơn. Theo anh Triệu Cẩm Vân, chồng chị Phượng: “Vợ tôi rất đau đớn. Nhưng không biết có phải do là ngày Chủ nhật mà từ khi nhập viện cho đến khoảng 14 giờ cùng ngày, tôi chỉ thấy lâu lâu có các y tá ghé qua mà không hề thấy bác sĩ nào tới thăm khám cho vợ tôi. Khoảng sau 14 giờ, tôi mới thấy bác sĩ. Rồi bỗng nhiên thấy các y tá, bác sĩ nháo nhác, chạy ngược chạy xuôi. Sau đó, họ kết luận thai nhi đã tử vong. Vợ tôi được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Khánh Hòa lúc 16 giờ”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Phụ Sản BVĐK tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Bệnh nhân Hồ Thị Giang Phượng được chuyển tới BVĐK tỉnh lúc 16 giờ 17 phút ngày 26-8-2012 với chẩn đoán của TTYT Diên Khánh là tim thai âm tính. Người nhà bệnh nhân yêu cầu mổ để lấy cháu bé. Sau quá trình siêu âm, xét nghiệm, hội chẩn, ca mổ được tiến hành lúc 18 giờ cùng ngày. Nguyên nhân dẫn đến cái chết của thai nhi được xác định là do dây rốn quấn cổ 3 vòng, lại thắt nút. Dây rốn vừa quấn cổ vừa thắt nút là hiện tượng hiếm gặp trong y khoa. Trường hợp rốn thắt nút không phát hiện được trên siêu âm. Các biểu hiện của cả mẹ và con đều không bất thường, tức là không có dấu hiệu gì để can thiệp. Giai đoạn tiền chuyển dạ, nút thắt rốn còn lỏng, nhưng sau đó, nút thắt sẽ càng chặt và tiến trình ấy chỉ diễn ra trong khoảng 5 phút, rất khó phát hiện để xử lý kịp thời”.
Cũng theo bác sĩ Tâm, dây rốn nối giữa mẹ và con là đường cung cấp dưỡng khí, chất dinh dưỡng để nuôi sống bào thai, thường dài khoảng 50 - 60cm. Dây rốn quấn cổ là trường hợp xảy ra bình thường trong quá trình mang thai. Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 30% trường hợp phụ nữ mang thai có dây rốn quấn quanh cổ bé. Bác sĩ Tâm cho biết thêm, dây rốn quấn cổ 2 vòng, 3 vòng, thậm chí 5 vòng, sản phụ vẫn có thể sinh bình thường.
Nhưng y khoa cũng khuyến cáo, những trường hợp bị dây rốn quấn cổ cần được theo dõi sát sao hơn, đặc biệt trong thời kỳ chuyển dạ, chuẩn bị sinh. Đây là giai đoạn co thắt, các vòng quấn quanh cổ thai nhi có thể siết chặt hơn; nếu có nút thắt thì nút thắt đó cũng siết chặt hơn, nên sản phụ cần được theo dõi liên tục. Phương pháp thường được áp dụng là đặt máy theo dõi tim thai để có hướng xử lý kịp thời khi nhịp tim thai có dấu hiệu suy giảm.
“Giá như họ tận tâm hơn…”
Trưa 27-8, tức là gần 1 ngày sau khi xảy ra sự cố, khi chúng tôi liên lạc với TTYT huyện Diên Khánh thì được Giám đốc Trung tâm cho biết, hồ sơ bệnh án còn nằm dưới bộ phận sản khoa và Trung tâm đang chờ kết luận của BVĐK tỉnh. Đến sáng 28-8, khi chúng tôi liên lạc lại thì được biết, lãnh đạo Trung tâm đang họp giao ban nên không thể gặp phóng viên.
Gia đình anh Triệu Cẩm Vân, chị Phượng hết sức bất bình trước thái độ của TTYT huyện Diên Khánh. Vẫn biết đây là một trường hợp hiếm gặp, khó xử lý bởi không có dấu hiệu nhận biết, nhưng việc một sản phụ nhập viện từ 6 giờ đến tận 14 giờ, có biểu hiện rất đau đớn mà không hề được bác sĩ quan tâm thăm khám là không bình thường. Nhất là khi các bác sĩ biết rõ đây là trường hợp thai nhi bị dây rốn quấn cổ, cần được theo dõi sát sao. Anh Triệu Cẩm Vân trao đổi với chúng tôi trong nghẹn ngào: “Cả gia đình nội ngoại đều đã sẵn sàng chuẩn bị đón thành viên mới. Thật không gì bù đắp được nỗi đau mà chúng tôi phải gánh chịu. Nhưng giá như các bác sĩ ở Trung tâm kịp thời hơn, tận tâm hơn, thì dù có xảy ra sự cố, chúng tôi cũng dễ chấp nhận và thấy được an ủi. Gia đình chúng tôi mong Trung tâm này chấn chỉnh, để các trường hợp sau này không phải chịu nỗi đau như gia đình chúng tôi”.
H.Đ