Do bị người dân đốt phá, hơn 2ha rừng trồng của Doanh nghiệp tư nhân Mỹ Hằng vừa biến thành tro. Doanh nghiệp muốn kêu cứu nhưng lại vướng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa được cấp.
Do bị người dân đốt phá, hơn 2ha rừng trồng của Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Mỹ Hằng vừa biến thành tro. DN muốn kêu cứu nhưng lại vướng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) chưa được cấp. Hiện DN này đang nơm nớp lo, liệu thời gian tới, những khoảng rừng đã được đầu tư chăm sóc gần 7 năm qua có tiếp tục bị tàn phá mà không ai bảo vệ?
Đau xót nhìn rừng trồng cháy
Một ngày đầu tháng 8, sau hơn 1 giờ xuyên qua những vạt rừng keo lai xanh ngát, trước mắt chúng tôi hiện ra một vạt rừng tan hoang. Đây là khu vực thuộc tiểu khu 296 (thường gọi là khu vực núi Ông Cộ) thuộc địa bàn xã Cam Tân (huyện Cam Lâm). Trên 2ha rừng nằm trong nhóm rừng 1c - nhóm rừng hiếm hoi có cây gỗ rải rác còn sót lại ở khu vực này - giờ trơ ra những gốc cây cháy xém. Giữa vô vàn gốc cây cháy đen thui là 2 hầm than. Đây là những gì còn sót lại sau khi người dân chặt cây rừng, đốt gỗ lấy than để bán, sau đó đốt rẫy. Khoảng rừng này do DNTN Mỹ Hằng trồng cách đây khoảng gần 7 năm. Tuy có nhân viên của DN thường xuyên bảo vệ nhưng rừng vẫn cháy bởi sự vô ý thức của một số người dân.
Khoảng rừng bị cháy còn vương mùi khói trên núi Ông Cộ. |
Nhìn những khoảng rừng cháy xém nham nhở, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - Giám đốc DN xót xa: “Tình trạng cháy rừng, phá rừng đã diễn ra nhiều lần. Năm 2008, người dân đi bẫy thú, đốt cỏ tranh đã thiêu trụi hơn 20ha rừng keo của DN. Năm 2010, trong lúc đốt rẫy gần khu vực rừng của chúng tôi, người dân tiếp tục làm cháy khoảng 25ha keo. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn, không biết sẽ còn bao nhiêu héc-ta rừng sẽ bị thiêu rụi…”. Lúc nào bà Hằng cũng nơm nớp nỗi lo cháy rừng. Năm 2008, hơn 20ha rừng trồng cháy rụi trong sự bất lực của bà. Năm 2010, hơn 20ha rừng lại cũng biến mất bởi ngọn lửa của một số hộ dân đốt rẫy lân cận cháy lan sang. Và đều đặn giống như chu kỳ, 2 năm sau, giữa năm 2012, ngoài 2,4ha rừng xen keo biến thành than ở khu vực núi Ông Cộ đã nêu, gần 2ha rừng trồng của DN ở núi Đá Rêu cũng vừa bị ngọn lửa thiêu rụi. Được biết, mỗi héc-ta rừng trồng có giá trị đầu tư ban đầu là 25 triệu đồng, cho đến thời điểm hiện tại, chúng đã có giá trị hàng trăm triệu đồng/ha, chưa kể những lợi ích quý giá cho môi sinh mà rừng mang lại. Tất cả những vụ cháy rừng đều có nguyên nhân từ việc người dân đốt nương, làm rẫy…
Vì sao chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?
Sau gần 7 năm trồng rừng, khoảng 700ha keo của DNTN Mỹ Hằng đã phủ khắp các tiểu khu 229, 231, 296, 297 thuộc các xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân và Cam Hòa. Đến thời điểm hiện tại, DN này vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ cho diện tích rừng đã trồng.
