11:08, 06/08/2012

Khánh Hòa đã ra khỏi tốp dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới”, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả tích cực. Qua đó góp phần quan trọng làm giảm tốc độ gia tăng dịch HIV/AIDS trong tỉnh thời gian qua.

Những năm qua, tỉnh đã tăng cường đầu tư các nguồn lực, tích cực phối hợp liên ngành, đẩy mạnh việc huy động toàn xã hội và mời gọi sự hợp tác hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành hoàn chỉnh, khá đầy đủ hệ thống văn bản có tính pháp lý cao để lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành công tác phòng, chống HIV/AIDS theo đúng tinh thần Chỉ thị 54-CT/TW và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

. Triển khai hiệu quả nhiều mô hình

Công tác thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS luôn được xem là nhiệm vụ then chốt, được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, địa phương tập trung chỉ đạo, phối hợp đa ngành triển khai rộng khắp trong tỉnh. Một số mô hình thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi đã được triển khai hiệu quả như: Mô hình phối hợp hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; mô hình phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; mô hình phối hợp thông tin truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng… Các mô hình trên đã tổ chức được hàng trăm lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về HIV/AIDS, góp phần nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống HIV/AIDS, tạo sự đồng thuận trong việc thực hiện các biện pháp giảm tác hại, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử. Hàng năm, các cơ quan chức năng và đơn vị chuyên môn còn phối hợp tổ chức tốt các buổi truyền thông về Luật Phòng, chống HIV/AIDS và các sự kiện lớn như: Tháng cao điểm dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1-12). Các nội dung về phòng, chống HIV/AIDS được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên các tờ rơi, pa nô, áp phích, trong các cuộc tọa đàm, được lồng ghép vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền cổ động, đài truyền thanh xã, phường… Nhờ đó đã tạo hiệu quả cao trong việc nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng về trách nhiệm chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV và gia đình họ tích cực tham gia hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội.

Tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa.

Tư vấn phòng, chống HIV/AIDS tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Khánh Hòa.

Thực hiện Quy chế 06-QC/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phối hợp liên ngành trong phòng, chống HIV/AIDS, Sở Y tế đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan các cấp xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS hàng năm ngày càng chặt chẽ và có chất lượng. Một số mô hình phối hợp được thực hiện thường xuyên, đạt hiệu quả, như: Phối hợp tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông thay đổi hành vi; phối hợp tăng cường các biện pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV; phối hợp tư vấn điều trị, chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS… Qua việc thực hiện các mô hình này, ngày càng có nhiều người nhiễm HIV, người bị ảnh hưởng bởi AIDS, đối tượng có nguy cơ cao tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, nhất là tham gia công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị… Việc huy động nguồn tài chính cũng đạt được kết quả khả quan. Ngoài nguồn lực trong tỉnh, trong nước, tỉnh cũng đã thu hút được nhiều nguồn tài trợ, giúp đỡ của các tổ chức quốc tế đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Nhờ những nỗ lực trên, đến nay, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Từ một tỉnh nằm trong tốp dẫn đầu về số người nhiễm HIV/AIDS của cả nước, đến nay Khánh Hòa đã giảm đáng kể số người nhiễm. Tỉ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh hiện chỉ chiếm 0,15% dân số (1.773 ca HIV/AIDS so với dân số 1.167.744 người). Đặc biệt, hầu hết các mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS đề ra đến năm 2020, tỉnh đều đạt và vượt yêu cầu đề ra.

.  Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông

Tuy nhiên, xét về mặt dịch tễ học, tình hình lây nhiễm HIV/AIDS ở Khánh Hòa vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp. Dịch HIV/ADIS đã xuất hiện hầu hết ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh và có xu hướng ngày càng lan rộng về địa giới. Ngoài các nhóm có nguy cơ lây nhiễm HIV cao (tiêm chích ma túy, mại dâm, tình dục đồng giới…), tỉ lệ nhiễm HIV ở nữ giới và nhóm tuổi thanh niên đang có xu hướng gia tăng. Có thể nói, dịch HIV/AIDS vẫn đang là mối đe dọa của cộng đồng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Để thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 54-CT/TW, góp phần ngăn chặn có hiệu quả dịch HIV/AIDS, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục quán triệt nội dung Chỉ thị 54 đến chi bộ nhằm củng cố, duy trì và nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp liên ngành về thông tin, giáo dục và truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng diện bao phủ can thiệp tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, điều trị HIV/AIDS; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện chỉ thị; tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS…

NGỌC KHÁNH