Chuyện thực phẩm bẩn đã và đang trở thành một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng này…
Chuyện thực phẩm bẩn đã và đang trở thành một vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn để ngăn chặn tình trạng này…
Một trong những đề tài thường hay được nhiều người bàn tán trong các quán cà phê là tình trạng thực phẩm bẩn. Anh bạn tôi chặc lưỡi: “Bây giờ, thấy cái gì cũng độc hại. Uống cà phê thì sợ làm từ đậu nành rang cháy, không biết bao nhiêu chất gây ung thư, ăn thịt thì sợ thịt có chất tạo nạc hoặc thịt thối, ăn cá sợ cá ướp phân urê, rau nhiễm hóa chất… Thật chẳng biết ăn cái gì cho an toàn”. Tôi còn nhớ vụ thực phẩm bẩn gây sốc dư luận đầu tiên là bánh phở có ngâm phooc-môn cách đây khoảng 15 năm. Tiết lộ trên đã khiến nhiều người kinh sợ. Sau thời điểm đó, tần suất các thực phẩm bẩn bị điểm mặt tăng lên nhanh chóng từ trái cây tẩm hóa chất để tươi lâu, thực phẩm có hàn the, thịt cá tẩm urê rồi rau củ quả có chất tăng trưởng; mới đây là dầu ăn tái chế, thịt thối, chân gà thối ngâm hóa chất, heo có chất tạo nạc, cà phê dỏm, ô mai có chất độc, giá tẩm hóa chất… Báo chí phản ánh nhiều, cơ quan chức năng cũng vào cuộc, tuyên truyền có, chặn bắt, xử phạt có…, thế nhưng tình trạng này vẫn diễn ra. Vì thế, chuyện hôm nay xuất hiện thông tin một loại rau có chất độc nào đó hay ngày mai có thông tin thịt bị tẩm hóa chất thì cũng không còn gây sốc cho người tiêu dùng như xưa. Nó cũng khiến mọi người chú ý một chút rồi sau đó lại lặng xuống giống như một hòn đá ném xuống ao vậy.
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, thái độ bình thường này không phải là sự coi thường mà là sự cam chịu của người tiêu dùng trước tình trạng thực phẩm bẩn. Xét cho cùng, vấn đề này liên quan đến rất nhiều lĩnh vực. Trước hết, đó là vấn đề về sức khỏe giống nòi. Chưa có một thống kê nào cho thấy sự liên quan giữa thực phẩm bẩn và thể trạng, sức khỏe của người dân. Có thể nhận thấy ngày nay, chúng ta phải chi rất nhiều tiền để chữa trị cho những căn bệnh của cuộc sống hiện đại. Những bệnh như ung thư, béo phì, tim mạch, tiểu đường, gút, gan, thận… gia tăng do liên quan trực tiếp đến những thực phẩm mà chúng ta dung nạp hàng ngày. Đó là chưa kể những thay đổi của nội tiết tố do ăn phải những thực phẩm độc hại với liều lượng thấp trong một thời gian dài. Sự thay đổi nội tiết tố khiến cơ thể có thể phát dục sớm, hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường về cơ thể. Đó là chưa kể điều đó sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giống nòi của những thế hệ tiếp theo.
Một vấn đề nữa là trách nhiệm của các cơ quan có liên quan. Vấn đề an toàn thực phẩm đã được Đảng và Nhà nước rất quan tâm mà cụ thể Quốc hội đã ban hành Luật an toàn thực phẩm có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Trong đó, việc xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể về bảo đảm an toàn thực phẩm, quy hoạch vùng sản xuất thực phẩm an toàn theo chuỗi cung cấp thực phẩm được xác định là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên.
Bên cạnh đó, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành và chính quyền địa phương được quy định rất cụ thể để thực hiện chiến lược trên. Theo đó, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thân, Bộ Công Thương và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm rất lớn trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy việc triển khai tương đối kịp thời nhưng rải rác một số nơi vẫn còn xuất hiện tình trạng thực phẩm bẩn. Điều này chứng tỏ công tác quản lý còn lỏng lẻo, chưa nghiêm.
Tuy nhiên, nguồn gốc sâu xa của vấn đề trên vẫn là tâm lý hám lợi của một bộ phận không nhỏ các nhà sản xuất, thương nhân. Dĩ nhiên, ai cũng biết tác hại của các loại thực phẩm bẩn, thế nhưng vì lợi nhuận, nhiều người sẵn sàng vi phạm Luật An toàn thực phẩm khi sử dụng hóa chất, nguyên liệu bẩn để sản suất thực phẩm. Nhiều doanh nghiệp nhập các loại thực phẩm bẩn để phấn phối cho người tiêu dùng, bất chấp các tác hại về sức khỏe. Họ mất cảnh giác, thậm chí tiếp tay những ý đồ thâm độc của những kẻ cung cấp miễn sao thu được lợi nhuận. Bởi thế các hóa chất độc hại giá rẻ hoặc những loại thực phẩm bẩn mới tràn ngập thị trường.
Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm xã hội của công dân kém một phần cũng do công tác tuyên truyền giáo dục chưa tốt. Ngoài việc truyền truyền để nâng cao nhận thức, nâng cáo trách nhiệm xã hội của công dân trong lĩnh vực an toàn thực phẩm cần có những biện pháp mạnh để răn đe những kẻ vi phạm pháp luật. Cho đến nay, những vụ việc vi phạm về thực phẩm, gây tác hại rất lớn cho xã hội được xét xử nghiêm khắc vẫn chưa nhiều nên ít có tác dụng ngăn chặn tình trạng trên.
Khi xã hội phát triển, chúng ta có quyền được hưởng thụ những điều kiện sống tốt nhất có thể. Vấn đề an toàn thực phẩm là một trong những yêu cầu thiết yếu của xã hội. Vì thế, đã đến lúc các cấp, các ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan trên thị trường theo kiểu “chuyện thường ngày ở huyện” như hiện nay.
Tuyết Mai