Vừa qua, nhóm tác giả dự án do Thạc sĩ Phạm Văn Thu - Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đã nghiên cứu và chế tạo thành công “Thiết bị xử lý nước thải bằng vật liệu composite trang bị trên tàu khách và các khu nuôi trồng thủy sản ven biển”.
Vừa qua, nhóm tác giả dự án do Thạc sĩ Phạm Văn Thu - Trưởng phòng Thí nghiệm, Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy (Trường Đại học Nha Trang) làm chủ nhiệm đã nghiên cứu và chế tạo thành công “Thiết bị xử lý nước thải bằng vật liệu composite trang bị trên tàu khách và các khu nuôi trồng thủy sản ven biển”. Việc đưa thiết bị xử lý nước thải (XLNT) này vào sử dụng (trong tháng 8-2012) sẽ góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường biển hiện nay.
Khả năng ứng dụng cao
Ưu điểm nổi bật của thiết bị XLNT của nhóm tác giả Phạm Văn Thu là khả năng ứng dụng cao và tính phù hợp với các loại tàu du lịch trong nước. Thạc sĩ Phạm Văn Thu - Chủ nhiệm đề tài cho biết: “Phần lớn các loại thiết bị XLNT nhập khẩu đều sử dụng nguồn điện 220V và 380V, trong khi đó, tàu du lịch ven biển của Việt Nam chỉ sử dụng nguồn điện một chiều 24V. Vì vậy, thiết bị XLNT nhập khẩu vừa không phù hợp với điều kiện hoạt động của tàu du lịch trong nước, vừa có giá thành cao (khoảng trên dưới 6.000 USD/máy). Do đó, chúng tôi đã nghiên cứu và chế tạo thiết bị XLNT sử dụng nguồn điện năng 24V, xử lý theo phương pháp sinh học hiếu khí (một trong những công nghệ XLNT tiên tiến hiện nay) đáp ứng được các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải sinh hoạt (QCVN 14: 2008/BTNMT)”. Theo báo cáo thông số kỹ thuật, hiệu quả của thiết bị này khi xử lý BOD5, chất rắn lơ lửng, tổng coliforms có trong nước thải đều đạt trên 85%. Hệ thống thiết bị được kết hợp 4 modul trong một quá trình xử lý nên hiệu quả xử lý được nâng cao hơn so với các loại thiết bị xử lý khác. Ngoài ra, sự kết hợp này còn góp phần đơn giản hóa hệ thống xử lý, tiết kiệm vật liệu và năng lượng chi phí cho cả việc chế tạo lẫn vận hành thiết bị.
Thiết bị xử lý nước thải được chế tạo bằng vật liệu composite và xử lý theo phương pháp sinh học hiếu khí. |
Bên cạnh những ưu điểm về khả năng XLNT đạt tiêu chuẩn, thiết bị XLNT của nhóm tác giả Viện Nghiên cứu chế tạo tàu thủy rất nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt trên các tàu du lịch có quy mô khoảng 50 hành khách trong các hải trình ngắn. Thiết bị có vỏ làm bằng vật liệu composite nên tuổi thọ sử dụng lâu dài. Dự kiến, giá thành của thiết bị XLNT này gần 30 triệu đồng/máy.
Góp phần bảo vệ môi trường biển
Tại buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm vừa qua, thiết bị XLNT của nhóm tác giả Phạm Văn Thu được nhiều chuyên gia khoa học, đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh đánh giá cao về khả năng ứng dụng và tính cấp thiết. Hiện nay, ngành du lịch biển, ngành nuôi trồng thủy sản trên biển đang phát triển nhanh chóng với hàng trăm tàu khách du lịch và lồng bè thủy sản. Tuy nhiên, vấn đề XLNT trên các tàu khách và lồng bè lại chưa được quan tâm đúng mức. Phần lớn các tàu và lồng bè chỉ trang bị toilet dạng hở. Với dạng toilet này, toàn bộ chất thải trên tàu và lồng bè đều xả thẳng ra biển mà không qua bất kỳ bước xử lý nào. Tình trạng này gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường ven biển, đặc biệt là khu vực bãi tắm và nuôi trồng thủy sản.
Kết quả phân tích nước thải sau khi qua thiết bị XLNT của nhóm tác giả Phạm Văn Thu đã được Viện Pasteur Nha Trang, Viện Nghiên cứu công nghệ sinh học và môi trường (Trường Đại học Nha Trang) công nhận đạt loại A QCVN 14: 2008/BTNMT. Nếu được sử dụng rộng rãi trên các tàu du lịch và khu nuôi trồng thủy sản, thiết bị XLNT sẽ hạn chế đáng kể việc xả thải trực tiếp xuống biển, góp phần bảo vệ môi trường biển. Hiện nay, nhóm tác giả chuẩn bị chuyển giao công nghệ và lắp đặt thiết bị XLNT này cho một số đơn vị; đồng thời tiếp tục hoàn chỉnh yêu cầu kỹ thuật trong đề tài khoa học cấp Bộ từ năm 2012 - 2014 với mục tiêu nâng công suất xử lý đạt từ 300 - 500 lít/ngày đêm. “Xử lý nước thải trên biển không chỉ là nhiệm vụ nghiên cứu của những nhà khoa học chúng tôi mà còn là trách nhiệm của nhà quản lý và các đơn vị trực tiếp hoạt động, khai thác trên biển. Vì vậy, vấn đề bảo vệ môi trường biển cần phải có sự quan tâm và thực hiện đồng bộ, nghiêm túc của nhiều cấp, ngành và người dân”, Thạc sĩ Phạm Văn Thu bày tỏ.
MAI HOÀNG
Vừa qua, UBND TP. Nha Trang đã có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Chi cục Đăng kiểm 5 xem xét về việc cấp giấy phép đối với các tàu du lịch trên vịnh Nha Trang. Theo đó, trước khi cấp phép hoạt động, đơn vị quản lý yêu cầu các chủ phương tiện phải lắp đặt nhà vệ sinh tự hoại trên tàu, không được xả chất thải trực tiếp xuống vịnh; không cho phép các tàu du lịch không có nhà vệ sinh tự hoại hoạt động trên vịnh Nha Trang, chậm nhất là cuối năm 2013.