11:08, 23/08/2012

Cần sự phối hợp đồng bộ trong công tác tuyên truyền

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn vẫn khá phổ biến. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền.

 

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, ở các vùng sâu, vùng xa, nhất là trong cộng đồng người dân tộc thiểu số (DTTS), tình trạng tảo hôn vẫn khá phổ biến. Để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng này, rất cần sự phối hợp đồng bộ giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền.

. Từ chuyện tảo hôn ở 1 xã

Vợ chồng anh chị Cao Thị Hoa và Cao Thiện ở thôn Giang Mương - xã Khánh Phú - huyện Khánh Vĩnh kết hôn cách đây 3 năm, lúc đó Hoa mới 14 tuổi, còn Thiện 16 tuổi. Cặp vợ chồng trẻ này đã có 1 đứa con chưa đầy 2 tuổi, giờ lại sắp sửa sinh bé thứ 2. Cuộc sống của cả gia đình phụ thuộc vào nguồn thu nhập không ổn định từ việc làm mướn của Thiện nên bữa ăn hàng ngày lúc đói lúc no. Ở tuổi 17, trong khi bạn bè đang ngồi trên ghế nhà trường để tích lũy kiến thức cho tương lai, thì Hoa suốt ngày phải lo việc nuôi con. Thiện thì tiếc nuối vì không còn cơ hội học tập và tiến bộ. “Do lỡ dại, em yêu sớm nên bố mẹ bắt cưới luôn. Có gia đình rồi, em thấy nuối tiếc những ngày còn đi học, nhưng làm sao quay trở lại. Vợ chồng em giờ việc gì cũng nhờ ông bà, em không biết cách chăm sóc con, chỉ biết đi làm kiếm tiền mua thức ăn cho con” - Thiện tâm sự.

Một trường hợp tảo hôn khác là vợ chồng con trai chị Cao Thị Liên, ở cùng thôn với Thiện. Chị Liên có 6 người con, đứa bé nhất chưa đầy 1 tuổi, nhưng con trai đầu của chị đã lập gia đình. Khi hỏi tuổi của các con mình, chị Liên cũng không nhớ. Chị Cao Thị Trà Chúm - cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thôn Giang Mương cho biết, con dâu chị vừa nghỉ học lớp 6, mới hơn 14 tuổi. Theo thống kê chưa đầy đủ, vài năm gần đây, xã Khánh Phú có 6 cặp vợ chồng tảo hôn. Những người chưa đủ tuổi kết hôn phần lớn là nữ giới, từ 14 đến 16 tuổi, tập trung ở cộng đồng người DTTS.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn ở đồng bào DTTS: do trình độ dân trí thấp, nhận thức kém và quan niệm lạc hậu do ông bà xưa để lại. Trong dòng tộc của họ, tình trạng tảo hôn diễn ra từ thế hệ này sang thế hệ khác. Rất nhiều người không biết chữ, không nhớ tuổi tác của con cái và cũng không nhận thấy được hệ lụy của tình trạng kết hôn sớm ở tuổi vị thành niên. Chị Nguyễn Thị Hoa - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Khánh Phú cho biết: “Tình trạng tảo hôn trên địa bàn xã Khánh Phú khá phổ biến. Bà con DTTS chủ yếu làm nương rẫy, làm mướn, không có thời gian chăm sóc con cái, đa phần trẻ em sinh ra đều nghỉ học sớm, đi làm nương, yêu đương sớm nên thường kết hôn trước tuổi trưởng thành. Tình trạng tảo hôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trên địa bàn xã. Do các cặp vợ chồng vị thành niên đa phần đều gặp khó khăn sau kết hôn vì không có điều kiện kinh tế và không biết cách chăm sóc con cái nên trẻ em sinh ra đều bị suy dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn xã khá cao, khoảng 50%.

. Tăng cường công tác tư vấn, tuyên truyền

Không riêng xã Khánh Phú, trong cộng đồng người DTTS ở một số địa phương miền núi ở Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, tình trạng tảo hôn vẫn khá phổ biến. Theo ông Nguyễn Văn Nha - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Sơn, hôn nhân huyết thống đi đôi với tảo hôn vẫn tồn tại trong cộng đồng người DTTS và đang là cản trở lớn đối với việc nâng cao chất lượng dân số của huyện. Ông Nguyễn Mau - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh cũng trăn trở: “Tuy chưa có thống kê chính xác nhưng tình trạng tảo hôn ở Khánh Vĩnh đã và đang âm thầm diễn ra. Hiện chúng tôi đã phối hợp với Đoàn Thanh niên để tuyên truyền, tư vấn sức khỏe sinh sản (SKSS) cho đối tượng vị thành niên và tiền hôn nhân. Đồng thời, chúng tôi cũng chuẩn bị xây dựng câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân và trong tương lai sẽ nhân rộng mô hình này để đẩy mạnh tư vấn cho vị thành niên, thanh niên, nhằm hạn chế nạn tảo hôn”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thị Hiên - Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ: Trẻ vị thành niên kết hôn sớm chưa đủ kiến thức và khả năng kinh tế để chăm sóc, giáo dục con cái nên trẻ sinh ra dễ bị còi cọc và suy dinh dưỡng, trí tuệ kém phát triển, ảnh hưởng lâu dài đến thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ. Đó là chưa kể các hậu quả như bỏ học sớm, mất cơ hội làm việc, là nguyên nhân của ly hôn, đói nghèo, lạc hậu. Để ngăn chặn nạn tảo hôn, thời gian qua, Chi cục đã phối hợp với huyện Khánh Sơn xây dựng 1 câu lạc bộ tư vấn tiền hôn nhân ở Trường Dân tộc Nội trú Khánh Sơn; phối hợp với huyện Khánh Vĩnh và các địa phương có đồng bào DTTS sinh sống mở các đợt tư vấn chăm sóc SKSS vị thành niên và kiến thức tiền hôn nhân cho các đối tượng vị thành niên và nam nữ chuẩn bị kết hôn. Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể, gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác tuyên truyền, tư vấn chăm sóc SKSS tiền hôn nhân cho trẻ vị thành niên và nam nữ chuẩn bị kết hôn. Có như vậy mới tạo cho thế hệ trẻ quan niệm sống đúng mực, có sức khỏe tốt, đặc biệt là SKSS và có tri thức.

MINH THIẾT