04:08, 25/08/2012

Doanh nghiệp vận tải: Rục rịch tăng giá cước

Tính từ đầu năm đến nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng dầu có mức giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít, trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít.

Tính từ đầu năm đến nay, sau 5 lần điều chỉnh giảm và 5 lần điều chỉnh tăng thì giá xăng dầu có mức giảm tổng cộng là 3.200 đồng/lít, trong khi mức tăng tổng cộng lên tới 5.400 đồng/lít. Gần đây nhất, ngày 13-8, giá xăng của Công ty Xăng dầu Phú Khánh được điều chỉnh tăng 1.130 đồng/lít, dầu diesel tăng 770 đồng/lít; dầu hỏa tăng 810 đồng/lít. Đây là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 1 tháng, xăng dầu điều chỉnh tăng giá. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp vận tải (DNVT) gặp khó khăn, buộc phải nghĩ đến chuyện tăng giá cước.

Doanh nghiệp vận tải gặp khó

Ông Nguyễn Đức Hà - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh Nam Trung bộ và Tây Nguyên cho biết, 2 lần tăng giá xăng trước, Công ty đề xuất với Sở Tài chính cho tăng giá cước taxi từ 500 - 800 đồng/km tùy dòng xe nhưng Sở Tài chính chỉ duyệt cho tăng từ 300 - 500 đồng/km. “Xăng dầu tăng giá thời gian qua đã kéo nhiều mặt hàng khác tăng theo, người tiêu dùng đã phải “thắt lưng buộc bụng” nên doanh thu từ dịch vụ taxi cũng giảm mạnh”, ông Hà chia sẻ. Được biết, doanh thu 6 tháng đầu năm của Công ty Mai Linh đạt hơn 78 tỷ đồng, giảm 10 - 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng những tuần gần đây, lượng khách giảm mạnh, trung bình doanh thu tuần sau giảm so với tuần trước từ 2 - 7%. Sau lần tăng giá xăng vừa rồi, Công ty đang chờ biến động giá xăng dầu thời gian tới rồi mới quyết định tăng giá. Bởi thực tế, mỗi lần tăng giá cước, DN cũng phải tốn kém nhiều chi phí như: Lập trình lại đồng hồ điện tử trên taxi, kiểm định đồng hồ để kẹp chì, in dán lại đề can bảng giá…

Các doanh nghiệp cần thận trọng khi tăng giá cước vận tải. (ảnh chụp tại Bến xe phía Nam Nha Trang).

Các doanh nghiệp cần thận trọng khi tăng giá cước vận tải. (ảnh chụp tại Bến xe phía Nam Nha Trang).

Còn theo ông Lê Minh Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Dịch vụ du lịch Phương Trang chi nhánh tại Nha Trang, 2 lần tăng giá xăng dầu trước, DN không tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, thêm lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất, doanh thu của Công ty đã bị ảnh hưởng đáng kể, buộc đơn vị này phải tính đến việc tăng giá cước. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Công ty dự kiến ngày 26-8 sẽ tăng 5 - 7% giá cước vận tải tuyến cố định. “Đối với Phương Trang, việc tăng giá cước lần này là bất khả kháng, chúng tôi mong hành khách chia sẻ phần nào khó khăn với DN” - ông Trung cho biết. Hiện giá cước vận tải hành khách tuyến Nha Trang - TP. Hồ Chí Minh 210.000 đồng/vé và thời gian tới sẽ dao động từ 220.000 - 230.000 đồng/vé. Không chỉ Phương Trang, nhiều DN kinh doanh vận tải hoạt động tại Bến xe phía Nam Nha Trang cũng đang xây dựng kế hoạch để tăng giá vé trong thời gian tới.

Vận tải xe buýt cũng đang gặp nhiều khó khăn do xăng dầu tăng giá. Theo ông Nguyễn Thái Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Quyết Thắng Nha Trang, nhằm chia sẻ khó khăn với người dân, từ đầu năm đến nay, tuy xăng dầu đã 5 lần tăng giá nhưng DN vẫn chưa tăng giá vé xe buýt. Nhưng do vậy, những tháng gần đây, doanh thu của Công ty liên tục bị thua lỗ từ 100 - 200 triệu đồng/tháng. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng cầm cự, chưa tăng giá vé nhằm chia sẻ khó khăn với người dân. Tuy nhiên, nếu xăng dầu tiếp tục “phi mã”, thua lỗ kéo dài thì DN phải tính đến việc tăng giá vé”, ông Thanh nói. Ngoài xe buýt Quyết Thắng, được biết, xe buýt Phương Trang cũng thua lỗ liên tục trong nhiều tháng qua. Hiện trung bình mỗi ngày, xe buýt Phương Trang có doanh thu từ 40 - 50 triệu đồng, DN phải bù lỗ khoảng 5 - 8 triệu đồng/ngày. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng cân đối thu, chi giữa các loại hình kinh doanh nên chưa có ý định tăng giá cước vận tải xe buýt” - ông Trung khẳng định.

Cần thận trọng khi tăng giá cước

Theo ông Nguyễn Văn Dần - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT), đến cuối ngày 22-8, Sở vẫn chưa nhận được bất cứ văn bản nào của các DNVT đề nghị tăng giá cước. Tuy nhiên, việc xăng dầu “phi mã” như hiện nay đã ảnh hưởng rất lớn đến các DNVT, do vậy, tăng giá cước là điều khó tránh khỏi. Ông Dần nhận định: “Thực tế, trong 2 lần tăng giá xăng dầu trước đó, nhiều DNVT đã cố gắng cân đối để không tăng hoặc tăng rất ít. Nhưng thêm lần tăng giá gần đây nhất đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu của các DNVT. Vì vậy, việc các DNVT tăng giá cước là đương nhiên. Tuy nhiên, tăng bao nhiêu thì cần xem xét kỹ lưỡng. Vào thời điểm này, hành khách đi lại không nhiều nên việc tăng giá cần phù hợp với tình hình thực tế”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Loan (đường Lê Hồng Phong) chia sẻ: “Tôi không ngạc nhiên nếu các DNVT tăng giá cước. Tuy nhiên, ở thời điểm này, các DN cần chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng bằng cách điều chỉnh giá hợp lý”. Ông Lê Văn Nhị - Giám đốc Công ty Cổ phần Xe khách Khánh Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Khánh Hòa cho biết: “Hiện đã có khá nhiều DN đề nghị tăng giá cước vận tải. Tuy nhiên, các DN cần cân nhắc thật kỹ trước khi tăng giá. Không nên lợi dụng xăng dầu tăng giá để trục lợi, dễ mất khách hàng”.

Có thể nói, việc tăng giá cước vận tải trong thời gian tới là điều khó tránh khỏi nhưng DN cũng cần thận trọng khi tăng giá để giữ chân khách hàng. Các cơ quan chức năng cũng cần giám sát chặt chẽ các DNVT để tránh tình trạng “té nước theo mưa”.

KHÁNH HÀ