02:08, 08/08/2012

“Bà đỡ” cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Những năm qua, các hoạt động khuyến công đã kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Những năm qua, các hoạt động khuyến công đã kịp thời hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) phát triển. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

. Hỗ trợ kịp thời

Được sự hỗ trợ của kinh phí khuyến công, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Việt Tiến (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) mạnh dạn đầu tư hơn 2,3 tỷ đồng cải tạo nhà xưởng, mua sắm máy móc, phương tiện… để sản xuất 200 nghìn đôi găng tay/tháng và nhiều sản phẩm khác như khẩu trang, quần áo bảo hộ lao động. Hiện mỗi tháng, Công ty sử dụng khoảng 1,5 tấn sợi nguyên liệu để sản xuất 200 nghìn đôi găng tay, cho lợi nhuận gần 80 triệu đồng/tháng, nộp ngân sách hơn 26 triệu đồng/tháng. Ông Trần Văn Hiệp, Giám đốc Công ty chia sẻ: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh không có nhiều đơn vị sản xuất sản phẩm bảo hộ lao động, nhất là sản phẩm găng tay bảo hộ; trong khi đó, nhu cầu sử dụng lại rất lớn. Vì vậy, Công ty chúng tôi đã quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất này”.

Tương tự, để nâng cao chất lượng, năng suất, đảm bảo các yếu tố kỹ thuật đáp ứng nhu cầu xuất khẩu; được sự hỗ trợ kịp thời từ kinh phí khuyến công, Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt (huyện Vạn Ninh) đã đầu tư gần 11,5 tỷ đồng (trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ 210 triệu đồng) để xây dựng Nhà máy sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu. Nhà máy có công suất 8.000 tấn nguyên liệu/năm (tương đương 2.000 tấn thành phẩm), đã đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 300 lao động nông thôn.


File DSCF 3917: Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt.
 Chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt.

 

Trong khi đó, trước tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn, việc tiêu thụ hàng hóa của các đơn vị, nhất là các cơ sở CNNT giảm sút nghiêm trọng, kinh phí khuyến công đã kịp thời hỗ trợ các cơ sở CNNT trong tỉnh tham gia các hội chợ để quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường. Ông Hoàng Gia Nguyên - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Hoàng Gia Nguyên cho biết: “Công ty chúng tôi là một trong 7 đơn vị được hỗ trợ để đưa sản phẩm tham gia Hội chợ triển lãm được tổ chức tại Phú Yên vừa qua. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) gặp gỡ giới thiệu sản phẩm đến các vùng trong cả nước. Thông qua hội chợ lần này, lần đầu tiên các công ty bán được sản phẩm và tìm được một vài đơn đặt hàng tại thị trường ngoài tỉnh. Đây là một thành công ngoài mong đợi của DN trong điều kiện khó khăn hiện nay”.

. Góp phần thay đổi diện mạo nông thôn

Có thể nói, những năm qua, hoạt động khuyến công đã thực sự là “bà đỡ” cho các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Thông qua các chính sách khuyến công, ngoài việc hỗ trợ cho các cơ sở CNNT phát triển, hoạt động này còn góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực này, nhất là giải quyết việc làm cho người dân nông thôn, góp phần vào việc thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo. Nếu như năm 2008, toàn tỉnh có hơn 4.900 cơ sở CNNT với tổng giá trị sản xuất công nghiệp chỉ đạt 3.124 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 22 nghìn lao động thì đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 5.740 cơ sở CNNT, với tổng giá trị sản xuất công nghiệp tại địa bàn này đạt khoảng 4.700 tỷ đồng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 26.500 lao động nông thôn.

Theo ông Trần Kim Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, từ sự hỗ trợ, khuyến khích của chương trình khuyến công, nhiều cơ sở CNNT đã mạnh dạn đầu tư thiết bị máy móc, cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm mới có hiệu quả kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm cho người dân địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn. Cụ thể, việc Công ty TNHH Chế biến hạt điều Sao Việt đưa nhà máy chế biến nhân hạt điều xuất khẩu tại Vạn Ninh đi vào hoạt động không chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu của DN, mà còn góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 300 lao động địa phương.

Ông Lê Ngọc - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: “Hoạt động khuyến công thời gian qua đã góp phần huy động được các nguồn lực của xã hội đầu tư vào CNNT; thúc đẩy việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cùng với đó, làm thay đổi diện mạo của khu vực nông thôn, nhất là tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động tại khu vực này”.

Thời gian tới, để tiếp tục hỗ trợ các cơ sở CNNT, chương trình khuyến công sẽ tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động như: đào tạo nghề, truyền nghề, phát triển nghề; nâng cao năng lực quản lý cho các cơ sở CNNT; hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học công nghệ; phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu; hỗ trợ các DN áp dụng sản xuất sạch hơn… Mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng CNNT trong giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn đạt 25 - 30%; hỗ trợ có hiệu quả các đề án đầu tư vào địa bàn nông thôn; góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh.

BÍCH LA

Giai đoạn 2008 - 2012, từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và địa phương hơn 4,3 tỷ đồng, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ kịp thời các cơ sở CNNT như: hỗ trợ cho 31 mô hình trình diễn kỹ thuật, sản xuất sản phẩm mới; hỗ trợ 13 cơ sở CNNT đưa sản phẩm tham gia tại các triển lãm trong và ngoài tỉnh; mở 27 lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý cho 976 lượt cán bộ của các cơ sở, giúp các cơ sở CNNT đào tạo nghề cho 680 lao động…