Được biết, từ năm 2008, DNTN Mỹ Hằng đã làm hồ sơ để xin cấp phép đầu tư trồng và bảo vệ rừng cho toàn bộ diện tích đất đã khai phá và mua trước đó của người dân (phần diện tích mua của người dân chủ yếu là thỏa thuận bằng giấy tay). Sau khi UBND tỉnh chấp nhận và giao cho các sở, ban, ngành liên quan thực hiện, DNTN này đã nhanh chóng thực hiện mọi yêu cầu của Nhà nước với mong muốn sớm được cấp GCNQSDĐ. Song, gần 5 năm đã qua với rất nhiều thủ tục, giấy tờ, hiện DN vẫn chưa được cấp GCNQSDĐ. Năm 2011, UBND tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư, Trung tâm Điều tra, khảo sát thiết kế nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng đã thiết lập bản đồ nhưng việc ký xác nhận bản đồ cũng vẫn ì ạch. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 4 xã có diện tích đất lâm nghiệp thuộc dự án, hiện mới có 2 xã ký xác nhận bản đồ (Suối Cát, Cam Hòa). Các xã Cam Tân và Suối Tân vẫn chưa đồng ý ký, lý do là bản đồ đo vẽ chồng lấn bản đồ địa chính xã.
Hầm đốt than được hình thành trên khoảng rừng mới bị đốt. |
Chưa được cấp đất, nên khi rừng bị cháy, DN này không có cơ sở pháp lý để yêu cầu các cá nhân gây cháy bồi thường thiệt hại. Khi chúng tôi làm việc với chính quyền cơ sở, ông Võ Ngọc Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tân khẳng định: “Phần rừng bị 4 hộ dân chặt phá, phát đốt là đất thuộc quyền quản lý của UBND xã Cam Tân, DNTN Mỹ Hằng chưa được cấp diện tích đất này. Tuy DN này đã trồng rừng nhưng do chưa có GCNQSDĐ nên chỉ có thể xử phạt hành chính các cá nhân phát đốt rừng theo quy định”.
Việc chưa được giao đất vô hình trung đã khiến DNTN Mỹ Hằng gặp nhiều khó khăn. Khoảng 700ha keo và rừng tự nhiên xen keo mà DN này bỏ nhiều công sức, tiền của, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu nâng độ che phủ của rừng theo chủ trương mà Đảng và Nhà nước đề ra đang phải phập phồng trước nguy cơ mất trắng vì cháy rừng. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp giải quyết dứt điểm việc giao đất cho DN này.
ĐĂNG ĐIỀN
Ông Nguyễn Tấn Thanh (Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Sở Tài nguyên và Môi trường): “Hiện tại, việc thiết lập bản đồ đã hoàn tất, đợi các xã xác nhận xong, DN sẽ xin cấp GCNQSDD. Việc đo đạc cũng đã hoàn tất khá lâu nhưng không hiểu vì sao khâu ký xác nhận lại chậm như vậy”.
Bà Nguyễn Thị Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm: “Vấn đề liên quan đến việc xin cấp đất trồng rừng của DNTN Mỹ Hằng rất phức tạp. Mặc dù đã có giấy chứng nhận đầu tư, song thực tế còn nhiều vướng mắc nên vẫn chưa thể cấp đất”.
Ông Võ Ngọc Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Tân: “Hiện tại UBND xã chưa ký xác nhận bản đồ là do bản đồ mới đo vẽ có những điểm chồng lấn lên phần đất khác so với bản đồ địa chính xã. Đối với 4 hộ dân đốt rừng, UBND xã đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính theo quy định”.
Gần 7 năm về trước, bà Nguyễn Thị Thu Hằng - một người dân ở Cam Tân - đã mạnh dạn “bỏ phố lên rừng”, tìm đến vùng đất rừng này để thực hiện hoài bão biến diện tích chỉ có lau sậy thành rừng keo. Từ năm 2005, bà mua lại đất rẫy của người dân, đến năm 2008, bà đã biến hàng trăm héc-ta đất trống ở khu vực đất rừng thường được gọi là đỉnh Năm Nọc, nơi chỉ cỏ tranh sống được, thành những vạt rừng keo bạt ngàn, trải dài qua địa phận 4 xã Suối Cát, Suối Tân, Cam Tân, Cam Hòa (Cam Lâm). Bà còn đầu tư 3 tỷ đồng để làm đường cho xe tải có thể lên đến đỉnh núi cao trên 500m so với mực nước biển. Ngoài trồng mới keo lai dâm hom trên diện tích đất trống, bà còn bảo vệ những cây rừng còn sót lại và trồng xen keo lai, với ý định biến nơi đây thành một khu sinh thái khép kín.