05:08, 30/08/2012

Khô hạn bất thường, cây cối chết héo

Thời tiết nắng hạn kéo dài hơn 6 tuần qua ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã khiến nhiều loại cây nông nghiệp sắp cho thu hoạch chết héo, nông dân đang gặp khó khăn.

Thời tiết nắng hạn kéo dài hơn 6 tuần qua ở huyện Khánh Sơn (Khánh Hòa) đã khiến nhiều loại cây nông nghiệp sắp cho thu hoạch chết héo, nông dân đang gặp khó khăn.

. Thiệt hại nặng

Đến Khánh Sơn lúc này, đi dọc tuyến Tỉnh lộ 9, đoạn từ xã Ba Cụm Bắc đến thị trấn Tô Hạp, chúng tôi bắt gặp không ít rẫy bắp, rẫy lúa của người dân ở hai bên đường bị cháy vàng. Bà Tro Thị Dy (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) chia sẻ: “Hơn 10 năm nay, chưa khi nào tôi thấy khô hạn kéo dài đến vậy. Rẫy bắp hơn 2 sào của gia đình tôi đang trổ cờ, ra quả, bị thiếu nước hơn 1,5 tháng nên hư hại nặng”. Gia đình bà Phạm Thị Hồng ở thôn Dốc Gạo, thị trấn Tô Hạp trồng 3ha bắp. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ bắp năm nay, gia đình bà sẽ thu hoạch được khoảng 7 tấn, với giá bán 4 triệu đồng/tấn, sẽ cho thu nhập khoảng 28 triệu đồng. Tuy nhiên, do khô hạn, bà chỉ thu hoạch được 2 tấn, thu về 8 triệu đồng; trừ chi phí, lỗ mấy triệu đồng. 3ha keo mà gia đình bà trồng từ tháng 5 cũng đã chết hết vì khô hạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm nay, bắp vụ chính được nông dân Khánh Sơn xuống giống từ tháng 5, dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ thu hoạch. Nhưng sau khi bắp phát triển được hơn 1 tháng thì gặp thời tiết khô hạn kéo dài hơn 6 tuần nên không đậu hạt. Cây lúa, cây keo trồng cùng thời điểm cũng bị cháy vàng, chết khô. Ông Huỳnh Đình Lộc - Chủ tịch UBND thị trấn Tô Hạp phân tích: “Khánh Sơn là huyện miền núi, địa hình đồi dốc, phần lớn diện tích đất sản xuất của bà con ở trên đồi cao. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước trời. Vì vậy, khi thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích cây nông nghiệp bị thiệt hại nặng”. Thị trấn Tô Hạp hiện có 48ha bắp, lúa rẫy, 82ha keo mới trồng bị thiệt hại nặng nề. Còn tại xã Ba Cụm Bắc, 70% trong tổng số 200ha bắp vụ chính của địa phương bị mất trắng; 30% trong tổng số 83ha keo mới trồng cũng bị chết.

: Bà Tro Thị Dy (thôn Suối Đa, xã Ba Cụm Bắc) đi mót những trái bắp nhỏ trên rẫy cây đã chết khô.

Bà Tro Thị Dy (thôn Suối Đa, xã Ba Cụm Bắc) đi mót những trái bắp nhỏ trên rẫy cây đã chết khô.

. Sẽ đề xuất giải pháp hỗ trợ

Trao đổi với chúng tôi, ông Mai Trọng Tuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Ba Cụm Bắc cho biết: “Địa phương đã vận dụng mọi biện pháp để cứu vãn các diện tích cây trồng sắp chết. Tuy nhiên, tình hình vẫn rất căng thẳng bởi lượng nước tại các sông, suối trên địa bàn cũng đang cạn nước. Do phần lớn cây trồng ở trên đồi cao nên chỉ còn biết ngửa mặt trông trời!”.

Được biết, xã Ba Cụm Bắc hiện có 260 hộ nghèo, chiếm 36% tổng số hộ dân địa phương. Đáng nói, đời sống của bà con, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, lại hoàn toàn phụ thuộc vào những rẫy bắp, rẫy lúa; vậy mà tất cả đã bị hư hại. Hiện nay, không ít hộ gia đình ở xã Ba Cụm Bắc và nhiều địa phương khác đang phải đối diện với nỗi lo đói lúc giáp hạt. Ông Mấu Hồng Thái (thôn Suối Đá, xã Ba Cụm Bắc) tâm sự: “Vụ bắp này, tôi dành 14 triệu trong tổng số 20 triệu đồng tiền vay ngân hàng để trồng 2ha, hy vọng thu hoạch được khoảng 5 tấn. Với giá bán 4.000 đồng/kg, sẽ thu được 20 triệu đồng, vừa trả nợ ngân hàng một phần, vừa có tiền sinh hoạt. Nhưng giờ đây, nợ không trả được. Theo ông Thái, nếu thời gian tới, trời chuyển mưa, nông dân xuống giống bắp cuối vụ thì cũng phải đến cuối năm mới cho thu hoạch.

Ông Nguyễn Trọng Lâm - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Phòng đang thống kê những thiệt hại do khô hạn gây ra. Sau đó sẽ báo cáo UBND huyện, đề xuất với UBND tỉnh có giải pháp hỗ trợ cho bà con bị thiệt hại, nhất là hỗ trợ giống để nông dân tiếp tục sản xuất vụ cuối năm. Đối với vụ mùa cuối năm, chúng tôi khuyến cáo nông dân nên trồng đậu xanh, các loại rau, củ, quả ngắn ngày. Cây bắp vụ lỡ chỉ phát triển khoảng 300 - 500ha, nhưng phải chờ mưa xuống mới trồng nhằm tránh bị thiệt hại do khô hạn như hiện nay”.

BÍCH LA


Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, tính đến thời điểm này, toàn huyện có 500ha bắp chuẩn bị thu hoạch của bà con đã bị chết khô, 200ha lúa bị mất trắng, 30% trong tổng số 700ha keo vừa trồng đã bị chết. Cũng do khô hạn kéo dài, nhiều loại cây ăn quả chậm phát triển. Những địa phương chịu thiệt hại nặng nề gồm: Thị trấn Tô Hạp; các xã: Ba Cụm Bắc, Ba Cụm Nam, Sơn Bình, Sơn Lâm…

Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, từ năm 2013, Phòng sẽ thực hiện mô hình phát triển cây bắp lai chịu hạn LVN61 trên địa bàn huyện (thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi của Bộ Khoa học và Công nghệ). Theo đó, sẽ xây dựng các mô hình thâm canh, xen canh cây bắp lai chịu hạn; đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để bà con trồng giống bắp chịu hạn.