11:08, 17/08/2012

Tân Trào nhận Bằng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định, Di tích lịch sử Tân Trào được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt càng khẳng định truyền thống của quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử - Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến.

Một góc Khu di tích lịch sử Tân Trào.
Một góc Khu di tích lịch sử Tân Trào.

Ngày 16-8, tại Quảng trường Tân Trào, huyện Sơn Dương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2/9 và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Tuyên Quang.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có tổng diện tích 2.500ha, trên diện tích 10 xã của hai huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Trong đó, huyện Sơn Dương có bốn xã là Tân Trào, Trung Yên, Minh Thanh, Bình Yên; huyện Yên Sơn có sáu xã là Kim Quan, Phú Thịnh, Đạo Viện, Trung Sơn, Hùng Lợi, Trung Minh với tổng thể 177 di tích; trong đó có 40 di tích được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch cấp bằng công nhận di tích lịch sử quốc gia, 30 di tích được cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh…

Tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang để chỉ đạo phong trào cách mạng cả nước. Người đã chọn Tân Trào làm Thủ đô Khu giải phóng, căn cứ địa cách mạng của cả nước.

Tại đây đã diễn ra những sự kiện lịch sử có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 như Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, quyết định Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ra Quân lệnh số 1; Quốc dân đại hội họp tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng, tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch, quy định Quốc kỳ, Quốc ca.

Dưới gốc đa Tân Trào lịch sử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đọc bản Quân lệnh số 1 của Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, chỉ huy đơn vị giải phóng tiến về Hà Nội, cùng nhân dân cả nước thực hiện cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, một lần nữa Tuyên Quang vinh dự trở thành Thủ đô kháng chiến, nơi Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận, 65 cơ quan, ban, ngành Trung ương, trong đó có 13/14 bộ, cơ quan ngang bộ đặt trụ sở làm việc.

Đặc biệt, tại xã Kim Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã diễn ra Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (tháng 2/1951) - đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước.

Cũng tại Tuyên Quang, trong chín năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, Bác Hồ đã ở và làm việc trong thời gian gần sáu năm, với 16 địa điểm khác nhau.

Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, trong những năm đổi mới, cùng với cả nước, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang đã năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu và đã đạt những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đạt trên 14%/năm; thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 tỷ đồng.

Công nghiệp có bước phát triển nhanh, nhiều nhà máy, xí nghiệp đã và đang được xây dựng như Nhà máy giấy và bột giấy An Hòa, Nhà máy ximăng Tân Quang, Nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu…

Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn và 99% thôn, bản đã có đường ôtô đến trung tâm; trên 94% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia…

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh khẳng định, Di tích lịch sử Tân Trào được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt càng khẳng định truyền thống của quê hương cách mạng Tân Trào lịch sử - Thủ đô khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến.

Nhằm xây dựng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào thành trọng điểm thu hút khách và là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch, điển hình như Khu cổng vào khu du lịch lịch sử và nơi đón tiếp; Nhà dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh; xây dựng các khu vui chơi giải trí, khu làng văn hóa dân tộc…

Năm 2012, Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào phấn đấu đón trên 400.000 lượt khách đến tham quan.

Theo VN Plus